ĐBQH: Cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận về vốn ODA
ĐBQH cho rằng: “Nếu gộp cách quản lý vốn ODA không hoàn lại với cả vốn vay ODA là không hợp lý”.
Ngày 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã tham dự phiên thảo luận tại Tổ số 5.
Góp ý kiến về Luật Đầu tư công, ĐB Phạm Phú Bình (đoàn Nghệ An) cho rằng, cần thay đổi khái niệm và thuật ngữ để đảm bảo tính chính xác. Nhất là giữa các văn bản và báo cáo thẩm tra đang sử dụng chung khái niệm vốn ODA là vốn vay nước ngoài. Tuy nhiên cần lưu ý rằng vốn ODA có 2 loại khác biệt nhau hoàn toàn gồm: vốn ODA viện trợ không hoàn lại và vốn vay ODA. Viện trợ ODA không hoàn lại tính chất khác hẳn với vốn vay ODA. Vì vậy cách thức quản lý và cách tiếp cận cũng khác nhau.
Theo ông Bình, đã đến lúc cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận về ODA. Vốn ODA không hoàn lại thì từ trước đến nay chúng ta quản lý chung như vốn ODA. Tuy vậy từ năm 2017, và nhất là từ 2019 đến nay chúng ta đã tốt nghiệp IDA theo phân cấp của Ngân hàng thế giới.
Tốt nghiệp IDA thì theo quan điểm của Ngân hàng thế giới đi kèm với ách tiếp cận của các nhà tài trợ đối với Việt Nam liên quan đến việc có tài trợ ODA cho Việt Nam nữa hay không.
Gần đây các khoản viện trợ ODA đều đã chuyển thành vốn vay ODA ưu đãi. Các khoản viện trợ ODA không hoàn lại gần như đã biến mất, chỉ còn từ các đối tác đa phương và các quỹ đa phương như Quỹ môi trường toàn cầu hay các tổ chức của UNDP.
“Nếu chúng ta gộp cách quản lý vốn ODA không hoàn lại với cả vốn vay ODA là không hợp lý. Ngay báo cáo thẩm tra cũng có ý kiến nêu vốn vay ODA cần phải coi là vốn vay quốc gia và cần được quản lý như khoản nợ chứ không phải khoản cho như vốn ODA viện trợ không hoàn lại” - ông Bình cho hay.
Khi làm việc với các Bộ, ngành và địa phương, vị ĐBQH là Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, quy trình liên quan đến việc phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư liên quan đến các khoản vốn ODA. Vì đang gộp chung với vốn vay ODA nên gây khó khăn rất nhiều cho các Bộ ngành. Nhiều khi chỉ sửa đổi 1 điều khoản rất nhỏ trong Hiệp định tài trợ cũng buộc phải xin ý kiến lên Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Hay một số dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cũng phải xin ý kiến lên Thủ tướng Chính phủ mới có thể điều chỉnh trong khi điều chỉnh đó là rất nhỏ liên quan đến hợp phần, gia hạn bổ sung thời gian để sử dụng hết khoản viện trợ ODA.
Việc điều chỉnh liên quan đến sửa đổi Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư trong 1 luật sửa 8 luật trên là cần thiết. Khi điều chỉnh dùng “1 luật để điều chỉnh 8 luật” thì 1 điều chỉnh có thể liên quan đến rà soát điều chỉnh quy trình đối với rất nhiều luật khác.
Do đó chúng ta cần rà soát kỹ, đặc biệt ở đây có ý kiến nêu lên liên quan đến sửa đổi, rà soát cả quy định liên quan đến các Hiệp định là các Điều ước quốc tế cũng cần rà soát để đảm bảo khi điều chỉnh luật bằng dự luật này cũng cho phép có thể thực thi được, không bị ảnh hưởng đến luật chưa được điều chỉnh trong khuôn khổ pháp luật có liên quan và cần phải cân nhắc.
Cùng chung quan điểm, ĐB Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, qua thẩm tra 1 luật sửa 8 luật thì lần này đã phân cấp rất lớn cho chính quyền địa phương. Theo đó về các vốn vay ODA thì thực tế Việt Nam đã thực hiện quá trình phát triển kinh tế và đã tốt nghiệp IDA.
Bà Yến cho rằng: Thực tế các vốn ODA tiếp nhận hiện nay đều là vốn vay. Quá trình khai thác sử dụng phải đảm bảo quá trình hoàn trả trong tương lai. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng lúc này các hoạt động hội nhập không dừng ở cấp Trung ương nữa mà cũng sẽ cần lan tỏa xuống các cấp cơ sở, địa phương các tỉnh thành, doanh nghiệp và người dân.
“Do vậy cần đảm bảo quá trình quản lý nhà nước, nên nhu cầu liên quan đến sửa đổi các quy định trong pháp luật thì các giải pháp cần đánh giá việc nâng cao năng lực của các đơn vị, các cơ quan được phân cấp ủy quyền, để đảm bảo quá trình được phân cấp cũng sẽ đáp ứng và đảm bảo uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong quá trình thực hiện các hoạt động của mình” - bà Yến nói.