Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Cần nhưng chưa đủ
Nghị định 127 sửa đổi quy định đối với vi phạm về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài sẽ phạt tiền từ 80 - 110 triệu đồng (thay cho mức 100 triệu đồng) đối với hành vi cấp chứng chỉ khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Nhiều ý kiến ủng hộ việc nâng mức xử phạt, bên cạnh đó cần gia tăng các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả sau vi phạm…
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 127/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là 1 năm. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Không để nở rộ trung tâm
Hiện nay nhu cầu thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ của người học là rất lớn. Nhiều trường đại học (ĐH) thời gian qua đã xét tuyển thẳng vào ĐH hoặc xét tuyển kết hợp với học bạ và các phương thức khác đối với thí sinh sở hữu một trong các chứng chỉ ngoại ngữ phổ biến và được công nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới như TOIEC, TOEFL, IELTS… Trong khi đó, các trường ĐH, cao đẳng trên cả nước hiện nay hầu hết đều quy định chứng chỉ ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp cho sinh viên và khi đó, việc sở hữu một chứng chỉ ngoại ngữ là công cụ quan trọng để hỗ trợ sinh viên đạt chuẩn đầu ra. Nhiều trường miễn thi đầu vào với học viên cao học, nghiên cứu sinh khi có chứng chỉ ngoại ngữ đạt yêu cầu…
Xuất phát từ nhu cầu thực tế này, nhiều đơn vị giáo dục đã nhanh nhạy nắm bắt thị trường và liên kết với các tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài để triển khai thi và cấp chứng chỉ cho những người có nhu cầu. Ông N.C - Giám đốc một trung tâm ngoại ngữ có liên kết để tổ chức thi cấp chứng chỉ TOEIC tại Hà Nội phân tích: Hiện nay, tại Việt Nam, trung tâm cung cấp chứng chỉ TOEIC có bản quyền là Tổ chức Giáo dục IIG. Các trung tâm khác dù có tổ chức tuyển sinh, ôn thi và thi TOEIC nhưng trên giấy tờ hợp pháp vẫn phải thông qua IIG để tổ chức các kỳ thi và cấp chứng chỉ. Vì thế, để đăng ký thi, thí sinh có thể tham khảo các trung tâm có địa chỉ gần mình nhất về khoảng cách địa lý hoặc đến trực tiếp IIG.
Về việc tăng mức xử phạt đối với các cơ sở vi phạm việc liên kết thi cấp chứng chỉ, ông N.C cho rằng hiện nay các trung tâm đang hoạt động liên kết đào tạo và liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cụ thể, Điều 24 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định thời hạn hoạt động của liên kết đào tạo, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không quá 5 năm kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm và không quá thời hạn thỏa thuận hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên kết. Tuy nhiên, đây chủ yếu là sự hợp tác, làm việc giữa đơn vị liên kết và cơ sở giữ bản quyền còn vai trò thanh, kiểm tra các hoạt động này của các cơ quan quản lý chưa nhiều nên có thể trà trộn những trung tâm đã hết hạn, thậm chí giả mạo chiêu sinh để lừa học viên.
“Người học cần tỉnh táo lựa chọn các trung tâm uy tín để tránh mất tiền oan với những trung tâm chưa được cấp phép” - ông N.C cảnh báo.
Cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ
Khác với văn bằng ngoại ngữ chính quy hoặc tại chức có giá trị không thời hạn, các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEIC… chỉ có thời hạn trong 2 năm nên hết thời gian này, người học muốn sử dụng chứng chỉ chỉ có thể đăng ký thi lại. Điều này cũng làm gia tăng tần suất tham gia thi, luyện thi của các thí sinh trong khi để trở thành đối tác liên kết của các công ty giữ bản quyền cấp các chứng chỉ này hoặc liên kết trực tiếp với các tổ chức cấp chứng chỉ này phải đảm bảo những yêu cầu khắt khe về cơ sở vật chất, trình độ năng lực của cán bộ nhân viên… mà không phải đơn vị nào cũng đáp ứng được.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Theo đó, đối với cơ sở tổ chức thi của Việt Nam, dự thảo quy định là đơn vị có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hoặc kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ. Có trang thông tin điện tử chính thức cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng cho thí sinh đăng ký dự thi và phục vụ công tác tổ chức thi, xác thực kết quả thi….
