Những ấn tượng đặc biệt về GS Trần Văn Khê

DƯƠNG TRỌNG DẬT 04/01/2022 09:00

GS Trần  Văn Khê là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam. Ông là người có công đầu trong việc đưa nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam ra ngoài biên giới quốc gia và nâng lên ngang tầm những nền âm nhạc cổ truyền của các nền văn minh trên thế giới.

GS Trần Văn Khê (1921 - 2015).

Sứ giả của nghệ thuật âm nhạc truyền thống

Cậu bé Trần Văn Khê sinh ngày 24/7/1921 tại Mỹ Tho. Ông cất tiếng khóc chào đời và được nuôi dưỡng trong một gia đình danh gia vọng tộc có 4 đời gắn bó máu thịt với nền âm nhạc cổ truyền. Ông nội là Trần Quang Diệm (Năm Diệm), cha là Trần Quang Chiêu (Bảy Triều), cô là Trần Ngọc Viện (tức Ba Viện, người đã sáng lập gánh cải lương Đồng Nữ ban), đều là những nghệ sĩ âm nhạc cổ truyền nổi tiếng đương thời. Và, một điều không phải ai cũng biết cụ cố ngoại ông là tướng quân Nguyễn Tri Phương. Ông ngoại là Nguyễn Tri Túc, cũng say mê âm nhạc, có ba người con đều theo nghiệp đờn ca. Một trong số đó Nguyễn Tri Khương, thầy dạy nhạc và nhà soạn tuồng cải lương nổi tiếng lúc bấy giờ.

Mồ côi mẹ năm 9 tuổi, mất cha năm 10 tuổi, ông cùng với hai em là Trần Văn Trạch (về sau là một ca sĩ nổi tiếng, có biệt danh Quái kiệt) và Trần Ngọc Sương nương náu trong tình thương và sự bao bọc của người cô Trần Ngọc Viên. Cô Ba Viện rất thương tình cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ của các cháu, cho anh em ông đi học võ, học đàn và mong muốn đào tạo ông thành một nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Nhưng Trần Văn Khê không phát lộ tài năng bắt đầu bằng âm nhạc. 10 tuổi, Trần Văn Khê đậu tiểu học. Ở trường tiểu học Tam Bình, Vĩnh Long ông được học chữ Hán với nhà thơ Thượng Tân Thị. Trong kỳ sơ học năm 1934 tại Vĩnh Long ông đậu sơ học có phần Hán Văn. Cả tỉnh có 2 người đậu bằng chữ Hán trong đó có ông - Trần Văn Khê.

Với tư chất thông minh, ông học rất giỏi, năm 1934 được học bổng và đậu vào trường Trung học Trương Vĩnh Ký. Ra Hà Nội học y khoa vào năm 1942, tại đây, Trần Văn Khê cùng với Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Phạm Hữu Tùng, Nguyễn Thành Nguyên, thành lập ban nhạc hoạt động trong khuôn khổ của Tổng hội Sinh viên. Do có trình độ cảm nhạc xuất sắc, ông được cử làm nhạc trưởng của giàn nhạc trường. Ông còn tham gia phong trào “Truyền bá quốc ngữ” trong ban của GS Hoàng Xuân Hãn, “Truyền bá vệ sinh” của sinh viên trường Thuốc…

Năm 1943, ông cưới vợ, và sau đó có nhiều sự kiện làm Trần Văn Khê phải xin thôi học để trở về miền Nam. Năm 1946, ông sáng tác bản nhạc đầu tiên: “Đi chơi Chùa Hương” phổ nguyên văn toàn bộ bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp.

