Điều kỳ diệu từ một nhà máy chocolate đối với những người khuyết tật

Mai Nguyễn (Theo Japan Times) 06/01/2022 16:30

Nhà máy chocolate Quon ra mắt năm 2014 đã đạt được ước mơ khuyến khích một xã hội hòa nhập hơn với nhiều công nhân khuyết tật được tạo điều kiện lao động.

Nhà máy chocolate đặc biệt

Một nhà máy sản xuất chocolate ra mắt vào năm 2014 tại Nhật Bản bởi một doanh nhân với ước mơ khuyến khích một xã hội hòa nhập hơn đã chứng tỏ được thành công, với nhiều công nhân bị khuyết tật hoặc có các vấn đề về sức khỏe tâm thần đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo ra các sản phẩm chất lượng cao.

Một trong những sáng kiến ​​gần đây nhất của mình, nhà máy chocolate Quon có trụ sở tại Toyohashi, tỉnh Aichi, đã xây dựng một xưởng mới với tên gọi ‘phòng thí nghiệm bột’ vào tháng 6/2021, sử dụng khoảng 10 người khuyết tật trí tuệ nặng.

Họ đảm nhận những công việc quy mô nhỏ mà nếu không được thực hiện sẽ khó kết hợp trong quá trình sản xuất - chẳng hạn như sản xuất bột trà xanh với số lượng nhỏ từ các bộ phận khác nhau của lá và thân cây, cho phép điều chỉnh hương vị tinh tế nhất định giữa trà xanh và chocolate.

Tại Quon, mỗi người sẽ kiếm được 50.000 yên (khoảng 435 USD) một tháng bằng cách làm việc năm giờ một ngày, năm ngày một tuần. Theo Bộ phúc lợi Nhật Bản, con số này cao gấp đôi mức lương hàng giờ mà họ sẽ được trả tại các cơ sở phúc lợi, khoảng 220 yên vào năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu trung bình của quốc gia là 930 yên trong năm 2021.

“Vì các cơ sở phúc lợi không được coi là dành cho lao động nên nhiều người chỉ kiếm được 3.000 đến 5.000 yên mỗi tháng, nhưng tôi luôn băn khoăn rằng liệu đây có phải là tất cả giá trị mà họ có thể tạo ra hay không”, Hirotugu Natsume, 44 tuổi, người đứng đầu tổ chức Hiệp hội Tập đoàn La Barca, công ty điều hành nhà máy chocolate Quon. “Tôi muốn tăng lương cho họ hơn nữa”.

Cam kết hòa nhập của Quon được áp dụng trong toàn bộ lực lượng lao động của mình. Nhà máy này hiện có 550 nhân viên, bao gồm cả những người tại các cửa hàng được nhượng quyền thương mại, trong đó hơn một nửa, hoặc 350 người, bị khuyết tật trí tuệ hoặc thể chất, rối loạn phát triển hoặc có các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Được biết đến với loại chocolate đặc trưng “Terrine” hình chữ nhật với khoảng 150 hương vị đa dạng và lớp trên cùng phủ trái cây và hạt khô, công ty này dự kiến ​​mức doanh thu thuần đạt 1,5 tỷ yên tính đến tháng 3/2022, tăng 25% so với năm trước.

Công ty hiện có chi nhánh và cơ sở tại 52 tỉnh thành phố, bao gồm 18 cơ sở sản xuất từ tỉnh ​​Hokkaido đến tỉnh Kagoshima.

Anh Yoshihiro Kawano, 22 tuổi, mắc chứng rối loạn phát triển, bắt đầu làm việc bán thời gian tại cơ sở sản xuất của Quon từ khi còn là học sinh trung học. Trở thành nhân viên chính thức, Yoshihiro tham gia vào các công việc như ủ - một quá trình quan trọng khi phải làm nóng và làm lạnh chocolate để hỗn hợp mịn hơn và sau đó cắt thành phẩm.

