Tìm niềm phấn khích từ những gương mặt xung quanh
Ấn tượng của tôi về nhà văn Trần Thị Trường, đó là một người đàn bà vội vã.
Nhất là cái đận bà tham gia cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương ở Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam thì cái sự vội ấy lại càng tăng. Công việc ở Trung tâm nhiều, chỉ là một. Cái nữa, trong con người Trần Thị Trường còn có những “ngăn” khác nhau, chỗ này là nhà văn, chỗ kia là nhà báo… Mà phần nào cũng thấy tên bà xuất hiện, đủ gây nhớ cho người đọc. Mấy năm nay, lại thấy Trần Thị Trường tất tả với Studio Phố Hoài ở trong làng Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Bà vẽ, bà đón bạn bè, bà triển lãm… Nếu không vì giãn cách, thì lúc nào nơi ấy cũng thấy xôn xao…
PV:Thưa bà, lâu nay vẫn thấy bà hay viết về nhạc sĩ và câu chuyện liên quan đến âm nhạc, đến bản quyền tác giả. Thế nhưng gần đây thì không, ngay cả những ồn ào quanh bản quyền Quốc ca mới đây cũng không thấy bà có ý kiến, dù người ta biết, trong con người bà vừa có một nhà văn Trần Thị Trường vừa có một chuyên gia về bản quyền Trần Thị Trường nữa?
Nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường: Cảm ơn anh. Nhờ câu hỏi này mà tôi thấy đời vẫn nhớ đến mình. (Cười lớn).
Vâng. Dạo này tôi ít xuất hiện với tư cách người viết, nhưng cái gì cần quan tâm tôi vẫn dõi theo. Chuyện bản quyền Quốc ca, tôi nghĩ lẽ ra không nên để xảy ra ồn ào như vậy. Về nguyên tắc, pháp luật thì một tác phẩm âm nhạc có âm thanh luôn có 2 quyền, Quyền tác giả và Quyền liên quan. Một tác phẩm âm nhạc muốn vang lên thì cần hòa âm phối khí, thu thanh (gọi là bản ghi), bản ghi thuộc Quyền liên quan. Quyền tác giả Quốc ca đã được gia đình NS Văn Cao tặng Nhà nước, thuộc về Nhà nước. Theo tôi biết đã có rất nhiều các bản hòa âm về Quốc ca và hầu như đều được sử dụng miễn phí, không ai thắc mắc gì. (Cười). Và nếu thắc mắc thì sẽ có ngay một câu hỏi: Khi hòa âm phối khí và thu âm các anh, chị đã xin phép tác giả/ quyền sở hữu tác phẩm chưa? Nữa là bài Quốc ca, một tác phẩm được yêu quý nhất của cả dân tộc. Nhưng ngoài Quốc ca ra, thì chúng ta nên nhớ bản hòa âm phối khí thu âm cũng là một tác phẩm và nó có quyền tác giả gọi là Quyền liên quan/ Quyền làm tác phẩm phái sinh …
Câu chuyện bản quyền âm nhạc, tôi biết, bà có thể nói dài và phân tích kỹ hơn với những dẫn chứng cụ thể. Nhưng ở đây, lúc này, tôi lại nhớ tới thời nhà văn Trần Thị Trường hồi tham gia với nhạc sĩ Phó Đức Phương ở Trung tâm Bản quyền âm nhạc. Người ta thường ví nhạc sĩ Phó Đức Phương lo chuyện bản quyền như đi “đánh nhau với cối xay gió”. Bà làm việc với nhạc sĩ Phó Đức Phương nhiều, một cách ngắn gọn nhất, bà đánh giá sự dấn thân của nhạc sĩ Phó Đức Phương như thế nào?
- Tôi thấy ông có công lớn, đã hy sinh rất nhiều tâm sức cho việc nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là Quyền tác giả Âm nhạc trong cộng đồng. Ông là người vừa sắt đá với niềm tin về lẽ phải căn cứ trên đạo đức tự nhiên và trên nền tảng pháp luật, nhưng ông lại là ngây thơ trước hiện thực, một hiện thực vô vàn thách thức... Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, được Quốc hội Việt Nam khóa XI trong kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực vào ngày 1/7/2006, (là luật quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó). Và cũng năm 2004 chúng ta mới gia nhập Công ước Berne, vì thế khái niệm “bản quyền” còn rất mới mẻ, việc trả tiền bản quyền cho các tác giả, người sáng tạo là vô cùng… khó hiểu, là điều rất dễ xảy ra xung đột quyền lợi. Và ông ấy là người bị ghét.
