Một thoáng Brussels

Y BAN 10/01/2022 14:00

Tám giờ sáng chúng tôi ra bến xe bus. Xe to và kín chỗ. Đường rất đẹp, êm ru, nắng rờ rỡ trong suốt khiến những lá cây lấp lóa.

Quảng trường lớn tại thủ đô Brussels (Vương quốc Bỉ).

Hoa tưng bừng nở. Rồi cơn buồn ngủ kéo đến, cả ô tô bus chìm vào giấc ngủ trừ chú tài xế. Rồi cả xe cùng choàng dậy vì lạnh quá. Tiếng xuýt xoa, tiếng kéo khóa. Có một chiếc khăn tắm trong ba lô của Hà - con gái tôi. Nó kéo ra khoác lên vai cho mẹ, còn nó ngồi ôm vai co ro. Nó gầy nhẳng, cổ tay bé tẹo. Mẹ lấy chiếc khăn tắm choàng lên vai nó:

- Bu béo không lạnh đâu, con khoác đi.

- Thật mẹ không lạnh chứ?

- Thật.

Lạnh thật! Lạnh nhé không phải rét, hai cánh tay để trần bắt đầu nhưng nhức. Xoa xoa hai bàn tay vào nhau cho ấm rồi áp vào hai bên bắp tay đang mát như kem. Cái lạnh thật khó chịu rồi và sao dài lê thê thế chứ, bao giờ mới đến chỗ dừng chân để lấy áo chống lạnh để dưới gầm xe?

Rồi xe bus cũng rẽ vào chỗ nghỉ, hai mẹ con xuống xe ngồi phơi nắng rồi lấy đồ ăn chuẩn bị sẵn ra ăn, thời tiết rất dễ chịu. Phần lớn người trên xe bus là khách du lịch bụi, họ cũng chuẩn bị thức ăn sẵn từ nhà. Cốp xe đã mở sẵn, tôi chui vào lôi chiếc vali nhỏ để lấy áo gió. Tôi vẫn ám ảnh cái lạnh trên xe. Không chỉ tôi, hầu hết khách đều kéo vali lấy thêm áo.

Xe chuyển bánh những tiếng nói chuyện thì thầm. Tôi đã ngủ chán mắt, thì ngắm hai bên đường. Mướt mát xanh và tươi thắm.

Bus đỗ ở ngoại ô Brussels. Khi quyết định sang Bỉ tôi đã liên hệ được với Quỳnh, nhà thơ, cô ấy hẹn đón hai mẹ con ở ga tàu điện. Hà hỏi đường một người đàn ông Bỉ, ông ta dẫn Hà đến một bảng chỉ dẫn, rồi nói một thôi, xong cười rất tươi một tay cầm bánh mì một tay vẫy chào hai mẹ con.

Nhà văn Y Ban và nhà văn Kiều Bích Hậu tại Quảng trường Lớn (Grand Place) ở Brussels.

Vào ga mua vé chờ tàu, đúng số tàu. Giữa trưa thì đến ga Brussels và nhà ga có 4 cửa. Cô Quỳnh ở cửa nào nhỉ. Hà bận bịu với chiếc điện thoại. Quỳnh đây rồi, ôm nhau đã và đi xem Brussels nào. Tất cả mọi du khách đều tập trung ở quảng trường với những công trình rất lớn, xung quanh là những cửa hàng bán lưu niệm và sô cô la. Rồi một nơi không thể không đến là chú bé đứng tè nằm ở phía tây nam của tòa thị chính thành phố. Trái ngược với những công trình rất hoành tráng, bức tượng chỉ cao chừng 60 phân trong một cái bồn đường kính khoảng gần 2 mét. Khi tôi đến bức tượng được khoác một chiếc áo. Nhiều tổ chức không thích sự lõa lồ của bức tượng nên đã quyên góp may áo quần cho bức tượng, nghe nói có đến 800 bộ quần áo khác nhau để chú bé khoác lên mỗi ngày.

Có tượng cậu bé đứng tè thì ắt phải có tượng cô bé… ngồi tè. Nhiều du khách đã không biết được điều này. Quỳnh dẫn chúng tôi đi thăm cô bé ngồi tè trong một ngõ nhỏ. Tượng cô bé ẩn trong một bức tường, bức tượng nhỏ bằng đồng mờ ảo trong ánh tối.

Quá trưa Quỳnh chiêu đãi hai mẹ con phở gà trên con phố nhỏ rất đẹp, những con phố cổ hàng trăm năm vẫn thế, từng viên đá lát đường đến những căn nhà trên phố. Bữa ăn rất ngon miệng vì tâm hồn đang bát ngát thơ thới trên một miền đất đẹp đẽ yên bình. Quỳnh là nhà thơ, thơ của cô viết khác những nhà thơ vẫn viết. Quỳnh còn khá nhiều việc nên phải chia tay.

Hai mẹ con tiếp tục mê mải trên những con phố nhỏ, ồ hình như là một người quen, nhà văn Kiều Bích Hậu. Ôm lấy nhau cười như nắc nẻ. Vừa chia tay một nhà thơ thì gặp ngay nhà văn. Chân bon bon vào những chỗ vắng người để khám phá cả các góc khuất. Thời gian trôi quá nhanh cho những kẻ ham chơi. Hậu phải về kẻo hết xe bus, nhà cô em gái ở trong rừng, hẹn ngày mai sẽ gặp nhau ở quảng trường.