Ông Đào Đức Tuyên - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ngoại ngữ, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Nông lâm TPHCM nhìn nhận, Bộ đưa ra dự thảo thông tư với những nội dung cụ thể, chi tiết, là cơ sở để các đơn vị dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện việc liên kết. Hiện trung tâm ngoại ngữ của trường cũng đang trong quá trình làm hồ sơ trình Bộ GDĐT để được công nhận là đơn vị có đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Ông Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho biết, theo dự thảo, Cục Quản lý chất lượng là đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và quy định có liên quan. Hiện, dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi trên cổng thông tin Bộ GDĐT và sẽ được tiếp thu, chỉnh sửa để trình Bộ GDĐT phê duyệt trong thời gian tới.
Ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho rằng việc ban hành Nghị định 127 trong thời điểm này cùng với dự thảo Thông tư trên sẽ góp phần chất lượng vào việc quản lý hoạt động cũng như cấp bằng của các trung tâm liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài vốn là câu chuyện mới rộ lên những năm gần đây khi nhu cầu xã hội tăng cao, nhiều người có nhu cầu thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ cho các mục đích khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh việc xử phạt dù đã tăng mức tối đa lên 110 triệu đồng cho vi phạm này thì quan trọng hơn vẫn là việc thanh kiểm tra thường xuyên và đột xuất của các cơ quan chức năng. Sau đó công bố công khai trên cổng thông tin của Bộ cũng như các phương tiện thông tin đại chúng để người học được biết, tránh trường hợp thi xong rồi, cấp bằng rồi mới phát hiện ra là bằng… giả!
GS. TS Phạm Tất Dong - Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực:
Phải tăng cường thanh, kiểm tra
Việc quản lý, tổ chức thi liên kết để cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài trước đây chỉ được quy định chung chung với nhiều nội dung khác tại Nghị định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Nay với những quy định chi tiết mà Dự thảo đặt ra, tôi tin rằng hoạt động này sẽ được quản lý thuận lợi hơn và tạo điều kiện cho các trung tâm, và cả người học dễ dàng tiếp cận với các chứng chỉ quan trọng này trong xu thế hội nhập thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh các quy định “mở” cũng cần “siết” các điều kiện để thành lập trung tâm, không thể để nở rộ các trung tâm sẽ khó kiểm soát được chất lượng chứng chỉ, bằng cấp, từ đó làm giảm niềm tin của xã hội, nhà tuyển dụng vào những tấm chứng chỉ… Việc ban hành Nghị định 127 với nội dung xử phạt liên quan tôi cho rằng kịp thời và cần thiết trong thời điểm hiện nay giúp các nhà quản lý có cơ sở xử phạt nghiêm các đơn vị vi phạm, từ đó hạn chế những hành vi giả mạo… Không thể đẩy trách nhiệm xác minh các trung tâm nào được phép hoạt động về phía người học mà trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ GDĐT trong việc cấp phép, giám sát và thanh kiểm tra hoạt động của các cơ sở này.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Công khai vi phạm
Nghị định 127 tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nói chung và xử phạt đối với hành vi vi phạm về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là cần thiết nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua, tạo hành lang pháp lý đầy đủ về xử lý vi phạm hành chính, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực giáo dục. Mức xử phạt tối đa là 110 triệu đồng đối với vi phạm này so với mức xử phạt trước đó không tăng nhiều tuy nhiên tôi cho rằng đây chỉ là một giải pháp nhằm bảo đảm đủ hiệu lực phòng ngừa, răn đe các đối tượng cố ý vi phạm như các nhóm hành vi vi phạm về: Tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý, cấp, phát văn bằng chứng chỉ. Cần bổ sung các biện pháp xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả cho phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Sửa đổi, bổi sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 và thực tiễn… Đặc biệt, việc xử lý vi phạm phải được công khai để tất cả mọi người được biết – đó mới là hình thức xử lý vi phạm quan trọng nhất khiến các cơ sở “ngại” vi phạm. Từ đó, hạn chế được tình trạng loạn chứng chỉ, văn bằng vốn là nỗi lo hiện hữu đối với nền giáo dục nước nhà.
Hàn Minh (ghi)