Trở lại với câu chuyện hội họa. Thật sự mà nói, tôi cũng rất bất ngờ và không nghĩ bà sẽ dứt bỏ, dường như mọi thứ, từ văn chương - với sự quan tâm mạnh mẽ của bạn đọc từ 2 cuốn tiểu thuyết “Lời cuối cho em” và “Phố Hoài”, đến bản quyền đầy sôi động, để dấn bước vào hội họa, một con đường khó đi. Tôi nghĩ phải có điều gì đó, mê đắm lắm, hoặc ẩn ức lắm, hoặc tĩnh lặng lắm, mới khiến bà buông mọi thứ, để tìm về với bảng màu hội họa.
- Câu hỏi của anh khiến tôi nhớ lại cả cuộc đời mình. Hình như tôi là người thất bại theo con mắt của cha mẹ tôi, trước khi làm bản quyền tác giả văn học và âm nhạc tôi không có một chức vụ nhỏ nào, lương rất thấp. Nhưng tôi cũng thấy mình cũng dở, tôi không coi bất kỳ chức vụ nào là ý nghĩa. Nhưng định làm cái gì tôi rất mê mải, đắm đuối. 40 tuổi, sau khi con cái trưởng thành tôi mới ra cuốn sách đầu tiên, gần 1 vạn bản khi phát hành. Tiếp đó lại mê mải làm báo và yêu âm nhạc. Từ âm nhạc tôi thích các nhạc sĩ và ca sĩ. Mỗi chặng 10 năm. 10 năm với các show diễn của ca sĩ Ngọc Tân. Gần 10 năm với bản quyền âm nhạc với nhạc sĩ Phó Đức Phương. Trong 10 năm đó tôi âm thầm tìm cách để cuốn tiểu thuyết “Phố Hoài” có thể ra mắt bạn đọc mà không bị sai lệch tinh thần tư tưởng của mình. Không biết có được 10 năm hội họa không? (Cười)
Bà có còn nhớ bức vẽ đầu tiên của mình không? Đó là bức thành công hay thất bại, thưa bà?
- Nếu bức vẽ đầu tiên (giai đoạn tôi thi đậu vào Trường Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam, khóa 1973-1978) thì tôi không nhớ nữa. Thi đậu nhưng tôi học dở dang, do hoàn cảnh gia đình tôi không tiếp tục đến khi tốt nghiệp. Nhưng khi trở lại với hội họa vào tháng 4/ 2019 là bức tôi vẽ những quả bí ngô, với sự hướng dẫn của họa sĩ Hải Kiên. Có thể nói, “cú hích”trở lại với hội họa chính là họa sĩ ấy. Tôi thích các bức tranh và lối vẽ của họa sĩ. Hải Kiên là giảng viên lâu năm của Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Không chỉ có phương pháp sư phạm tốt mà là người nhiệt tình, có tâm với tất cả học trò, trong đó có tôi. Sự khích lệ đúng mức rất quan trọng đối với người làm nghệ thuật. Bức tranh đó trong Triển lãm đầu tiên 12/2019 có người mua nhưng tôi giữ lại làm kỷ niệm. Tôi thấy nó rất đẹp.
Đến bây giờ, số lượng tác phẩm bà đã vẽ là bao nhiêu? Bà có thống kê không?
- (Cười) Có lẽ nghệ sĩ nên nghĩ nhiều đến chất lượng tác phẩm, hơn là số lượng. Cứ mỗi ngày tôi lại xem lại những gì đã làm, không phải bức nào cũng ưng ý. Năm 2019 sau 8 tháng miệt mài kể từ ngày bắt đầu lại, tôi mở triển lãm với 48 bức, gần như đều có khách mua, tôi đóng cửa sớm 2 ngày vì tiếc mấy bức không bán nữa, mang về. Trong đó có bức những quả bí ngô đó. Tôi mê tĩnh vật. Làm sao để vật cất tiếng nói bằng ánh sáng, màu và hình thể. Số lượng cũng vài chục bức các khổ lớn nhỏ…
Tôi còn nghe nói bà vẽ nhiều chân dung đẹp. Khi nói một bức chân dung đẹp nghĩa là vẽ những người mẫu đẹp phải không? Mẫu của bà là những ai?
