Kết nối trí tuệ kiều bào
Số lượng nhà khoa học gốc Việt đang sống, làm việc ở những quốc gia có nền khoa học, công nghệ phát triển trên thế giới là rất lớn. Nhiều trí thức đã có những hoạt động đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, các hoạt động này còn thiếu kết nối.
Mới đây, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ cho ra mắt một “cây cầu” để tạo sự gắn kết giữa cộng đồng trí thức kiều bào, tạo điều kiện huy động các nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Gắn kết sức mạnh trí tuệ kiều bào
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 5,3 triệu người. Trong đó có khoảng 600.000 chuyên gia, trí thức trình độ đại học trở lên. Kiều bào chủ yếu sinh sống ở những nước có nền kinh tế, khoa học – công nghệ phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ, hay một số quốc gia Đông Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là nguồn lực rất lớn mà chúng ta có thể huy động vào công cuộc phát triển đất nước. Khi nói đến nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, mọi người thường nói đến nguồn kiều hối chuyển về hàng năm. Tuy nhiên, còn một nguồn lực lớn nữa mà chưa thể đong đếm được, đó là nguồn trí lực, trí tuệ của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt những chuyên gia, trí thức hiện nay đang sinh sống, làm việc ở những quốc gia, khu vực đang phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia... Cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đang có nhiều hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ hỗ trợ chính sách, giải pháp, hỗ trợ công nghệ cho đến đầu tư trực tiếp…
Đến thời điểm này, sau 10 năm ra đời, Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) do Giáo sư Nguyễn Đức Khương (Trường Kinh doanh IPAG, Cộng hoà Pháp), sáng lập đã có mặt ở hơn 20 quốc gia trên bốn châu lục và kết nối hơn 10.000 chuyên gia, trí thức. AVSE Global hiện đang thu hút và gắn kết sức mạnh trí tuệ tập thể của đội ngũ này qua những báo cáo chính sách, tư vấn chiến lược ở Trung ương và địa phương, đào tạo quản lý cấp cao, các diễn đàn chuyên môn và các chương trình nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo… Các thành viên của AVSE Global đang xây dựng các nền tảng để chuyển hóa tri thức khoa học toàn cầu thành những kiến thức phục vụ trực tiếp sản xuất kinh doanh và tiến bộ xã hội. Trong đó, ưu tiên những lĩnh vực như kinh tế sáng tạo, kết nối vùng miền và các cụm kinh tế cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, công nghệ chống biến đổi khí hậu, kinh tế biển và không gian biển, năng lượng tái tạo…
Đặc biệt, trong năm khó khăn này, AVSE Global luôn hướng về sự phát triển của đất nước bằng việc tổ chức Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo Hack4Growth”, với mục tiêu tạo ra một sân chơi cho các nhà sáng tạo, kết nối họ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, cũng như những bên tìm kiếm giải pháp đổi mới cho Việt Nam. Hiện AVSE Global đang thực hiện Dự án Tái thiết miền Trung sau thiên tai nhằm nghiên cứu quy hoạch tổng thể vùng miền thích ứng biến đổi khí hậu.
Trong cộng đồng kiều bào sống xa Tổ quốc những trí thức có nhiều hoạt động đóng góp cho quê hương, không thể không kể đến Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ (Việt kiều Canada). Sau 25 năm hoạt động khoa học, ông đã có hàng trăm bằng sáng chế ở Mỹ và Canada. Đến vào năm 2004, ông quyết định về quê hương Trà Vinh lập nghiệp, hiện thực hóa ước mơ mở xưởng, tạo công ăn việc làm cho bà con quê mình. Ông đầu tư 10 triệu USD thành lập Tập đoàn Mỹ Lan - doanh nghiệp công nghệ cao nổi tiếng của Trà Vinh. Hiện doanh nghiệp của ông tạo việc làm cho khoảng 800 nhân viên. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đã phát triển mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp gồm sản xuất phân bón thông minh, mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo, mạng lưới quan trắc nước mặn thông minh, mạng lưới máy bán suất ăn nóng thông minh, thiết bị IoT như ổ khóa, đồng hồ nước thông minh...
