Chuyện cha Sinh
Khoảng năm 1994 vào thăm ông bạn An Duyệt ở Đài Truyền hình Việt Nam đang điều trị ở Bệnh viện Việt Đức, tôi bất ngờ được gặp Đức Hồng y Phaolo Giuse Phạm Đình Tụng cũng đang nằm chữa trị cùng buồng với An Duyệt.

Dạo ấy hình như Viện Việt Đức đang thí điểm cho việc chữa trị theo yêu cầu. Nên buồng bệnh khá tươm. Hai bệnh nhân một phòng rộng. Có máy lạnh. Nút gọi màu đỏ ngay trên đầu giường.
Như thường nhật, bốn giờ hơn, Đức Hồng y đã thức dậy lo việc kinh bổn. Sáng đó bất đồ cụ bị ngã gẫy khớp vai. Tiêu chuẩn thì cụ được đưa sang nước ngoài, sang tận bệnh viện của Tòa thánh Vaticăng để chữa trị. Nhưng cụ tự nguyện và an lòng vào nằm tại bệnh viện Việt Đức.
Bữa tôi ghé và được hầu chuyện Đức Hồng y, cũng là hôm cái vai cụ đã lành, đã đi lại được. Chả bù cho tuần trước, chỗ gãy giở chứng sưng tấy phải cấp cứu.
Ngồi hầu chuyện được một chốc thì có tiếng gõ cửa. Cửa buồng xịch mở nhẹ. Một người đàn ông dong dỏng nước da trắng xanh ngập ngừng bước vào. Đức Hồng Y với nụ cười hom hóm vui vẻ giới thiệu ngay rằng đây là cha Sinh thư ký của ngài.
Nỗi bất ngờ xen lẫn hoan hỉ choán lấy chúng tôi. Ngạc nhiên cùng thú vị vì cha thư ký này có lẽ là người chăm đọc báo lẫn coi truyền hình? Bởi cha nhắc liền vanh vách vài chương trình lẫn bài báo của chúng tôi kèm những nhận xét mà không phải độc giả nào cũng có thể rút tỉa nhanh như vậy? Cuối buổi thăm gặp, qua Đức Hồng Y, chúng tôi được biết loáng thoáng là lần ấy cha Sinh thư ký tháp tùng chuyến mục vụ của Đức Hồng Y Phạm Đình Tùng đi Roma. Chắc công việc vất vả. Chuyến công cán lại dài ngày nên cha thư ký đột ngột bị tai biến. May mà nhẹ. Sau một thời gian điều trị ở Roma và ở bệnh viện trong nước, cha đã bình phục kha khá. Cái đầu thông thoáng trở lại, duy còn di chứng với dáng đi hơi tập tễnh. Linh mục Giuse Lê Đức Sinh trở lại công việc thư ký bội phần tích cực hơn trước.
Được ngồi chuyện với đức cha thư ký Giuse Lê Đức Sinh quả là điều thú vị. Lần ấy theo lời hẹn, An Duyệt với tôi tới chơi chỗ cha Sinh.
Theo lối cổng sau vào nhà thờ lớn ở phố Nhà Chung, đi qua tượng Thánh bổn mạng Xavier của Nhà thờ lớn một quãng, bên tay trái là khu nhà thâm thấp rẽ vào lối nhỏ có phòng riêng của ngài. Căn phòng cũng hẹp lại bộn bề những sách vở. Thứ bộn bề của người chăm việc, mải việc. Có vẻ như ai mà đụng tay vào việc sắp đặt cho gọn thì vô tình sẽ làm khó cho chủ nhân vậy?