- Với tôi vẽ chân dung là khó nhất. Với người trong nghề thì một tranh chân dung đẹp là lột tả được thần thái của mẫu với những mảng màu chứa đựng ánh sáng và không gian. Tôi không biết nhận xét của giới chuyên môn thế nào nhưng tôi đã vẽ các văn nghệ sĩ, nhà ngoại giao, luật sư… Tất cả đều được sưu tập. Bức nào các mẫu cũng hài lòng. Có thể kể đến bức bà Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris hiện đang treo tại Trung tâm hoa Kỳ tại Hà Nội, hay các nhà văn, nhà thơ, nhà báo: Xuân Quỳnh, Dương Thị Xuân Quý, Hữu Thọ, Nguyên Ngọc, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Bình Ca, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Trần Ly Ly, Đào Mỹ Dung, Ngọc Tân, Đoàn Thị Lam Luyến, Phan Thanh Phong, Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Bảo Chân, Kim Nhũ, Trần An Nhiên; Các nữ Đại sứ: Nguyễn Phương Nga, Nguyễn Thị Thanh Hà; Luật sư Ngô Bá Thành… Những người đó tôi thấy họ thật đẹp vì ánh sáng tinh thần hiện rõ trên gương mặt của họ.
Vâng, tôi nghe được rằng, bà mạnh ở tranh tĩnh vật và chân dung. Những cái ấm nước, phích đá, chai rượu, đồ gốm sứ, đồ đồng hay các ly thủy tinh… các loại quả và những tấm khăn lụa, chất nào ra chất ấy vô cùng sinh động. Đặc biệt là hoa hồng, vẻ mơn mởn mong manh của những bông hoa, rất quyến rũ.
- Vẽ hoa cũng khó. Tôi thấy nhiều họa sĩ vẽ hoa theo trường phái trừu tượng, biểu hiện… rất đẹp. Tôi theo đuổi trường phái hiện thực, tôi nghĩ trường phái nào thì cuối cùng cũng phải đem lại hiệu quả thẩm mỹ…
Thưa bà, đôi khi người ta rất bối rối đứng trước một lựa chọn, bà có thể mách nước cho người không có chuyên môn sở hữu được bức tranh cho mình mà không ngại đã mua nhầm phải thứ thiếu giá trị?
- Đúng là có tình trạng bối rối không chỉ với người Việt, thế giới cũng vậy thôi. Rất nhiều trường phái hội họa, cách diễn đạt khác nhau về cùng một sự vật. Người bình thường hãy dựa vào trực giác của chính mình. Trực giác luôn mách bảo sự lựa chọn thích ứng với sở thích/ “gu” của mình. Trên thế giới, các trường học đều có môn nghệ thuật, hướng dẫn ngay từ nhỏ trẻ em tiếp xúc với tranh, kịch, sách, âm nhạc… vì thế trẻ em lớn dần lên với trực giác tốt. Được hướng dẫn cách cảm thụ, nhưng em nào cũng có gu riêng, và thế giới trở nên phong phú. Đến khi trở thành người lớn họ có thể lựa chọn cho mình những nghệ thuật có giá trị vì họ đã được trải nghiệm rất nhiều để có kinh nghiệm.
Còn các nhà sưu tập thì khỏi nói rồi, ngoài trực giác tốt họ được đào tạo chuyên nghiệp hoặc tự học để có khả năng lựa chọn chuyên nghiệp. Kể từ thập niên 90 đến nay những người làm hội họa ở Việt Nam đã sống được, sống tốt vào sáng tạo của mình, không còn nghèo như thời các danh họa như Bùi Xuân Phái phải uống cà phê bằng tranh nữa. Và tranh của các danh họa thời Mỹ thuật Đông Dương hiện giá rất cao, và hiện vẫn được các nhà sưu tập thế giới săn lùng.
Còn tranh của họa sĩ Trần Thị Trường thì sao? Bạn văn đang đồn bà giàu có vì bán tranh?