Kawano vui vẻ: “Tôi thích trộn nguyên liệu và cắt chocolate. Và hơn hết tôi muốn tiếp tục làm việc ở đây”.

Từ thất bại đến thành công

Bất chấp sự phát triển ổn định của nhà máy sản xuất chocolate trong gần một thập kỷ, Natsume đã trải qua vô số khó khăn trên con đường khởi nghiệp kinh doanh, bao gồm cả những thất bại với tư cách là nhà thiết kế xây dựng thang máy cho người khuyết tật tại các ga tàu vào khoảng năm 2000.

Sau khi phát hiện ra những người khuyết tật chỉ kiếm được từ 3.000 yên đến 4.000 yên một tháng tại các cơ sở phúc lợi địa phương, anh quyết định tự mình làm điều gì đó để giải quyết vấn đề này. “Tôi muốn tạo ra một nơi mà ngay cả những người khuyết tật cũng có thể kiếm được nhiều tiền”, Natsume khẳng định.

Hirotugu Natsume, người đứng đầu Hiệp hội Tập đoàn La Barca, người đã sáng lập nhà máy chocolate Quon vào năm 2014. Ảnh: Japan Times.

Natsume bắt đầu mở một tiệm bánh vào năm 2003 với 3 người bị thiểu năng trí tuệ, nhưng những tổn thất từ việc kinh doanh mà anh phải gánh chịu được miêu tả “như rơi xuống từ vách đá”.

“Làm bánh mì rất khó, vì họ bị ép thời gian để tạo ra các sản phẩm, chẳng hạn như nhào bột và lên men. Thật đau đớn khi nhìn thấy những người không thể theo kịp công việc”, Natsume nói.

Anh cũng từng điều hành một quán cà phê, nhưng yêu cầu tốc độ quá cao để phục vụ bữa ăn và đồ uống cho khách hàng, vì vậy một số công nhân chắc chắn không thể đáp ứng.

Sau những lần thử nghiệm không thành công, anh gặp Kazuo Noguchi, một thợ làm chocolate, chuyên phục vụ cho các khách sạn sang trọng và nhà hàng nổi tiếng. Noguchi nói với anh rằng chocolate ngon có thể được làm bởi bất kỳ ai sử dụng nguyên liệu chất lượng và đúng quy trình.

“Đó là một bất ngờ lớn, vì tôi đã luôn nghĩ làm chocolate và bánh rất khó,” Natsume nói.

Nhưng khi tìm hiểu thêm, Natsume đã phát hiện ra rằng chocolate chính là món đồ ngọt hoàn hảo được tạo ra bởi những người khuyết tật, bởi vì quá trình này rất dễ dàng để làm theo và đi kèm với một mục tiêu rõ ràng trong tâm trí.

“Ngay cả khi chúng tôi thất bại, chocolate vẫn có thể được nấu chảy thêm một lần nữa”, Natsume vui vẻ. Ông nói: “Không giống như bánh mì hay các loại đồ ngọt khác, chocolate có thể được điều chỉnh theo những người làm ra chúng”.

Chocolate của nhà máy sản xuất Quon. Ảnh: Japan Times.

Natsume cho biết công ty đang đặt mục tiêu trở thành một trong những thương hiệu chocolate hàng đầu tại Nhật Bản. “Tôi muốn mọi người mua chocolate của chúng tôi, không phải vì những người khuyết tật đã làm ra chúng, mà bởi vì chúng có chất lượng hàng đầu”, anh nói.

Trong số các sáng kiến ​​tương tự khác trong ngành công nghiệp thực phẩm, Quỹ phúc lợi Yamato do cố Chủ tịch Công ty Vận tải Yamato Masao Ogura thành lập, đã thuê người khuyết tật và bắt đầu chuỗi cửa hàng bánh mì Swan vào năm 1998. Hiện đã có hơn 350 người khuyết tật làm việc tại các cửa hàng bánh mì và quán cà phê trên toàn quốc.

Mai Nguyễn (Theo Japan Times)