Sớm triển khai gói hỗ trợ, tạo sức bật cho nền kinh tế

H.Vũ 08/01/2022 07:31

Ngày 7/1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thảo luận tại tổ. Nguồn: Quochoi.vn

Kiểm soát các rủi ro

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) bày tỏ, nếu không có cam kết về những kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả sau này. Chính vì thế, theo bà Mai, về căn cứ và tiêu chí để đầu tư nguồn lực, cần căn cứ Luật Đầu tư công và các Nghị quyết về phân bổ ngân sách. Theo đó, một trong những nguyên tắc quan trọng là tất cả nguồn lực được phân bổ phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện ràng buộc.

“Lần này, chúng ta phân bổ hơn 346.000 tỷ đồng cho nhiều mục tiêu khác nhau. Có những mục tiêu được phân bổ trực tiếp, có những mục tiêu thông qua các công cụ như thuế, lãi suất. Tuy nhiên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng cần nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách. Do đó cần bổ sung vào dự thảo Nghị quyết những nội dung cụ thể về nguyên tắc tiêu chí tương ứng với từng gói chính sách” - bà Mai nói và cho rằng, Tờ trình có hay đến mấy thì điều quan trọng nhất vẫn là Nghị quyết vì đó là căn cứ pháp lý duy nhất để thực hiện sau này. Cho nên cần bổ sung thêm về đối tượng áp dụng chính sách, thời hạn hoàn thành, các quy định cụ thể về trách nhiệm, các quy định về thẩm quyền. Bên cạnh đó là quy định cụ thể lộ trình thanh toán nợ gốc và cuối cùng là cần bổ sung những cam kết về sản phẩm đầu ra gắn với nội dung Nghị quyết.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) tán thành cao với quan điểm, Quốc hội ban hành Nghị quyết về giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc này có cơ sở pháp lý và nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tiễn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra tại dự thảo Nghị quyết, bà Hương đề nghị, trong triển khai thực hiện cần đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, quy định các nội dung cụ thể cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để đảm bảo tính khả thi.

Tăng cường đầu tư cho y tế, tạo việc làm

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) kiến nghị: Cần tăng cường giám sát để kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế. Phát huy vai trò của các tổ chức tín dụng trong tham gia vào các dự án lớn. Tăng cường vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, nhất là khả năng đảm bảo nguồn vaccine để chủ động tiêm phòng cho người dân. Gắn công tác phòng, chống dịch với phục hồi nền kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế tuyến huyện, xã, và trang thiết bị của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng nhằm đáp ứng khả năng phòng, chống dịch trong dài hạn.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) thì đề nghị, Chính phủ làm rõ tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm 2,9% trong năm 2022 khi Nghị quyết được thông qua. “Về lâu dài, việc ổn định kinh tế vĩ mô là rất quan trọng, phải được cân nhắc tính toán kỹ lưỡng, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề lạm phát, vay nợ công, thâm hụt ngân sách nhà nước” - ông Huy cho hay.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là lao động. Vừa qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều quyết sách chưa từng có tiền lệ, có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Bà Thủy kiến nghị, tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng cả với lao động chính thức và phi chính thức. Hiện nay, dự thảo đã dành khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng và chỉ dành cho người lao động chính thức là chưa phù hợp. Mặt khác, cần dành khoản kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân...

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cũng lưu ý trong việc thực hiện nhóm chính sách hỗ trợ đối với lao động, việc làm và thực hiện chính sách an sinh xã hội cần rà soát đúng đối tượng, đúng tiêu chí, tránh xảy ra sai sót, nhầm, lọt đối tượng. Tăng cường công tác giám sát, thanh, kiểm tra, hướng dẫn nội bộ để không xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách của chương trình.

Kiểm soát chặt nguồn vay

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị, các ngân hàng thương mại cần phải cải cách thủ tục hành chính để làm sao doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận với chính sách này. Đồng thời, phải kiểm soát thật chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng doanh nghiệp, người dân vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất mà lại đem đi đầu tư tài chính, đầu tư vào bất động sản và một số lĩnh vực rủi ro khác thì sẽ rất nguy hiểm, làm suy giảm nền kinh tế.

Hỗ trợ đúng và trúng

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần đưa ra những chính sách linh hoạt nhưng thận trọng. Tuy nhiên, điểm quan trọng là tiền hỗ trợ phải đưa vào đúng và trúng các lĩnh vực, các doanh nghiệp, có năng lực cạnh tranh nhưng đang gặp khó khăn tạm thời, có khả năng phục hồi nhanh. Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thúc đẩy xúc tiến thương mại đầu tư, yểm trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh.

H.Vũ