Chặn mỹ phẩm giả

Miên Thảo 07/01/2022 13:00

Chính phủ đã ban hành Nghị định 129/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện sai phạm trong hoạt động kinh doanh mỹ phẩm. Nguồn: QLTT.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 51 vi phạm các quy định về quảng cáo mỹ phẩm: Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng một trong các thông tin: Tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm và các cảnh báo theo quy định khi quảng cáo trên báo nói, báo hình. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 51 như sau: Phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Đã từ lâu, thị trường mỹ phẩm là “trận đồ bát quái” không biết đâu là thật, đâu là giả, chất lượng thế nào, giá cả ra sao, xuất xứ từ đâu, có được cơ quan chức năng cho phép hay không. Từ một thỏi son môi cho đến cái gọi là “thuốc” làm đẹp da, xóa vết nhăn, xóa tàn nhang, tẩy trắng toàn thân... đều được quảng cáo như những “biệt dược”, là “thần sắc đẹp” không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà còn lây lan sang cả nam giới.

Khi xã hội phát triển, thu nhập khá lên, thì việc làm đẹp là nhu cầu của rất nhiều người. Lợi dụng thực tế đó, nhiều cơ sở kinh doanh mỹ phẩm mặc sức quảng cáo sản phẩm không đúng với thực tế. Đáng chú ý, những cơ sở này lại không hiểu biết về hóa chất sử dụng trong mỹ phẩm, chỉ cốt bán được hàng càng nhiều càng tốt, giá càng cao càng tốt. Hậu họa (nếu có) thì người mua, người sử dụng tự gánh chịu.

Đáng tiếc là không ít báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình (gọi chung là báo chí) đã nhận quảng cáo cho những cơ sở đó, mà không kiểm soát kỹ nội dung. Chính vì thế, Nghị định 129 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (trong đó có vi phạm quảng cáo mỹ phẩm) theo hướng nâng mức phạt là cần thiết, để lập lại kỷ cương trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, cùng với phạt vi phạm quảng cáo mỹ phẩm đối với báo chí, thì điều quan trọng trước tiên là phải phạt cơ sở đưa ra quảng cáo sai sự thật. Vì nếu không có việc họ cố tình quảng cáo sai sự thật thì báo chí cũng không thể vi phạm tiếp theo. Trước khi đặt quảng cáo, nội dung quảng cáo của những cơ sở này phải được cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét và quyết định, chỉ có như thế mới không dẫn tới những vi phạm khác. Tất nhiên, báo chí cũng sẽ thực hiện những quy định về quảng cáo khi kiểm tra kĩ những nội dung được đề nghị, nhưng quan trọng hơn vẫn là sự tự giác của cơ sở đặt quảng cáo và trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền.

Một vấn đề nữa cũng cần phải được đặt ra, đó là việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả. Đây là gốc rễ của vấn đề. Hành vi sản xuất kinh doanh mỹ phẩm giả thuộc quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như sau: “Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa”.

Mức phạt hành vi sản xuất mỹ phẩm giả, tùy theo sai phạm sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng cho tới 100 triệu đồng.

Người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 đến 3 tháng và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm. Còn căn cứ theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017, thì người sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Nếu những quy định pháp luật được thực hiện nghiêm thì nạn sản xuất, kinh doanh, quảng cáo hàng giả (trong đó có mỹ phẩm) sẽ đi vào khuôn phép.

Miên Thảo