Siết kỷ cương vận tải hàng hóa, hành khách
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Đáng chú ý, thay vì 5 mức xử phạt đối với lái xe như hiện hành (10 - 20%, 20 - 50%, 50 - 100%, 100 - 150% và trên 150%) với mức phạt từ 1 đến 16 triệu đồng, thì tại Nghị định 123 chỉ còn 3 mức xử phạt hành vi chở quá tải gồm: từ 10 - 20%, 20 - 50% và trên 50% với mức xử phạt tăng nặng lần lượt là 4 - 6 triệu đồng, 13 - 15 triệu đồng và 40 - 50 triệu đồng.
Cùng đó, chủ phương tiện cũng bị tăng mức phạt từ 18 đến 75 triệu đồng đối với cá nhân và 36 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với tổ chức, tương ứng với mức độ quá tải của xe.
Cũng cần lưu ý, với mức xử phạt như Nghị định 123, nếu một xe tải vừa vi phạm chở quá tải ở mức cao nhất, nếu lái xe và chủ xe là cá nhân mức phạt lên đến trên 140 triệu đồng.
Còn đối với hành vi chở quá số người quy định trên xe khách, Nghị định 123 xử phạt đối với chủ xe là cá nhân là từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định. Tuy nhiên, tổng mức phạt tiền tối đa được thay đổi từ không vượt quá 40 triệu đồng như trước đây tăng lên thành không vượt quá 70 triệu đồng. Tương tự, đối với chủ xe là doanh nghiệp, phạt tiền 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định. Tổng mức phạt tiền tối đa được thay đổi từ không vượt quá 80 triệu đồng như trước sẽ tăng lên tới 150 triệu đồng.
Trên thực tế, lâu nay xe chở quá tải đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cùng đó là tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Mức phạt quy định trước đó đã không đủ tính răn đe, nên nhiều lái xe, chủ xe vẫn vi phạm. Nay, mức phạt tiền tăng cao hy vọng trật tự kỷ cương ở lĩnh vực này sẽ được thiết lập.
Trước đó, ngày 27/11/2021, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục quản lý chuyên ngành như đường bộ, hàng hải, đăng kiểm, đường thủy nội địa, đường sắt và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tăng cường kiểm soát tải trọng xe dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, xe quá tải có dấu hiệu gia tăng trở lại. Nếu như trước đây, tỷ lệ xe quá tải được phát hiện, xử lý chỉ chiếm dưới 10%, hiện tỷ lệ này đã tăng trên 10%. Nếu không có những chế tài xử lý cứng rắn thì dịp trước và sau Tết Nguyên đán mức độ vi phạm được dự báo là sẽ gia tăng.
Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tuy cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên chấn chỉnh, cảnh báo và lực lượng chức năng tăng cường xử phạt vi phạm, nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm. Đặc biệt, với xe tải chở hàng hóa quá quy định, xe khách chở khách quá quy định có thể nói là diễn ra thường xuyên. Kỷ cương không nghiêm là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.
Tuy nhiên, để lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực vận tải, nhiều ý kiến cho rằng chế tài xử phạt tăng nặng là cần thiết nhưng chưa đủ. Quan trọng vẫn là ở người có quyền, được giao trách nhiệm kiểm tra, xử lý. Có những thời gian dài nạn mãi lộ, “lót tay”, “làm luật” đã khiến dư luận bức xúc, còn lái xe, chủ doanh nghiệp “kêu trời”. Không ít vụ mãi lộ đã bị phát hiện, xử lý.
Ở đây, vai trò của Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông là đặc biệt quan trọng. Mức phạt theo quy định cao thì cũng rất có thể dẫn tới việc lợi dụng để trục lợi cá nhân của người ra quyết định xử phạt, khi họ nhận một số tiền nào đó thấp hơn mức phạt được quy định rồi để xe tiếp tục lăn bánh.
Chính vì vậy, cùng với việc tăng mức phạt tiền đối với lái xe, chủ xe thì cũng cần có biện pháp giám sát chặt chẽ lực lượng chức năng xử phạt, ngăn chặn hành vi thông đồng giữa hai bên. Trong trường hợp Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông vi phạm thì cũng cần phải được xử lý nghiêm, kể cả buộc thôi việc. Chỉ có như thế Nghị định của Chính phủ mới được thực hiện nghiêm, trật tự an toàn giao thông trong chuyên chở hàng hóa, hành khách mới được lập lại một cách vững chắc.