Câu chuyện với cha Sinh như là cái cách nối dài buổi gặp đầu tiên vậy? Chúng tôi nhắc tới một đấng chăn chiên cũng là một người quen chung là Đức giám mục Phanxico Xavier Nguyễn Văn Sang khi ấy đang làm mục vụ ở nhà thờ Thái Bình. Về cả những cuốn sách của ngài đã in ở NXB Hội Nhà văn trong đó có cuốn “Bước đường hành hương” khá bắt mắt. Lần đầu tôi được nghe một vị linh mục nhận xét có thể nói là khá bạo về một tác phẩm của một đấng chăn chiên hàng giám mục. Rằng đức giám mục đã ngỏ ra một cánh cửa chưa phải là mở toang hết nhưng bạn đọc biết thêm nhiều chuyện thú vị về một lĩnh vực tôn giáo trước nay vốn kín cổng cao tường. Chính những chi tiết thú vị đời thường ấy đã làm gần, làm xích lại những khoảng cách còn doãng còn xa lạ trước nay giữa đạo và đời.

Hồi chuông điện thoại từ cái máy màu đỏ nối thẳng với Văn phòng Đức Hồng Y cắt ngang câu chuyện đang hồi hấp dẫn.
Nơi tôi ở là Khu tập thể Hàng Trống rất gần Nhà thờ Lớn Hà Nội. Khá tiện đường, lần thì đi với An Duyệt. Có lần An Duyệt nói vui, tao với mày gần cha Sinh thế này chả mấy chốc mà… cải đạo được đấy! Tất nhiên vui mà nói vậy nhưng quả thi thoảng được ngồi chuyện với cha thư ký uyên bác lại hòa mục này, được vỡ vạc ra bao điều.
Nhớ lần ấy cha Sinh hỏi chúng tôi rằng đã đọc “Quo Vadis” chưa? Quo Vadis- Người đi đâu vậy? Cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Ba Lan mà cái năm xa ở Khoa Văn - ĐH Tổng hợp, GS Đỗ Đức Hiểu chuyên dạy văn học phương Tây đã cố vỡ vạc cho lũ học trò chúng tôi về xã hội thời bạo chúa Nero. GS Hiểu rủ rỉ nhưng thẳng băng rằng, phải có một cái đế nhất định về kiến thức tôn giáo thì mới tiếp cận được cuốn sách vốn rất kén bạn đọc này. Quả là kén thật! Bởi ngần ấy năm cũng chỉ mang máng. Bây giờ nghe cha Sinh nhắc lại những ngón uyên thâm của văn hào Henryk Sienkiewicz khi viết “Quo Vadis”, thêm một lần nữa mình lại ù ù các cạc!
Cha Sinh có ngỏ thêm rằng, các nhân vật VIP về Đạo cũng như Đời luôn có nhà văn, nhà báo tạm gọi là nghề viết tiểu sử luôn đeo bám. Tại Roma có hai nhà báo kiêm nhà văn hơn 20 năm trời luôn bên cạnh Giáo hoàng vừa xuất bản một cuốn bán rất chạy.
Câu chuyện bâng quơ ngày ấy của cha Sinh mấy năm sau đã khiến tôi nhờ bạn bè tìm được cuốn của NXB Công an mới ra lò. Cuốn của Carl Bernisstein và Marco Poloti được dịch ra tiếng Việt với cái tên “Giáo Hoàng Jean Paul II và lịch sử bị che đậy trong thời đại của chúng ta”.
Cuốn sách có lẽ mới là một phần sự thật về nỗi nhọc nhằn của những đấng chăn chiên phải gánh vác sứ mệnh của Thiên chúa khi mà đời sống chính trị thế giới có biết bao biến động khó lường. Cha Sinh thi thoảng giúp tôi xóa mù và mở thêm kiến văn bằng những câu chuyện vô tình như thế!
Cha Sinh với đám báo chúng tôi có một người quen chung là TS Phạm Huy Thông. Quê Huy Thông ở Nam Định tại cái làng đạo gốc mà nhà văn Nguyễn Khải từng nằm thực tế hàng tháng để viết “Xung đột”. Từ một cậu bé học trường dòng rồi thành người lính chiến trường trở về để trở thành sinh viên khoa văn rồi khoa Triết - Trường Đại học Tổng hợp, rồi sau này ông trở thành một chuyên viên của Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam lẫn nhà báo công giáo, đồng thời là cầu nối hữu hiệu đắc lực cho cả bên đạo lẫn bên đời như thế nào là cả một câu chuyện dài!