Hai mẹ con đi lang thang đến tận chiều mới tìm đường về nhà trọ. Thực chỉ là nhà trọ, 48 EURO một người hai đêm bao gồm cả bữa sáng. Hai mẹ con đi bộ, càng đi càng xa, đi mãi hết cả phố cổ rồi, qua một công viên. Cuối cùng cũng đến, vẫn là phố cổ. Con gái làm thủ tục nhận phòng, lễ tân đưa cho một xấp ga trải giường khăn tắm và phiếu ăn. Phòng trọ tuyền bê tông, trong phòng có hai chiếc giường sắt, một bồn rửa mặt, một chiếc bàn hai chiếc ghế và một cái tủ không có cánh cửa. Con gái trải ga ra hai chiếc giường, căn phòng sáng lên.

- Mẹ muốn đi tắm.

- Để con đưa mẹ đi.

\Những họa tiết trang trí trên một tòa nhà ở Quảng trường Lớn .

Đi qua những căn phòng mở, tiếng lũ trẻ cười nói rểnh rang, chúng ở giường tầng trong căn phòng rộng, mỗi phòng ở được chục đứa. Phòng tắm công cộng, có dầu gội và sữa tắm, nước nóng nhưng cứ một phút là ngắt, thao tác một là nhanh lên hai là phải đợi.

Nằm thôi, không khí lạnh dần, có vẻ như sắp chìm vào giấc ngủ sau một ngày đi bộ khá nhiều.

- Mẹ đừng ngủ ngay đấy còn phải đi ăn đã. Con gái nhắc.

- Hay là vầy, con đi ra siêu thị mua đồ ăn về đi. Ngay đầu phố có siêu thị đấy.

- Vâng, ý kiến hay đấy mẹ.

Con gái đi một lát rồi quay về, bánh mì đen thịt nguội và cà chua bi của cô Quỳnh. Thiếu một tách trà nóng nữa là xong một bữa ăn hoàn hảo.

Chẳng rểnh rang đủ chuyện như mọi khi, hai mẹ con chìm vào giấc ngủ. Có thể không cả trở mình lần nào thì trời sáng. Khác với khu nhà trọ rặt bê tông và sắt khu vườn phía sau ngôi nhà mới tuyệt đẹp làm sao. Nắng sớm vờn trên từng đọt lá, hoa đang khoe sắc hết cỡ. Những người khách dậy sớm hơn đã ngồi hết ghế trong khu vườn. Hai mẹ con đành ngồi trong phòng, mùi bánh quyện với hương cà phê trong cái lạnh se se rất nồng nàn.

- Tranh thủ ăn đi u ơi. rồi còn đi bộ dài đấy. À con nghiên cứu xong rồi, cạnh siêu thị là bến tàu điện ngầm, không phải đi bộ dài như hôm qua đâu.

Thay bộ cánh mới, son phấn đậm.

- U điệu thế - con gái trêu.

- Chuyện, trời sinh ra thế mà.

Hớn hở như trẻ lần đầu ra phố.

- U ơi… nhìn này.

Trên bức tường của nhà trọ có gắn một biển đồng, con gái dịch: Nơi đây danh họa Van Gogh đã từng ở năm 1860.

- U, có nhẽ sau này người ta sẽ gắn tiếp một biển đồng, nhà văn Y Ban đã từng ở đây hai ngày.

- Ha ha… con gái ơi con có biết bi kịch lớn nhất của loài người là gì không? Ấy là không biết mình là ai và sống trên trái đất này vì điều gì?

Quay trở lại quảng trường dù không phải ngày lễ nhưng vẫn kín khách du lịch. Có điều gì mới hơn so với ngày hôm qua không nhỉ? Những viên đá nhỏ lát đường vẫn như thế từ hàng trăm năm trước in dấu ấn của vó ngựa nay là dấu giầy. Những bức tượng đàn ông cơ bắp vẫn đứng như thế cả trăm năm như những vị thần bảo vệ cho sự trường tồn của các lâu đài. Hai mẹ con không định mua gì nhưng vẫn cứ vào xem các cửa hàng. Nhiều cửa hàng bán sô cô la và rất đắt, phải thôi sô cô la Bỉ nổi tiếng thế giới. Và đây có một “phát hiện” đáng kể, trên tấm biển đồng ghi dòng chữ bằng tiếng Anh, tôi đã đọc được tên của Đại văn hào người Nga Lev Tolstoy. Con gái dịch: Nơi đây nhà văn Nga Lev Tolstoy đã từng đặt chân đến.

Chúng tôi rời đám đông để đi về những con phố nhỏ vắng người. Một người vô gia cư vừa đứng dậy khỏi chỗ của ông ta là một tấm bìa cát tông, tôi ngần ngừ một chút rồi ngồi xuống, để chiếc mũ xuống trước mặt. Tôi muốn thử làm một người vô gia cư.

- Hà chụp cho mẹ bức ảnh.

- Mẹ đứng dậy đi, đừng làm thế. Người ta sẽ đến và cho mẹ tiền đấy. Con chụp ảnh xong rồi, đứng dậy đi mẹ.

Brussels nhỏ bé, đẹp đẽ, nề nếp và quá yên bình...

Y BAN