Dân Hải Dương lúng túng trước yêu cầu xét nghiệm trước khi vào quán ăn
Những ngày qua, dư luận ở TP Hải Dương (Hải Dương) đang xôn xao sau khi chính quyền thành phố có văn bản quy định chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống trên địa bàn có trách nhiệm tổ chức xét nghiệm nhanh hoặc kiểm tra kết quả xét nghiệm PCR của khách hàng; kết quả âm tính mới được tham dự.
Ngày 1/1 vừa qua, UBND TP Hải Dương (Hải Dương) đã có văn bản điều chỉnh một số biện pháp chống dịch trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP Hải Dương đề nghị nhân dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tuân thủ nguyên tắc 5K, chủ động test nhanh kháng nguyên xét nghiệm Covid-19, đặc biệt là những người từ tỉnh ngoài, vùng có dịch trở về, không chủ quan, lơ là khi đã tiêm vaccine.
Theo văn bản trên, từ 0h ngày 4/1, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống trên địa bàn thành phố được phép hoạt động khi bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch, không phục vụ quá 50% công suất và không quá 20 người trong một phòng; phải đóng cửa trước 21h hằng ngày; thực hiện nghiêm việc khai báo y tế hoặc quét mã QR.
Đặc biệt, các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống có trách nhiệm tổ chức xét nghiệm nhanh hoặc kiểm tra kết quả xét nghiệm PCR của khách hàng (có thời hạn trong 72 giờ); kết quả âm tính mới được tham dự…
Ngay sau khi quy định trên được ban hành, người dân địa phương, các chủ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Hải Dương đều cảm thấy lo lắng, thậm chí nhiều người bày tỏ không đồng tình với nội dung này.
Chị Nguyễn Thị H., chủ một nhà hàng tại phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương cho biết, thời gian qua, tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của nhà hàng do phải đóng cửa trong một thời gian dài.
Khi nhận được thông tin các cơ sở dịch vụ ăn uống được mở cửa trở lại khiến ai cũng vui mừng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi chính quyền yêu cầu chủ các cơ sở phải có trách nhiệm tổ chức xét nghiệm nhanh hoặc kiểm tra kết quả xét nghiệm PCR của khách hàng đến sử dụng dịch vụ.
“Chúng tôi đã phải chịu thiệt hại quá nặng nề khi mọi hoạt động kinh doanh đều dừng hoạt động trong một thời gian dài. Bao khoản chi phí từ thuê mặt bằng, nhân công, nguyên liệu, thực phẩm đều cố gắng “gánh gồng” nhưng nay lại phải lo thêm khoản chi phí mua bộ test Covid-19, rồi chi phí thuê cán bộ y tế để thực hiện việc lấy mẫu thì làm sao chịu nổi.
Trong khi đó, mỗi mẫu test phải mất đến 20 phút mới có kết quả. Chả nhẽ cứ bắt khách phải đứng ở ngoài để đợi chờ kết quả. Quy định này thực tế là không phù hợp một chút nào. Trong khi đó, chúng tôi chỉ mong sớm phục hồi hoạt động kinh doanh sau một thời gian dài chịu thiệt hại”, chị H. mạnh dạn chia sẻ.
Không chỉ các chủ nhà hàng, cơ sở ăn, uống có ý kiến về quy định này mà ngay cả người dân cũng cảm thấy bức xúc.
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Việt H., ở phường Phạm Ngũ Lão thì không thể phủ nhận nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn nhưng quy định về việc các chủ cơ sở phải tổ chức xét nghiệm nhanh hoặc kiểm tra kết quả xét nghiệm PCR của khách hàng là bất hợp lý.
Cụ thể, tỉnh Hải Dương đã có nhiều biện pháp kiểm soát người từ vùng dịch về địa phương, các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê đều có khu vực khai báo y tế, quét mã QR thì không cần thiết phải tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Việc làm này khá bất tiện. Trong khi nhiều tỉnh thành khác không yêu cầu phải thực hiện biện pháp này nhưng vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Theo khảo sát của phóng viên Đại Đoàn Kết Online tại các cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn, uống trên địa bàn TP Hải Dương từ đầu tháng 1 đến nay, lượng khách đến sử dụng dịch vụ tại đây không cao, chỉ đạt khoảng 10% so với những ngày thường khi chưa có dịch.
Điều đáng nói là dù chính quyền thành phố đã ban hành văn bản quy định nhưng hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống trên địa bàn hầu như đều không thực hiện nội dung này. Một số trường hợp khi trao đổi thì lấy lí do những khách hàng đến thường đã có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Một số quản lý nhà hàng, quán cà phê khác thì thẳng thắn khẳng định không thể làm như vậy vì sẽ “mất khách”. Cũng chính vì lí do trên nên nhiều chủ cơ sở kinh doanh chấp nhận đóng cửa dịch vụ chờ đến khi có văn bản mới hoặc chấp nhận mở “chui” để phục vụ khách hàng.
Có thể nhận thấy, thời gian qua, chính quyền TP Hải Dương nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung đã ban hành nhiều văn bản, triển khai nhiều biện pháp có hiệu quả nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19.
Người dân và các chủ cơ sở kinh doanh đều mong chờ các dịch vụ ăn, uống được mở trở lại vừa để phục vụ nhu cầu của người dân, vừa là cơ hội phục hồi lại hoạt động kinh doanh, sản xuất. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần nghiên cứu và ban hành các quy định phù hợp với thực tế, tránh gây phiền hà cho người dân.
Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này.