- Các họa sĩ thời Mỹ thuật Đông Dương thì chắc hẳn là giàu có rồi, một cú gõ búa vào tháng 4/2012) của nhà đấu giá So-thybe’s ở Hồng Kông, bức tranh “cô Phượng” của Mai Trung Thứ đã ngã giá xong mức 3,1 triệu USD đấy. Chúng ta có quyền tự hào về các tên tuổi: Nguyễn Phan Chánh, Trần Đông Lương, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Lê Phổ,… Rồi đến những họa sĩ rất đáng ngưỡng mộ: Tạ Thúc Bình, Trần Xuân Oánh, Lê Quốc Lộc, Quang Phòng, Đỗ Quang Em… Nhiều lắm, đáng tự hào lắm. Rồi còn những người trẻ và cực trẻ nữa: Lê Trí Dũng, Thành Chương, Đặng Tiến, Nguyễn An Hải, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Lê Thế Anh, Hải Kiên, Bùi Văn Tuất… Tôi nghĩ họ sống dồi dào được bằng tranh và có thể còn có vốn để tái sáng tạo họa phẩm của họ là hàng đắt nhất thế giới.
Với tôi, tôi cũng hài lòng về thu nhập bằng tranh của mình. Nhưng tôi vẽ không chỉ để bán, tôi vẽ vì thích, và vì thế cũng có khi tôi cho và tặng…
Đúng là tôi thấy gần đây bà hay tặng tranh. Một sự tự nguyện?
- Nhà văn đã nghèo, họa sĩ nếu không may mắn bán được tranh, hoặc nếu họ dành tâm trí sức lực và tài năng để đầu tư sâu vào những tác phẩm lớn thì cũng nghèo vậy. Nhưng hầu hết các họa sĩ cũng rất rộng rãi, và tôi cũng giống họ. Ngoài việc bán, tôi tặng cho người thân, tặng những chương trình gây quỹ từ thiện như: Quỹ BUTTA (để trồng rừng và tăng cường năng lượng tích cực ở các bệnh viện), Quỹ Gieo gạo (giúp mọi người trong thời gian Covid-19); Quỹ Ngoại giao Văn hóa (tặng tranh cho các văn phòng của Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài); Quỹ Vì trẻ em nghèo…
Như mọi người, tôi yêu gia đình và yêu cuộc sống của mình. Tôi luôn tìm được niềm phấn khích từ những gương mặt xung quanh, hoặc là vì tài, hoặc là vì sự sinh động của những gương mặt đó. Tôi nghĩ, cái tình yêu thầm kín (đơn phương) của tôi không làm ảnh hưởng đến họ, không ảnh hưởng đến tôi. Như những tia nắng ấm mùa đông, như gió biển mùa hè, đã đem đến cho tôi năng lượng tích cực để sáng tạo. Nói ra thì buồn cười, nhưng tôi thích như thế. Tôi không muốn họ biết nữa cơ ấy.
Bà đã viết nhiều chân dung văn học về các văn nghệ sĩ, giờ lại “viết” bằng những gam màu. Bà có thể nói về tình yêu này được chăng? Thực thì tôi muốn hỏi, bà có tình cảm sâu nặng với ai trong số đó. Một câu hỏi tế nhị nhưng bạn đọc sẽ vui nếu được bà chia sẻ…
- Tôi nghĩ, nếu được bạn đọc quan tâm thì đó là hạnh phúc của văn nghệ sĩ. Tôi có một gia đình rất đáng để tự hào. Chồng tôi là họa sĩ - nhà điêu khắc, ông không nổi tiếng nhưng tác phẩm của ông rất có giá trị. Tôi có 2 con. Con gái lấy chồng người Mỹ gốc Do Thái và sống hơn 20 năm qua tại Mỹ, 2 cháu tôi hằng năm thường nhận được giấy khen Tổng thống. Con trai tôi là luật sư, vợ là giám đốc một công ty làm hàng hand made xuất khẩu. Chúng có 3 con. Đứa nào cũng học giỏi và sử dụng tốt ngoại ngữ, đứa lớn còn được học bổng Mỹ.
Như mọi người, tôi yêu gia đình và yêu cuộc sống của mình. Tôi luôn tìm được niềm phấn khích từ những gương mặt xung quanh, hoặc là vì tài, hoặc là vì sự sinh động của những gương mặt đó. Tôi nghĩ, cái tình yêu thầm kín (đơn phương) của tôi không làm ảnh hưởng đến họ, không ảnh hưởng đến tôi. Như những tia nắng ấm mùa đông, như gió biển mùa hè, đã đem đến cho tôi năng lượng tích cực để sáng tạo. Nói ra thì buồn cười, nhưng tôi thích như thế. Tôi không muốn họ biết nữa cơ ấy.
Thế thì bà không bao giờ buồn chăng?
- Có, có chứ. (Cười lớn). Vô cớ thôi, mà buồn lắm. Đau ốm ư, một phác thảo bị phá sản ư, hoặc một nỗi nhớ nhung sâu thẳm không có cách gì khuây khỏa ư? Có chứ.
