Cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang lĩnh án 10 năm tù giam

Mỹ Hòa - Lê Anh 08/01/2022 17:42

Chiều 8/1, TAND TP HCM đã tuyên án vụ sai phạm liên quan đến các cựu quan chức TP HCM và lãnh đạo, cán bộ của công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO, công ty con của IPC), gây thất thoát tài sản của SADECO hơn 1.100 tỷ đồng.

Vụ án đã trải qua 10 ngày xét xử và nghị án, với các phiên tranh tụng gay gắt liên quan đến quá trình bút phê của cựu quan chức TP HCM cho việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của SADECO cho đối tác chiến lược là công ty Nguyễn Kim.

Bị cáo Tề Trí Dũng và bị cáo Tất Thành Cang tại tòa (Ảnh: Hồng Phúc).
Bị cáo Tề Trí Dũng và bị cáo Tất Thành Cang tại tòa. (Ảnh: Hồng Phúc).

Trước khi tuyên án, HĐXX tóm tắt vụ án trong quá trình xét xử. Cấp sơ thẩm nhận định, ông Tất Thành Cang là người phụ trách, trực tiếp chỉ đạo, phụ trách Văn phòng Thành ủy, đúng ra phải hiểu và nắm rõ các quy định về quản lý kinh doanh, sử dụng vốn của Nhà nước ra bên ngoài.

Mặc dù vậy, quá trình phiên tòa, bị cáo phủ nhận có quan hệ với lãnh đạo công ty Nguyễn Kim, phủ nhận lời khai của bị cáo Tề Trí Dũng, song HĐXX đã căn cứ khách quan trên cơ sở lời khai, chứng cứ tại tòa, khẳng định bị cáo Cang có tầm quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành.

Nếu không được bị cáo đồng ý thì Văn phòng Thành ủy TP HCM không thể thống nhất với SADECO về việc chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim.

Nhờ có ý kiến đồng ý của bị cáo, UBND TP là cơ quan chủ sở hữu của Công ty IPC mới có ý kiến về việc giảm tỷ lệ vốn Nhà nước và phương án phát hành cổ phần cho công ty chiến lược.

Cụ thể, hành vi của ông Tất Thành Cang là bút phê "đồng ý" vào tờ trình 1148 phát hành 9 triệu cổ phần với giá rẻ chỉ 40.000 đồng/cổ phần không thông qua đấu giá công khai, không định giá tài sản theo quy định.

Hành vi của bị cáo Tất Thành Cang là trái quy định tại Khoản 5 Điều 38, Nghị định 91 của Chính phủ, gây thiệt hại hơn 1.103 tỷ đồng tại SADECO, trong đó riêng thiệt hại cho tài sản nhà nước là 669 tỷ đồng.

Do đó, việc xét xử bị cáo Tất Thành Cang do liên quan đến các sai phạm tại SADECO là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Từ nhận định này, HĐXX cấp sơ thẩm đã quyết định tuyên mức án 10 năm tù giam đối với bị cáo này về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Đây là hình phạt thấp hơn mức đề nghị của cơ quan công tố là 12-14 năm tù trước đó do bị cáo được xem xét một số tình tiết giảm nhẹ.

Là người có vai trò quan trọng khi gây thiệt hại tại SADECO, bị cáo Tề Trí Dũng được HĐXX cấp sơ thẩm nhận định có đủ chứng cứ xác định là người có vai trò cầm đầu, xuyên suốt hàng loạt sai phạm tại SADECO.

Vì vậy, phải chịu hình phạt cao hơn đối với các bị cáo khác, cụ thể bị cáo Dũng bị tuyên mức án 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí" và 9 năm tù về tội "Tham ô Tài sản". Tổng hợp hình phạt, bị cáo này lãnh án 20 năm tù.

Đối với bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc, nguyên Tổng giám đốc SADECO là người có vai trò quan trọng sau bị cáo Cang và bị cáo Dũng, giúp sức tích cực trong tất cả các hành vi sai phạm tại SADECO.

Tuy nhiên, quá trình xét xử bị cáo thành khẩn khai báo, nên được HĐXX xem xét tuyên mức án khoan hồng là 9 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí" và 7 năm tù về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt, bị cáo này lãnh án 16 năm tù giam.

Các bị cáo khác trong vụ án bị tuyên các mức án từ 2-3 năm tù treo đến 15 năm tù với giam với vai trò đồng phạm của bị cáo Tề Trí Dũng và bị cáo Tất Thành Cang trong vụ án.

Về trách nhiệm dân sự, phía công ty Nguyễn Kim đã hoàn trả toàn bộ 9 triệu cổ phần cùng số tiền lãi phát sinh cho công ty SADECO. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm yêu cầu đối với số tiền đã gây thiệt hại của SADECO do chi cho các cá nhân đi du lịch, phải được thu hồi cho nhà nước.

Trước đó, HĐXX cấp sơ thẩm cho các bị cáo được nói lời sau cùng. Trong đó, bị cáo Tất Thành Cang nói việc phải hầu tòa là điều đau xót nhất trong cuộc đời của ông. Bởi vì, ý thức chủ quan dẫn đến hành vi sai phạm là không ai mong muốn xảy ra.

Từ trách nhiệm của mình, bị cáo cho rằng không bao giờ nghĩ đến cố ý để xảy ra các sai phạm và mong muốn cơ quan công tố xem xét hành vi của mình một cách khách quan.

Nói lời sau cùng, bị cáo Tề Trí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT SADECO cho biết, bản thân đã thành khẩn khai báo, quá trình làm việc cũng từng có suy nghĩ tư lợi hay hành động gây hại cho tài sản nhà nước.

Suốt thời gian 2 năm 8 tháng tạm giam, bị cáo rất ăn năn hối cải, hối hận, đồng thời mong muốn một bản án khoan hồng để sớm trở về chăm sóc cha mẹ già và nuôi dạy 2 đứa con.

Mỹ Hòa - Lê Anh