TP Hồ Chí Minh: 'Chìa khóa' để phục hồi
Là địa phương chịu tác động nặng nề bởi đợt bùng phát thứ tư đại dịch Covid-19, song năm qua TP Hồ Chí Minh vẫn có một số “điểm sáng” kinh tế - xã hội, nhất là các kết quả khả quan đạt được trong công tác cải cách hành chính tại đô thị lớn nhất nước này.
Thành tựu của cải cách hành chính đến từ việc áp dụng thuận lợi các mô hình, giải pháp về chuyển đổi số. Trong năm nay, TP HCM đặt mục tiêu thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) cả năm tăng 10% tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ được giải quyết so với năm trước.
Theo kế hoạch thực hiện công tác CCHC năm 2022, UBND TP HCM đặt chỉ tiêu 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Trong đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn của các lĩnh vực đất đai và đầu tư, khiếu nại, tố cáo được cải thiện đáng kể. Trong đó, giảm tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn trên lĩnh vực này còn dưới 4%.
Đáng chú ý, thành phố dự kiến ứng dụng 100% thanh toán điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ trong các lĩnh vực về giáo dục, y tế.
Chuyển đổi số, nhất là cải cách thủ tục hành chính được coi là “chìa khóa” quan trọng để TP HCM hồi phục kinh tế - xã hội và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm nay.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, sở dĩ thành phố đề ra chỉ tiêu rất cao trong công tác CCHC xuất phát từ nhiều yếu tố, như các chuyển biến tích cực về tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ công chức; nhiều mô hình cải CCHC của thành phố được trung ương đánh giá cao và được nhân rộng;…
Về các hạn chế, tồn tại trong CCHC, ông Võ Văn Hoan chỉ ra những “điểm nghẽn” để thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số và cải thiện PCI của TP HCM. Đó là các tiêu chí về tính minh bạch, gia nhập thị trường, năng động, pháp chế và an ninh trật tự. Theo ông Hoan, trong 5 năm qua thành phố đã nỗ lực để cải thiện những chỉ số này nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn.
Kể từ cuối tháng 4/2021, các tác động của đại dịch Covid-19 đối với TP HCM đã trở thành những trải nghiệm đặc biệt để thành phố tìm mô hình, giải pháp cho 2022. Đó là những vấn đề về chuyển đổi số và CCHC để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; tháo gỡ các rào cản về thủ tục, hồ sơ, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng cho khu vực sản xuất, kinh doanh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài...
Theo chuyên gia Võ Tấn Thành, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP HCM, phải thừa nhận trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19 nhưng TP HCM vẫn ban hành nhiều chính sách quyết liệt trong phát triển kinh tế. Điều quan trọng là tìm hướng đi phù hợp để phục hồi từ 2022, nhất là các khó khăn, tồn tại về CCHC cần phải triệt để.
Chuyển đổi số là “huyết mạch” để CCHC và giảm bớt phiền hà, nhũng nhiễu về hành chính đối với người dân, doanh nghiệp. TS Lương Công Nguyên, giảng viên Khoa Quản trị Trường Đại học Luật TP HCM cho rằng, đây không chỉ là xu hướng của các đô thị phát triển như TP HCM, mà còn là xu hướng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới đây.
Với việc các dịch vụ thanh toán điện tử ngày càng phổ biến như mở tài khoản thanh toán điện tử (eKYC), ví điện tử, siêu thị trực tuyến, ngân hàng số, áp dụng kỹ thuật thanh toán (mã QR code, thẻ Chip nội địa,...),…nền kinh tế TP HCM được dự báo sẽ có những bước hồi phục quan trọng trong năm nay.