Trường học liên tục đóng-mở: Học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp như thế nào?
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội liên tục thay đổi phương án đóng-mở trường học, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là với học sinh khối 12. Điều này khiến nhiều học sinh và cả phụ huynh lo lắng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học năm 2022 sắp tới.
Số trường dạy trực tiếp giảm
Theo thông báo mới nhất của UBND TP Hà Nội, thành phố có 8 đơn vị cấp quận và 133 đơn vị cấp xã, phường có mức độ dịch cấp độ 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam). So với thông báo tuần trước đã giảm 2 đơn vị cấp quận, huyện và tăng 22 đơn vị cấp xã phường.
8 đơn vị cấp quận, huyện mức độ dịch cấp độ 3 gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Gia Lâm, Hoàng Mai, Long Biên. Như vậy, học sinh lớp 12 của 5 quận nội thành gồm Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hà Đông, Bắc Từ Liêm có thể đến trường học trực tiếp.
Để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho cán bộ, giáo viên, học sinh, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị báo cáo UBND quận, huyện, thị xã, xin ý kiến chỉ đạo và thông báo đến các trường THCS, THPT và Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn xã, phường, thị trấn nếu có mức độ dịch cấp độ 3 thì cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tạm dừng đến trường, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ thứ Hai ngày 10/1.
Đối với các địa bàn xã, phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 1, cấp độ 2 thì cho học sinh khối 12 trở lại học tập trực tiếp theo kế hoạch (đối với 18 huyện, thị xã nếu có mức độ dịch cấp độ 1, cấp độ 2, học sinh lớp 9 tiếp tục đến trường học trực tiếp).
Trường học liên tục chuyển đổi phương án đón học sinh đến trường, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12. Trong khi đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đang tới gần.
Chị Nguyễn Diệu Linh, phụ huynh có con học lớp 12 trên địa bàn quận Tây Hồ Hà Nội nhận định, việc Hà Nội liên tục đóng-mở cửa trường học gây nhiều xáo trộn tâm lý, kế hoạch học và ôn tập của học sinh.
“Năm nay là năm cuối cấp nhưng các con lại phải học trực tuyến kéo dài, ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng học tập. Thế nên tôi rất lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới của con”, chị Linh chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, trường nằm ở địa bàn quận Hoàn Kiếm, sau 3 tuần học sinhh lớp 12 trở lại trường, do quận chuyển cấp độ dịch lên mức 3 nên học sinh lại chuyển sang học trực tuyến. Do vậy, nhà trường lúc nào cũng phải sẵn sàng kịch bản cho các tình huống phát sinh để ứng với hình thức học tập khác nhau.
Bà Quỳnh cho rằng, chất lượng dạy học trực tuyến bị ảnh hưởng là không thể tránh khỏi. Học sinh lớp 12 lo học để thi hơn các khối còn lại nhưng cũng có một bộ phận thiếu hụt kiến thức, giáo viên phải phân nhóm riêng để có biện pháp đặc biệt.
Ôn tập bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản
Năm học 2021-2022 rất đặc biệt khi đây là năm học lần đầu tiên học sinh ở nhiều địa phương phải bước vào năm học mới bằng hình thức học trực tuyến mà không thể đến trường học trực tiếp tại trường do dịch bệnh.
Trước lo lắng về chất lượng, phương án cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch bệnh, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã được Bộ GDĐT thông báo vẫn giữ ổn định và bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Sách giáo khoa là tài liệu tham khảo chính.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, theo ông Thành, các nhà trường cần tổ chức cho học sinh học tập và ôn luyện bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12 và lưu ý các nội dung kiến thức có liên quan, tiếp nối ở lớp 10, 11 theo hướng khai thác, vận dụng kiến thức đã học trong chương trình theo yêu cầu cần đáp ứng theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Học sinh cần nắm vững kiến thức một cách hệ thống và có kỹ năng chủ động trong khai thác sử dụng kiến thức để giải quyết các yêu cầu của các câu hỏi kiểm tra, đánh giá.
Muốn vậy, ông Thành lưu ý, việc học tập, ôn luyện phải được thực hiện từ gốc với việc vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề, tình huống trong các câu hỏi, bài tập tự luận, các bài thực hành, dự án học tập...
Việc học tập và ôn tập như trên giúp học sinh nắm vững kiến thức một cách có hệ thống, phát triển các kỹ năng và năng lực vận dụng kiến thức đã học ở các mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng, vận dụng cao.
“Nếu các trường chỉ ôn tập cho học sinh thông qua các câu hỏi trắc nghiệm khách quan sẽ khó đáp ứng yêu cầu nắm vững kiến thức một cách hệ thống để có thể huy động, vận dụng trong các tình huống khác nhau”, ông Thành cho hay.