Phải chăng chính cuộc hội ngộ với Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng và Lưu Hữu Phước là cú hích kích hoạt dòng máu âm nhạc trong con người ông. Không biết. Chỉ biết năm 1949 khi sang Pháp du học, ông đã không theo học tiếp nghề y. Năm 1951, ông dự thi và đậu vào trường Chính trị Khoa giao dịch quốc tế, theo học khoa nhạc học và chuẩn bị luận án tiến sĩ. Tháng 6/1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne. Luận văn tốt nghiệp của ông làm về Âm nhạc truyền thống Việt Nam). Đây có thể coi là bước chuyển ngoạn mục trong cuộc đời ông. Chúng ta hôm nay phải cảm ơn ông về sự lựa chọn đó. Bởi, nếu ông tiếp tục chọn học y khoa, chúng ta có thể có một giáo sư bác sĩ tài năng, nhưng đất nước sẽ mất đi một nghệ sĩ âm nhạc kiệt xuất - một người đã điền vào chỗ trống cái tên Việt Nam trên bản đồ âm nhạc cổ truyền của hành tinh.

Có thể coi đó là khởi đầu cho hành trình lao động không mệt mỏi trong việc nghiên cứu chuyên sâu đãi cát tìm vàng, bắt đầu một sự nghiệp chưa ai làm: đưa những tinh hoa nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam ra thế giới văn minh và khẳng định vị trí của nó ngang hàng với những nền âm nhạc cổ truyền khác trên thế giới. Đó là lý do 57 năm bôn ba trên đất khách, đã đi 67 nước trên khắp thế giới, ông chỉ chuyên giảng dạy, quảng bá về âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Sau 50 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp, năm 2006, ông chính thức trở về sinh sống và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Việt Nam. Ông cũng là người đã hiến tặng cho Thành phố Hồ Chí Minh 420 kiện hiện vật quý, trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc. Ông qua đời ngày 24/6/2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Một tinh thần dân tộc tuyệt vời

Không chỉ đắm đuối với âm nhạc truyền thống, trong bất kỳ lĩnh vực nào ông luôn thể hiện một tinh thần kiêu hãnh dân tộc. Hơn nửa đời người bôn ba nơi đất khách, chưa một lúc nào GS Trần Văn Khê quên mình là một người Việt Nam. Chất giọng của ông vẫn mang những nét đặc trưng Nam bộ, không pha tạp. Ở đâu ông cũng luôn sử dụng tiếng Việt và chỉ dùng tiếng nước ngoài khi nào giao tiếp với khách không phải người Việt. Giáo sư luôn ngạc nhiên vì sao lớp trẻ cứ phải dùng tiếng Tây, tiếng Anh trong giao tiếp trong khi có thể dùng tiếng mẹ đẻ. Ông viết thư cho con cháu trong gia đình bằng tiếng Việt, làm thơ, viết báo bằng tiếng Việt. Và ông trước sau vẫn chỉ dùng duy nhất một cái tên Trần Văn Khê do cha mẹ đặt cho.

Nhưng có một câu chuyện đặc sắc về tinh thần dân tộc được Giáo sư kể đi kể lại cho học trò. Câu chuyện cũng đã được ông ghi lại trong cuốn hồi ký, kể về cuộc tranh luận bên lề buổi sinh hoạt của Hội Truyền bá Tanka Nhật Bản tại Paris vào năm 1964. Tham dự buổi sinh hoạt lúc đó hầu hết là người Nhật và Pháp, duy chỉ có Giáo sư là người Việt. Diễn giả trong buổi sinh hoạt ấy là một cựu Đề đốc Thủy sư người Pháp đã từng ở chiến trường Việt Nam.

Vị thủy sư đề đốc khởi đầu câu chuyện bằng sự so sánh như sau: “Thưa quý vị, tôi là Thủy sư đề đốc, đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể. Nhưng khi sang nước Nhật, chỉ trong vòng một, hai năm mà tôi đã thấy cả một rừng văn học. Và trong khu rừng ấy, trong đó Tanka là một đóa hoa tuyệt đẹp. Trong thơ Tanka, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Chỉ 31 âm tiết mà nói bao nhiêu chuyện sâu sắc, đậm đà. Nội hai điều đó thôi đã thấy các nước khác không dễ có được”.

Sau khi buổi nói chuyện của vị thủy sư, bước vào phần giao lưu, cử tọa hỏi còn ai đặt câu hỏi nữa hay không. Với một thái độ hết sức khiêm cung GS Trần Văn khê đã xin phát biểu như sau: “Tôi không phải là người nghiên cứu văn học, tôi là Giáo sư nghiên cứu âm nhạc, là thành viên hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO.

