Sử dụng pháo như thế nào để vui Tết đúng luật?
Dù lực lượng chức năng liên tục thu giữ hàng tấn pháo nhập lậu mỗi năm, nhưng tình trạng mua-bán pháo nổ vẫn diễn ra tràn lan ở nhiều địa phương.
Tết Nhâm Dần 2022 đang đến gần, sử dụng pháo như thế nào cho đúng luật; làm thế nào để kịp thời có biện pháp xử lý đối với các đối tượng mua bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép các loại pháo nổ là những câu hỏi được đặt ra.
Chưa có sự tương thích giữa pháp luật với tâm lý của người dân
Có cầu nên có cung, khi pháo lậu được các đối tượng đưa về bán, không thiếu người có nhu cầu mua. Dưới góc độ văn hóa, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, dân gian có câu: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”, những hình ảnh đó, trong đó có tràng pháo từ lâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi, đi vào tâm thức của người Việt khi Tết đến Xuân về.
Thời xưa, vào thời khắc giao thừa, tiếng pháo nổ rền vang cho người dân tâm trạng hân hoan, mong chờ, chào đón những điều tốt đẹp. Cứ như vậy, năm này qua năm khác, tràng pháo trở thành nét văn hóa truyền thống, báo hiệu điều tốt đẹp, suôn sẻ, biểu hiện của những giá trị mà con người mong ước đạt tới. Ngày Tết, mọi người quý nhau tặng nhau bánh pháo. Ngày mừng thọ, đám cưới cũng không thể thiếu tiếng pháo.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Quý Đức, giữa văn hóa và cái gọi là phản văn hóa chỉ là một ranh giới, mà ranh giới này phụ thuộc vào ý thức con người. Đã có nhiều vụ cháy nổ, tai nạn thương tâm xảy ra do đốt pháo. Thuốc pháo cũng gây ô nhiễm môi trường, gây mất an ninh, trật tự, an toàn cho người dân vào dịp đầu năm mới.
Song, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng: “Chúng ta vẫn có tư duy không quản được thì cấm. Việc cấm người dân mua-bán pháo chưa có sự tương thích giữa pháp luật hiện đại với tâm lý của người dân. Thế nên, người dân vẫn lén lút đốt pháo và mua-bán pháo nổ. Tuy nhiên, không phủ nhận có trường hợp đốt pháo để thách thức lực lượng chức năng chứ không vì ý nghĩa tâm linh hay văn hóa”.
Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ 11/1/2021 thay thế nghị định 36/2009/NĐ-CP. Nghị định này cho phép người dân được sử dụng pháo hoa không nổ và mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa. PGS.TS Lê Quý Đức cho hay, nghị định này dù đã cởi mở hơn nhưng chưa hẳn đã cấm được việc người dân bắn pháo có tiếng nổ.
PGS.TS Lê Quý Đức nêu quan điểm, xã hội đã hiện đại hơn, văn hóa cũng vì thế phải có sự chuyển biến. Bên cạnh việc cấm sử dụng pháo nổ, lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực quản lý, tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân, có chế tài mạnh hơn với những vi phạm.
Mạnh tay với chợ “đen” trên mạng xã hội
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đốt pháo là một phong tục, truyền thống lâu đời của văn hoá người Việt. Người dân đốt pháo vào thời điểm giao thừa như một hình thức để tạm biệt năm cũ, xua đuổi những điều không may mắn để chào đón một năm mới tốt đẹp.
Vì vậy, có nhiều đối tượng bất chấp pháp luật, tìm mọi phương thức, thủ đoạn để buôn bán, vận chuyển các loại pháo nổ để đáp ứng nhu cầu của người dân và trục lợi cá nhân.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Tiền cho biết, căn cứ vào Nghị định 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, các hành vi như: sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ, các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa... là hành vi bị cấm. Hành vi tự chế pháo nổ cũng được xem là hành vi sản xuất pháo, nếu vi phạm sẽ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo đó, cần căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý tương xứng với hành vi. Cụ thể, theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…, đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
Còn hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Hai hành vi vi phạm này đều sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, người nào đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị truy tố về các tội khác như: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 Bộ luật hình sự) với mức phạt tù từ 1 đến 5 năm, cao nhất là 15 năm hoặc Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305 Bộ luật hình sự) với mức phạt tù từ 1 đến 5 năm, cao nhất là tù chung thân nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sư Tiền nhìn nhận, hiện nay Nghị định 137/2020/NĐ-CP ra đời đã phân biệt rất rõ hai khái niệm pháo nổ và pháo hoa. Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận người dân đang hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo.
Để chấn chỉnh hành vi mua-bán pháo trái phép, Luật sư Tiền cho hay, lực lượng chức năng cần phải quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng công an cần phối hợp với các cơ quan trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tăng cường kiểm soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện những chợ “đen” buôn bán trái phép pháo nổ trên không gian mạng, kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm, xóa bỏ các trang web buôn bán pháo trái phép trên mạng xã hội.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, mỗi người dân cũng cần tự giác nêu cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật, không mua-bán, tiêu thụ, đốt pháo trong dịp Tết, qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự để nhân dân vui Tết, đón Xuân bình yên, an toàn.