CDC khuyến nghị thúc đẩy tiêm vaccine Pfizer liều tăng cường cho trẻ từ 12-15 tuổi
Ngày 5/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã khuyến nghị sử dụng vaccine Pfizer liều tăng cường cho trẻ em từ 12-15 tuổi, mở đường cho những mũi tiêm đầu tiên có hiệu lực vào sáng 6/1.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ ngày 3/1 đã cho phép sử dụng vaccine Pfizer liều tăng cường ở trẻ từ 12-15 tuổi, mở đường cho việc “bật đèn xanh” của CDC. Theo đó, với 13 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Ủy ban cố vấn CDC ủng hộ tiêm mũi vaccine tăng cường cho nhóm đối tượng trên ít nhất 5 tháng sau mũi tiêm thứ 2.
Theo CDC, những người đã tiêm chủng đầy đủ và đã thực hiện mũi tiêm tăng cường không bị yêu cầu cách ly sau khi tiếp xúc với người bênh, do vậy, việc tiêm mũi tăng cường cho trẻ từ 12-15 tuổi sẽ đảm bảo cho trẻ có thể tiếp tục đến trường.
Tiến sĩ Amanda Cohn, cố vấn cấp cao về vaccine tại Trung tâm Tiêm chủng và Bệnh đường hô hấp Quốc gia CDC cho biết: Liều tăng cường cho trẻ vị thành niên có thể "làm giảm khả năng mắc bệnh và hạn chế các tác động khôn lường đối với sức khỏe của trẻ.
Hội đồng CDC nhấn mạnh, cần nỗ lực hơn nữa vào việc thúc đẩy tiêm chủng ở trẻ em, vì gần 1/3 số trẻ từ 12-17 tuổi vẫn chưa được tiêm mũi đầu tiên. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự lây truyền trong trường học, cũng như tỷ lệ trẻ em nhập viện trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh.
Tiến sĩ Helen Keipp Talbot, một thành viên hội đồng và là giáo sư y khoa tại Đại học Vanderbilt cho rằng cần tập trung nhiều hơn vào việc tiêm chủng cho những trẻ chưa được chủng ngừa trước đó.
Liều tăng cường là rất quan trọng nhưng những mũi tiêm đầu tiên lại càng quan trọng hơn, theo Tiến sĩ Talbot.
Theo ghi nhận của CDC, thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi chưa được tiêm chủng có nguy cơ nhập viện cao hơn 11 lần so với thanh thiếu niên đã được tiêm chủng đầy đủ.
CDC cho biết, khả năng miễn dịch của trẻ từ 12- 15 tuổi trên thực tế suy giảm giống như ở người lớn tuổi, do đó, vai trò của các mũi tiêm tăng cường là vô cùng quan trọng.
Trong khi kháng thể từ các mũi tiêm ban đầu đã bị các đột biến của biến thể Omicron loại bỏ, mũi tăng cường cho thấy khả năng tạo ra các kháng thể chống lại biến thể Omicron một cách đột phá. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, với một mũi tiêm nhắc lại, khả năng bảo vệ có thể đạt tới 80% và khiến phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh giảm nhẹ hoặc không dẫn đến tình trạng nguy kịch.