Mưa tuyết ở châu Âu và Mỹ: Cảnh báo thời tiết bất thường?
Những trận mưa tuyết kéo dài tại châu Âu và Mỹ những ngày qua làm dấy lên lo ngại những hình thái khí hậu cực đoan có thể nặng nề hơn trong năm 2022. Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết, năm nay nhiệt độ của Trái Đất sẽ ấm hơn so với trung bình 8 năm qua.
Tại Vương quốc Anh, tuyết rơi dày diễn ra ở nhiều khu vực trên phạm vi cả nước. “Đợt mưa tuyết lớn này đã đến sớm hơn 1 tháng so với năm trước. Tuy chưa thể gọi là bất thường nhưng cũng cho thấy điều gì đó bất ổn” - Marl Rifell, một nhân viên thời tiết kỳ cựu với gần 40 năm trong nghề nhận xét.
Thực tế thì trong một tuần, tuyết liên tục rơi. Nhiều khu vực ở Anh đang phải đối mặt với tình trạng bão tuyết cục bộ, gió mạnh lên tới 128 km/h và mức nhiệt đóng băng. Cảnh báo thời tiết lạnh đã được ban bố cho hầu hết khu vực miền Bắc nước Anh trong điều kiện băng giá và tuyết rơi dày, nhất là trong đêm 7/1 (theo giờ địa phương). Ngoài ra, còn có cảnh báo về tuyết rơi dày, mức nhiệt đóng băng và gió mạnh ở các vùng phía Bắc Scotland.
Trong khi đó, Cơ quan Thời tiết Anh (Met office) mô tả, Anh đã chứng kiến ngày đầu năm mới ấm áp nhất ở nước này kể từ khi dữ liệu thống kê thời tiết bắt đầu được thực hiện. Tuy nhiên, gần như ngay sau đó nhiệt độ xuống thấp và những trận mưa tuyết bắt đầu trút xuống. Nhiệt độ lạnh hơn đáng kể trên toàn quốc, đặc biệt ở Scotland, nhiệt độ xuống âm 5 độ C.
Cùng đó, khu vực Pennines và North York tuyết cũng bao phủ, nhưng đáng nói là thời tiết lại khá ẩm ướt. Theo nhà dự báo thời tiết Simon Partridge thì điều đó không chỉ bất lợi cho giao thông mà còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nhất là với người già. Met office đã đưa ra cảnh báo về băng tuyết cho du khách và khuyên họ hãy tạm dừng những chuyến du ngoạn “nếu có thể” tới Scotland, London, Belfast và Cardiff.
Trong khi đó, bên kia eo biển Manche, nhiều nước trong lục địa châu Âu cũng phải đón những trận mưa tuyết đến sớm. Italy và Đức là 2 quốc gia bị tuyết phủ nhiều nhất. Tại Italy, tuyết phủ dày tới 20cm tại trung tâm thành phố Milan, nơi hiếm khi tuyết rơi nhiều. Giao thông trên nhiều tuyến đường đã bị ảnh hưởng buộc chính quyền phải tạm thời đóng cửa đối với các phương tiện vận chuyển hàng nặng, nhất là tuyến đường nối biên giới Italy - Thụy Sỹ.
Còn tại Đức, tuyết rơi dày nhưng trời khá khô nên nhiều người đã đổ tới những khu nghỉ dưỡng để vui chơi. Tuy nhiên, chính quyền đã phải lên tiếng cảnh báo người dân không nên tụ tập đông vì biến thể Omicron đang lây lan cực kỳ nhanh. “Nếu như những cơn bão tuyết chưa xuất hiện buộc mọi người phải ở trong nhà thì chúng ta đang thực sự đối mặt với cơn bão Omicron” - Hoffman Kaling, chuyên gia y tế cảnh báo.
Với nước Mỹ, những trận mưa tuyết cũng được coi là đến sớm và cũng sớm cho thấy sự hung hãn theo cấp độ tăng dần. Những ngày qua, ở khu vực thủ đô Washington DC, Mỹ đã chứng kiến cảnh tuyết rơi dày nhất từ đầu mùa đông đến nay, làm gián đoạn nhiều hoạt động. Thông báo của cơ quan khí tượng Mỹ cho biết, tuyết rơi lần này tập trung ở khu vực thủ đô Washington, phía Bắc Virgina và vùng giữa Maryland, với độ dày từ khoảng 10 đến 25 cm.
Các trường học ở thủ đô Washington được yêu cầu tạm đóng cửa, hệ thống xe bus tạm ngưng hoạt động, người dân được cảnh báo tạm dừng các hoạt động không thiết yếu, xét nghiệm Covid-19 cũng bị gián đoạn. Nhiệt độ giảm sâu, tuyết rơi dày, đã làm gián đoạn nhiều chuyến bay tại các bang phía Bắc nước Mỹ.
Trong trận mưa tuyết đến sớm này, khu vực vùng núi của bang Nevada (Mỹ) được cho là ảnh hưởng nhất khi mà chỉ trong 24 giờ tuyết đã rơi dày 1 mét.
Các chuyên gia thời tiết Mỹ cho rằng, việc tuyết rơi sớm trong những ngày đầu năm 2022 rất có thể là một dấu hiệu nước Mỹ sẽ ngập sâu trong băng tuyết như vào tháng 2 năm trước.
Về nguyên nhân, theo chu kỳ khí hậu, cứ 100 năm sẽ có khoảng 5 - 6 lần Bắc Cực trải qua một đợt ấm hơn bình thường, gây ra sự biến dạng của dòng siết thành lượn sóng, đẩy không khí lạnh xuống các vĩ độ thấp hơn. Tuy nhiên, chu kỳ ấy đã bị phá vỡ khi mà Trái Đất ngày một ấm hơn, và cũng xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều hơn.
“Những hiện tượng mưa tuyết, bão tuyết đến sớm và dữ dội chính là hậu quả của biến đổi khí hậu. Điều đó có nghĩa là mùa đông nhiệt độ hạ xuống thấp nhiều hơn và mùa hè nhiệt độ tăng lên cao nhiều hơn. “Thủ phạm” gây mưa tuyết và giá rét kỷ lục ở Mỹ và châu Âu những ngày qua cũng chính là điều mà người ta gọi là “thời tiết dị thường”.
Ủy ban Liên chính phủ về biển đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc cảnh báo, mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu dưới mức tăng từ 1,5 độ C đến 2 độ C so với mức tiền công nghiệp - theo Thỏa thuận Khí hậu Paris - “sẽ nằm ngoài tầm với” trong hai thập kỷ tới nếu không cắt giảm phát thải khí nhà kính “ngay lập tức, nhanh chóng và quy mô lớn”. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mô tả báo cáo của IPCC là “một báo động đỏ đối với nhân loại. Nhưng những hồi chuông báo động này đang bị làm thinh, và bằng chứng cho việc này là không thể chối cãi: khí thải nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch cũng như cháy rừng đang bóp nghẹt hành tinh của chúng ta và đang khiến hàng tỷ người gặp nguy hiểm”.