Thoát nghèo bằng những mô hình 'vàng'

Nguyễn Chung 07/01/2022 14:00

Sau khi áp dụng thành công các mô hình trang trại chăn nuôi, kết hợp trồng cây ăn quả, đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên, huyện nghèo Như Xuân đã bứt phá trở thành điểm sáng đầy tiềm năng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Mô hình trồng nấm đã giúp gia đình bà Phạm Thị Bình, thôn Làng Gió, xã Bình Lương (Như Xuân, Thanh Hóa) thoát nghèo bền vững.

Nhiều cách làm hay

Thuộc huyện miền núi Như Xuân nhưng Bình Lương lại là xã nằm ở vùng trũng. Chỉ dăm năm về trước, đây còn là địa phương nằm trong diện “nghèo nhất huyện”, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào diện tích đất nông nghiệp ít ỏi và phụ thuộc vào kinh tế rừng. Tuy nhiên, từ khi các mô hình kinh tế hiệu quả được đưa vào áp dụng, Bình Lương đã thực sự “thay da đổi thịt”.

Những con đường đất gập ghềnh khó đi trước đây nay đã được thay thế bằng bê tông rộng rãi, sạch sẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, đi lại. Những vạt đồi trọc đã được phủ bởi màu xanh trù phú của keo, cam, bưởi…

Những nếp nhà tranh đơn sơ đã được thay bằng những ngôi nhà mái ngói kiên cố, nằm nép mình trên những sườn đồi xanh mướt.

Trong căn nhà mái ngói khang trang tại thôn Làng Gió, xã Bình Lương, bà Phạm Thị Bình cho biết, gia đình bà từng là hộ nghèo của xã, với mong muốn thoát nghèo và từng bước làm giàu, gia đình đã tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm, mộc nhĩ để có thêm thu nhập ngoài nghề chính là nông nghiệp.

Năm 2019, mô hình sản xuất nấm, mộc nhĩ của gia đình bà Bình bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, nhờ sự cần cù, ham học hỏi trong việc chọn phôi giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nấm, mộc nhĩ… mỗi năm mô hình cho thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng; không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn tạo việc làm thời vụ cho 7 - 10 lao động tại địa phương.

“Được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi từ chương trình giảm nghèo, đã giúp gia đình tôi có sinh kế để phát triển sản xuất. Chính sách đúng, trúng cùng với sự đồng lòng của người dân, quyết tâm xóa đói giảm nghèo, chính là khâu trọng yếu để người dân vươn lên làm giàu chính đáng. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu…” - bà Bình nói.

Tại xã Tân Bình, phong trào áp dụng các mô hình kinh tế để thoát nghèo cũng được bà con mạnh dạn hưởng ứng. Từ đây, nhiều mô hình, cách làm hay đã đem lại hiệu quả không ngờ. Cuộc sống của gia đình anh Lương Văn Thuận, thôn 3, xã Tân Bình trước đây chủ yếu phụ thuộc vào đồi, rừng, nhưng hiệu quả không cao.

Năm 2019, anh Thuận mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư nuôi cá lồng tại hồ Trại Cáo. Sau 2 năm triển khai, đến nay, sau khi trừ chi phí, mỗi năm mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Thuận thu về từ 200 - 300 triệu đồng tiền lãi, giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu.

Được biết, những hộ vươn lên làm giàu như gia đình bà Lê Thị Bình, anh Lương Văn Thuận không phải là số ít. Nhờ chú trọng phát triển các mô hình giảm nghèo cho các hộ nghèo vùng khó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập...

Điển hình như mô hình liên kết hộ chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho nhóm hộ, tại thôn làng Trung, xã Thanh Quân. Với quy mô ban đầu là 19 hộ, tổng số 62 con bò và 22 con trâu, đến nay đàn trâu, bò đã tăng lên trên 100 con. Mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản ở xã Cát Vân; tổ hợp tác chăn nuôi dê ở xã Thanh Quân...

Quyết tâm thoát nghèo bền vững

Nói về quá trình “chuyển mình” của người dân địa phương, ông Lê Đức Tuấn - Chủ tịch UBND xã Bình Lương cho biết: Trên cơ sở xác định rõ những lợi thế, chính quyền, MTTQ và các tổ chức xã hội của Bình Lương đã không quản vất vả, đến từng khu dân cư, từng gia đình khuyến khích, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Nhờ phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 46 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,2% năm 2016, xuống còn 3,5% năm 2021.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Đình Chương - Chủ tịch MTTQ huyện Như Xuân cho biết: Chương trình giảm nghèo nhanh bền vững đảm bảo an sinh luôn được sự quan tâm của Đảng bộ huyện, coi là nhiệm vụ chính trị hàng đầu thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Giai đoạn 2016 - 2021, chương trình đã đạt được những kết quả toàn diện.

Năm 2018, Như Xuân là huyện 30a đầu tiên của tỉnh được công nhận ra khỏi huyện nghèo, hoàn thành mục tiêu đại hội đề ra trước 3 năm. Phía sau thành tựu đó là hướng đi bền vững, với một đường lối, chủ trương nhất quán, lấy vai trò chỉ đạo của tổ chức đảng làm định hướng, các tổ chức đoàn thể xã hội làm trọng tâm, người dân là chủ thể…

“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng… Trong đó đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới”. Có như vậy kinh tế, xã hội của địa phương mới nhanh chóng bắt kịp với các huyện miền xuôi” - ông Chương cho biết.

Nguyễn Chung