Giải phóng mặt bằng phải đi liền với tái định cư

H.Vũ 07/01/2022 07:17

Chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ.

Cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua chúng ta đã làm số lượng lớn công việc, còn lại 756 km đang triển khai chứ không phải toàn bộ tuyến chưa làm. Để làm cao tốc Bắc - Nam đoạn còn lại, theo Chủ tịch nước, cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Lần này đề nghị giải phóng mặt bằng giao cho chính quyền địa phương đảm nhận.

Chúng ta cũng phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, trước hết làm tốt tái định cư để người dân ở nơi mới có điều kiện bằng, hoặc tốt hơn nơi cũ. Quyền lợi người dân phải được đảm bảo, giải phóng mặt bằng phải đi liền với tái định cư.

Chủ tịch nước cũng lưu ý việc chống thất thoát, lãng phí. Những đơn vị nhà nước, bao gồm cơ quan quản lý phải tìm đơn vị thi công có năng lực. Đi liền với đó là chấm dứt tình trạng bán thầu. Nhiều đơn vị, nhờ quan hệ trúng thầu, sau đó bán thầu lại cho B, B’ qua nhiều bước trung gian. Đây là kinh nghiệm hết sức sâu sắc trong quá trình chỉ đạo xây dựng cao tốc Bắc - Nam.

“Phải làm tốt hơn công tác kiểm toán, giám sát, thanh tra, kiểm tra của các đơn vị chức năng. Đảm bảo làm đúng yêu cầu, thiết kế, tránh thất thoát, lãng phí. Đưa kiểm toán vào ngay từ đầu để tránh chuyện nâng giá, thay đổi định mức” - Chủ tịch nước nêu rõ, đặc biệt, việc đấu thầu đơn vị thi công phải chọn lựa đơn vị tốt nhất, tránh tình trạng thất thoát thông qua chỉ định thầu.

“Tiền vào công trình thì tiền phải phát huy hiệu quả, tiền phải đúng người đúng việc, đảm bảo chất lượng mới phát huy tác dụng” - Chủ tịch nước nói đồng thời mong muốn Quốc hội thông qua với cơ chế giám sát cụ thể, thúc đẩy tiến độ công việc nhanh hơn nhưng phải làm chặt chẽ để tránh thất thoát lãng phí.

Rút ngắn trình tự, thủ tục

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, ngoài đầu tư công cần huy động các nguồn lực khác để đầu tư cho đường cao tốc Bắc - Nam. Chất lượng huy động nguồn lực cần có các tiêu chí cụ thể phù hợp để có nguồn lực huy động, cũng như tránh việc huy động dẫn đến gây ảnh hưởng cân đối vĩ mô lâu dài.

Theo bà Lan, cao tốc Bắc - Nam là huyết mạch, nếu làm tốt có thể khai thác thế mạnh quốc gia có đường biển dài như Việt Nam. Nhưng để phát huy hiệu quả cần quan tâm tới các yếu tố kỹ thuật như cần tính đến tùy theo địa bàn liên quan vì chất đất giữa miền Trung khác với đồng bằng sông Cửu Long. Do đó cần có tính toán cho phù hợp.

Từ đi thực tế giám sát, bà Lan cho rằng, cần có sự kết nối của con đường này với các trung tâm kinh tế và chuỗi hạ tầng logistics. Vì thế cần cân nhắc trong phân tuyến, thiết kế thi công cho phù hợp và hiệu quả.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) cho rằng, hình thức đầu tư dự án là đầu tư công. Tuy nhiên Chính phủ cần xem xét, rà soát các khó khăn, vướng mắc của các dự án để có cơ chế phù hợp, tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội khi ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo bà Nguyên, về trình tự thủ tục có 10/12 dự án thành phần có quy mô dự án quan trọng quốc gia với mức đầu tư trên 10 nghìn tỷ đồng, có 2/12 dự án nhóm A với tổng mức đầu tư nhỏ hơn 10 nghìn tỷ đồng. Nhưng Bộ Giao thông vận tải thẩm định phê duyệt dự án với 2 dự án nhóm A. Còn lại 10 dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy sẽ phải thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước. Bà Nguyên cũng cho rằng cần có cơ chế chính sách đặc thù để tạo thuận lợi cho dự án đáp ứng được chất lượng và thời gian.

H.Vũ