Vực dậy kinh tế nước nhà
Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lên tới gần 350 nghìn tỷ đồng đã được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường lần thứ nhất, khai mạc sáng 4/1 - kỳ họp nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, trong bối cảnh 2 năm qua cả nước gồng mình chống dịch Covid-19. Nhất là kể từ ngày 27/4/2021, khi đợt dịch thứ 4 chính thức bùng phát, với biến thể Delta vô cùng khủng khiếp buộc đất nước phải áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn để phòng, chống và dập dịch.
Từ đó, kinh tế đất nước, an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn. Tới nay, dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường khi cùng với chủng Delta đang hoành hành thì biến thể mới Omicron cũng đã vào nước ta. Tới nay, tất cả 63/63 tỉnh, thành cả nước đều có ca lây nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt gần đây, dịch bùng phát mạnh tại Thủ đô Hà Nội, với những ngày số F0 đã vượt lên 2.500.
Do những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, ước tính nền kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ tăng trưởng ở mức 2,58%, thấp hơn năm ngoái (2,91%) và thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chỉ hơn 4,8%, còn tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng âm 3,8%. Mọi lĩnh vực của nền kinh tế đất nước đều bị tổn thương.
Chính vì vậy, Quốc hội đã họp kỳ bất thường nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp bách nhằm hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ 2021-2025.
Với tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng, đó là nỗ lực rất lớn của đất nước, trong khi mức tăng trưởng rất thấp. Đó là quyết định đúng đắn và cần thiết khi mà sức chống chịu của nền kinh tế đã suy giảm do dịch bệnh kéo dài; có lúc, có lĩnh vực bị đứt gãy.
“Bơm” tiền hỗ trợ để phục hồi nền kinh tế được coi là mệnh lệnh của cuộc sống, để đất nước có lực sớm vượt qua khó khăn. Khi các nhà máy xí nghiệp, các doanh nghiệp được trợ lực để hoạt động trở lại, tăng tốc sản xuất, cung ứng, dịch vụ thì cũng chính là nhanh chóng có thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Kể từ tháng 10/2021, Chính phủ đã quyết định chuyển chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với Covid-19, vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển sản xuất. Mà muốn vậy, thì các lĩnh vực đã bị tổn thương trong đại dịch phải được “tiếp máu”.
Chương trình hỗ trợ đã xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023, gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội có quy mô lớn nhất từ trước tới nay mà Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định, nếu được thông qua sẽ lại như chiếc phao cứu sinh đối với nền kinh tế. Vấn đề lúc này là triển khai sao cho trúng cho đúng, hiệu quả, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và cần giám sát chặt chẽ để chống tiêu cực. Với 350 nghìn tỷ đồng được đưa vào lưu thông, áp lực lạm phát là khó tránh khỏi. Cũng chính vì thế, điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, hạn chế thấp nhất rủi ro là điều rất cần được quan tâm.
Chúng ta tin tưởng rằng kinh tế đất nước sẽ nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ. Đây phải được xem là tin vui lớn của đất nước ngay khi bước vào năm mới 2022.