Trong lời mở đầu phần nói chuyện, ngài Thủy sư Đề đốc nói rằng đã ở Việt Nam hai mươi năm mà không thấy áng văn nào đáng kể. Là người Việt, khi nghe câu đó tôi đã rất ngạc nhiên. Thưa ngài, không biết khi qua nước Việt, ngài chơi với ai mà chẳng biết một áng văn nào của Việt Nam? Có lẽ ngài chỉ chơi với những người quan tâm đến chuyện ăn uống, chơi bời, hút sách...?

Phải chi ngài chơi với Giáo sư Emile Gaspardone thì ngài sẽ biết đến một thư mục gồm trên 1.500 sách báo về văn chương Việt Nam, in trên Tạp chí Viễn Đông bác cổ của Pháp số 1 năm 1934. Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durand thì ngài sẽ có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam mà ông Durand đã cất công sưu tập... Ông ấy còn hiểu biết về nghệ thuật chầu văn, ông còn xuất bản sách ghi lại các sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam. Nếu ngài làm bạn với những người như thế, ngài sẽ biết rằng nước tôi không chỉ có một, mà có đến hàng ngàn áng văn kiệt tác.

Tôi không biết ngài đối xử với người Việt Nam thế nào, nhưng người nước tôi thường rất hiếu khách, sẵn sàng nói cái hay trong văn hóa của mình cho người khác nghe. Nhưng người Việt chúng tôi cũng “chọn mặt gửi vàng”, với những người phách lối có khi chúng tôi không tiếp chuyện. Việc ngài không biết về áng văn nào của Việt Nam cho thấy ngài giao du với những người Pháp như thế nào, ngài đối xử với người Việt ra sao. Tôi rất tiếc vì điều đó. Vậy mà ngài còn dùng đại ngôn trong lời mở đầu”.

Rồi để so sánh với Tanka, Giáo sư đưa ra những câu thơ: “Núi cao chi lắm núi ơi/ Núi che mặt trời, không thấy người thương” hay “Đêm qua mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa” để đối chiếu: tức là cũng dùng núi non, hoa lá để nói thay tâm sự của mình…

Ông Thủy sư Đề đốc đỏ mặt và phải xin lỗi GS Trần Văn Khê và người Việt Nam ngay trong chương trình. Kết thúc buổi nói chuyện, ông Thủy sư đến gặp riêng giáo sư và ngỏ ý mời ông đến nhà dùng cơm để được nghe nhiều hơn về văn hóa Việt Nam. Giáo sư tế nhị từ chối, còn nói người Việt không mạo muội đến dùng cơm ở nhà người lạ.

Vị Thủy sư Đề đốc nói: “Vậy là ông chưa tha thứ cho tôi”. Giáo sư lại nói: “Có một câu mà tôi không thể dùng tiếng Pháp mà phải dùng tiếng Anh. Đó là: “I forgive, but I cannot yet forget” - Tạm dịch: Tôi tha thứ, nhưng tôi chưa thể quên.

Hơn nửa đời người bôn ba nơi đất khách, chưa một lúc nào GS Trần Văn Khê quên mình là một người Việt Nam. Chất giọng của ông vẫn mang những nét đặc trưng Nam bộ, không pha tạp. Ở đâu ông cũng luôn sử dụng tiếng Việt và chỉ dùng tiếng nước ngoài khi nào giao tiếp với khách không phải người Việt. Giáo sư luôn ngạc nhiên vì sao lớp trẻ cứ phải dùng tiếng Tây, tiếng Anh trong giao tiếp trong khi có thể dùng tiếng mẹ đẻ. Ông viết thư cho con cháu trong gia đình bằng tiếng Việt, làm thơ, viết báo bằng tiếng Việt. Và ông trước sau vẫn chỉ dùng duy nhất một cái tên Trần Văn Khê do cha mẹ đặt cho.

DƯƠNG TRỌNG DẬT