Bà đã vượt qua tình trạng sầu thảm đó bằng cách nào, khi bà nói bà chỉ yêu đơn phương?
- Có những ngày tôi không muốn thức dậy. Tôi xem phim ngày này qua ngày khác, phim phụ đề nên mỏi mắt lắm, mỏi đến mức không còn nhìn rõ nữa tôi vẫn không ra khỏi tình trạng buồn. Nỗi buồn không thể gọi tên, không thể nói ra… Không xem được phim thì cũng không vẽ được tranh, tôi chuyển sang nghe nhạc. Và rồi, tôi bỗng thấy câu hát “Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày?” (Trịnh Công Sơn). Tôi suy luận rằng, đến một người rất lớn như nhạc sĩ họ Trịnh cũng thấy, đôi khi, để qua một ngày không buồn thật khó khăn. Tôi nhận ra rằng, nếu không trải qua những cảm giác buồn thì sao có thể biết vui giá trị dường nào?
Thế là tôi vui lên. Tôi bảo tôi vui lên. Tôi ra phố. Tôi ngồi một mình ngẫm ngợi, hoặc tìm đến bạn bè… Nhưng tốt nhất vẫn là ngồi bên giá vẽ. Vẻ đẹp của những đồ vật, những bông hoa, những gương mặt người nâng tâm hồn tôi dậy.
Còn một câu hỏi nữa, xin bà đừng nghĩ tôi thóc mách. Hiện tại, với một năng lực làm việc như vậy, có nghĩa là bà vẫn… trẻ. Vậy mà từ khi chồng mất (2010) bà vẫn sống đơn lẻ, một mình trong không gian khá rộng được gọi là Studio Phố Hoài ấy sao?
- Trong không gian hiện nay tôi đang sống, một phần dùng làm xưởng vẽ, và tổ chức những sự kiện văn hóa nghệ thuật nho nhỏ ấy tôi có những đứa cháu gái sống cùng, họ là những nghệ nhân thêu tay rất giỏi. Các chương trình như Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh; Chương trình Mắt xẩm; Hay các chương trình đọc thơ, đàn hát cho nhau nghe với sự có mặt của các nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đoàn Thị Lam Luyến, Phạm Thu Yến, Kim Nhũ… ca sĩ Lộc Vàng, Dung Aucostic, An Nhiên… Hoặc bày tranh của các họa sĩ Nguyễn Hưng Việt, Thành Chương, Hải Kiên, Bùi Văn Tuất, Lê Vũ Lâm… Ra mắt sách của bạn bè…
Từng là một người làm bầu sô âm nhạc, bà tổ chức được cuộc sống thật phong phú và đáng mơ ước. Ngày xưa các làng quan họ, làng ca trù, hay hát xẩm cũng là một hình thức nuôi dưỡng tâm hồn con người sau những giờ lao động cật lực. Còn làng văn nghệ thì các nhà văn Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… cũng thường đi nghe hát ả đào… Nói chuyện với bà tôi vỡ nhẽ rằng, người có khả năng là người sống được hết cái chiều kích mà con người được tạo hóa ban cho, một cách lành mạnh.
- Các nhà khoa học chế ra vaccine để cơ thể kháng được bệnh tật. Muốn giữ cho tinh thần, tâm hồn không bị hủy hoại bởi tệ nạn, bởi tật xấu thì tôi nghĩ, vaccine của nó chính là văn hóa nghệ thuật.
Xin cảm ơn bà!
Đúng là có tình trạng bối rối không chỉ với người Việt, thế giới cũng vậy thôi. Rất nhiều trường phái hội họa, cách diễn đạt khác nhau về cùng một sự vật. Người bình thường hãy dựa vào trực giác của chính mình. Trực giác luôn mách bảo sự lựa chọn thích ứng với sở thích/ “gu” của mình. Trên thế giới, các trường học đều có môn nghệ thuật, hướng dẫn ngay từ nhỏ trẻ em tiếp xúc với tranh, kịch, sách, âm nhạc… vì thế trẻ em lớn dần lên với trực giác tốt. Được hướng dẫn cách cảm thụ, nhưng em nào cũng có gu riêng, và thế giới trở nên phong phú. Đến khi trở thành người lớn họ có thể lựa chọn cho mình những nghệ thuật có giá trị vì họ đã được trải nghiệm rất nhiều để có kinh nghiệm.