Đây là những thí dụ điển hình về đóng góp của trí thức kiều bào vào sự phát triển của đất nước. Trong đó, nhiều giá trị không dễ đo đếm được. Đặc biệt, trong hai năm 2020 - 2021, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đóng góp của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài vào nỗ lực chống dịch là không nhỏ. Nhiều trí thức đã tổ chức các diễn đàn để đóng góp ý kiến về xây dựng chính sách, trực tiếp tổ chức tọa đàm trực tuyến hướng dẫn các F0 trị bệnh; hay điển hình như nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ máy trợ thở cho bệnh nhân Covid-19 cho Việt Nam để người những người không may mắc bệnh có cơ hội được sống sót.
Thu hút vào lĩnh vực trọng tâm
Những năm gần đây đã xuất hiện phong trào hình thành các hội chuyên gia, trí thức ở các nước; đặc biệt là bắt đầu có sự liên kết giữa các hội trí thức xuyên biên giới. Tuy nhiên, việc phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài vẫn chưa tương xứng. Do sự kết nối chưa chặt chẽ, nhiều trí thức kiều bào chưa tìm được “đường về”, hoặc đầu tư chưa đúng với lĩnh vực mà đất nước đang cần. Mới đây, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học – Công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ) tổ chức Hội thảo “Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia” và ra mắt “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ”. Việc ra đời mạng lưới sẽ kết nối không chỉ các cá nhân, mà các tổ chức của trí thức Việt Nam ở nước ngoài tập trung vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ.
Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nước vẫn có bước phát triển mạnh mẽ. Việt Nam hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, có 2 doanh nghiệp được định giá trên một tỷ USD và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp này đã nhận được tổng số tiền đầu tư hơn một tỷ USD tập trung ở các lĩnh vực tài chính, sức khỏe và giáo dục...
Cả nước hiện có 208 quỹ đầu tư đang hoạt động, 108 tổ chức đầu tư kinh doanh, cơ sở ươm tạo, 138 trường Đại học - Cao đẳng có tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore. Thông qua mạng lưới, thông tin về hệ sinh thái đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ được truyền tải một cách đầy đủ, liên tục và cập nhật đến cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Ở chiều ngược lại, thông tin về các thế mạnh của chuyên gia, trí thức kiều bào cũng sẽ được tập hợp và công bố để hướng tới các hoạt động liên kết tiềm năng. Từ đó, tạo ra “lực đẩy” cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của doanh nghiệp nội địa. Ngược lại, đây cũng là cơ hội để hiện thực hóa các nghiên cứu sáng tạo, tạo ra cơ hội đầu tư cho các trí thức người Việt Nam đang sinh sống, làm việc khắp nơi trên thế giới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Hướng Nam cho biết: “Đến nay, các chuyên gia, trí thức kiều bào đều có sự gắn bó với quê hương, đất nước ở góc độ mang tính cá nhân hoặc học thuật, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng tôi “gộp lại” để sự đóng góp mang tính chất của một mạng lưới. Sau khi Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ kêu gọi các hội chuyên gia, trí thức kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các hội trí thức kiều bào ở nước ngoài. Chúng tôi đã thu hút được 21 hội chuyên gia, trí thức kiều bào từ 15 quốc gia khác nhau. Hầu hết các hội ở các quốc gia phát triển đều có mặt trong mạng lưới mở này. Chúng tôi hy vọng, trong tương lai toàn bộ hội trí thức kiều bào sẽ tham gia vào mạng lưới này, kết nối chặt chẽ hơn với trong nước”.
Trong bối cảnh mới, việc kết nối các trí thức kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, với khởi nghiệp sáng tạo sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, tối ưu hóa nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là người Việt Nam ở nước ngoài.