Từ khi biết cha Sinh, mỗi kỳ lễ Noel, cha đều ưu ái gửi cho phù hiệu để vào Nhà thờ Lớn dự lễ. Khách mời rất hạn chế. Vinh hạnh là được ngồi gần các quan khách bên Đạo lẫn Đời trong đó có nhiều thành viên Đoàn Ngoại giao. Từ lối 9 giờ tối, tất cả đều hoan hỉ nghiêm cẩn dự đêm cực Thánh trong đó lối 12 giờ được thưởng lãm bài giảng của Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng (Noel năm 2000, Hồng y Phaolo Giuse Phạm Đình Tụng xuất hiện lần cuối với bài giảng trong đêm cực thánh).
Nhớ một Noel, An Duyệt mệt, tôi chia sớt tấm giấy mời với ông bạn Hoàng Nhân. Chẳng hay tuy lần đầu gặp nhau nhưng cha Sinh vẻ như rất kết ông bạn tôi làm nghề điêu khắc này?
Lễ kết. Đã hơn một giờ sáng. Chúng tôi cảm ơn và xin phép cha Sinh nhưng cha cười ngỏ luôn lời mời rằng nếu không bận ghé qua chỗ cha ngồi tý…
Cha Lê Đức Sinh thân mật kéo theo và giới thiệu với chúng tôi một vị linh mục, ngài Phêrô Nguyễn Văn Đệ mới về làm mục vụ ở Tòa thánh Hà Nội.
Bữa rêvâyông ấy không có gà tây quay mà chỉ có bánh ngọt cùng chai vang trong phòng khách quen thuộc của cha Sinh, xung quanh ngồn ngộn những sách.
Tôi cũng được cha Đệ cho biết công việc của cha là đến với các trẻ em đủ mọi lứa tuổi thành phần nhưng chú trọng những đối tượng lang thang cơ nhỡ. Cha đang trình Chính phủ để thành lập một trung tâm nuôi dạy trẻ em ở mạn Láng Hoà Lạc giá nhiều triệu USD.
…Cuộc hầu chuyện với hai vị chăn chiên diễn ra trong không khí sốt mến hào hứng. Đến khi ngó đồng hồ tôi mới giật thột đã hơn ba giờ sáng! Cha Sinh mỉm cười bình thản trước vẻ hoảng ngại của tôi. Cha thủng thẳng sợ bà xã la hả? Quả là có có chút cà cuống nhưng chẳng phải việc vợ con mè nheo, mà là cái xe máy!
Cha Sinh lại tập tễnh đưa tôi với Hoàng Nhân ra tận phố Nhà Chung. Vừa nãy ngại chẳng hé cho cha cái hoảng cuống của mình! Số là hồi tối quanh Nhà thờ Lớn các bãi gửi xe đã chật ních. Loanh quanh mãi mới gửi được tít chỗ phố Hai Bà Trưng. Mà tầm 3 giờ sáng này chắc tèo rồi!
Đường sá vắng ngơ vắng ngắt! Hai chúng tôi vội sải những bước thật lực đến chỗ gửi xe. Trời ơi hay Chúa ơi, chẳng biết thầm kêu vị nào trước đây nhưng lù lù một thứ cứ như một phép lạ. Cái xe Zim lùn quen thuộc đang chỏng chơ một mình kia. Mãi sáng sau tôi mới trả lại vé gửi xe cùng chút tiền típ.
Bao bận Noel đã qua kể từ năm 2003 ấy, cái năm cha Sinh đột ngột được Chúa gọi về, một phần nữa cũng bởi ông bạn An Duyệt về cõi nhưng không hiểu sao tôi đã chẳng còn cái may bước vào Nhà thờ Lớn Hà Nội.