Phan Vũ và 'Em ơi, Hà Nội phố'

NHẬT ĐĂNG 06/01/2022 09:00

Bây giờ thì thi sĩ Phan Vũ đã đi xa. Cả nhạc sĩ Phú Quang nữa, ông cũng vừa về với miền mây trắng.

Nhà thơ Phan Vũ với những bức tranh “Em ơi, Hà Nội phố”.

Nhưng cả Phan Vũ và Phú Quang, đều khiến người ta nhớ, bởi tác phẩm của hai ông vẫn còn neo đậu trong tâm hồn. Nhiều khi những câu thơ của Phan Vũ, những ca khúc của Phú Quang, có điều gì đó như cứu rỗi những tâm hồn đang khô cằn héo úa, như đánh thức những kỷ niệm vui buồn vốn nằm khuất lấp trong tâm hồn. Để một chiều đông se sắt gió, đi ngang phố Khâm Thiên, lại nhớ tới Phan Vũ, nhớ tới Phú Quang và tâm hồn ta vang lên câu hát: “Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông/ Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông/ Mảnh trăng mồ côi mùa đông/ Mùa đông năm ấy/ Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/ Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân...”

Sinh thời, nhà thơ Phan Vũ đã kể về thời điểm cũng như cảm xúc, bối cảnh khi ông viết “Em ơi, Hà Nội phố”. Sau này nhạc sĩ Phú Quang đã chọn ra những câu tâm đắc để phổ thành bài hát nổi tiếng cùng tên. Tinh hoa Việt xin giới thiệu những tâm sự này.

Tôi viết “Em ơi, Hà Nội phố” từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài, vì những lý do riêng, bài thơ chưa đến với độc giả. Cho đến năm 2009, nguyên tác bài thơ mới in trong tập “Thơ Phan Vũ”. Ở Huế, tôi đã đọc bài thơ dưới ánh sáng của một ngọn nến, trong một căn nhà cổ cho một số bạn Huế yêu thơ.

Ở TPHCM, tôi đã đọc tại quán Guitare Gỗ do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đệm đàn và viết một ca khúc phụ họa. Như vậy là gần nửa thế kỷ bài thơ viết về Hà Nội, tại Hà Nội vẫn chưa trở về Hà Nội. Và tôi vẫn mong đợi một dịp được lần đầu đọc “Em ơi, Hà Nội phố” giữa thủ đô.

Tháng chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: “Em ơi, Hà Nội phố... Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa... Điệp từ “Ta còn em, ta còn em...” được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Có người nghĩ điệp từ này có ý nghĩa thách thức với lời hăm dọa của ông Nixon. Tôi không có ý đó, chỉ thấy lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới và máu người Hà Nội đổ trên phố phường, nên đọc một câu “niệm chú” để tự trấn an. “Ta còn em...” là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về.

Nhưng “Em ơi, Hà Nội phố” không phải là một lời thủ thỉ tự tình, đó là một tiếng kêu thương tha thiết... Tháng chạp bi tráng năm ấy, những sự việc hằng ngày đã khắc ghi những đường rãnh trong ký ức, giữ lại cho con người một nỗi nhớ xót xa, sâu đậm. Chỉ một đêm xuống phố Khâm Thiên sau trận bom, nghe tiếng than khóc của dân phố, nhìn những vành khăn tang trắng xóa trong đêm và ngửi mùi hương cúng đã hình thành ngay hoài niệm để một đời không thể nào quên. Tôi cũng phải nói thêm điệp từ “Ta còn em...” còn có nghĩa “ta mất em...”.

Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa! Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được. Chỉ cần mấy câu thơ của người xưa: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương”... cũng làm chúng ta rung động huống hồ những xót đau, mất mát thuộc về tâm linh, một thứ để thờ phụng, khiến con người có thể thí mạng để bảo vệ, gìn giữ. Và tinh thần của người Hà Nội trong tháng chạp năm ấy đã chứng tỏ rõ ràng.

Tôi đã sống một mình trên căn gác suốt 12 ngày đêm khốc liệt của Hà Nội. Bao hoài niệm thật đẹp mà tôi đã có trong quãng thời gian được gọi là “chàng trai Hà Nội” đã trở về trên căn gác, tại một khu trắng triệt để sơ tán vì gần Nhà máy điện Yên Phụ, một mục tiêu oanh kích. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian.

Tôi như đang trong một giấc mơ giữa ban ngày với đôi mắt mở! “Em ơi, Hà Nội phố” với 25 khổ thơ đã ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B-52 vào thành phố. Tôi ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt. Tất nhiên, trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng, một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt.

Tự họa của nhà thơ Phan Vũ.

Tôi cũng thường bỏ công chép cả bài thơ dài dặc để tặng ai đó, nhưng khi khách ra về lại hí hoáy sửa lại vì trong lúc chép tặng chợt phát hiện một câu, một chữ chưa vừa ý. Do đó “Em ơi, Hà Nội phố” đã thành tam sao thất bản, đến mức tác giả cũng không sao phân biệt được! Cho đến năm 1985, một lần gặp Phú Quang, một đoạn thơ đã được phổ nhạc. Khi ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” đã nổi tiếng với nhiều khen tặng, có người đến nói về giá trị phần ca từ của tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ sự xứng đáng thuộc về Phú Quang với những giai điệu mượt mà, du dương quen thuộc của anh; cả về công lao của Phú Quang với ca khúc ấy đã giới thiệu một bài thơ còn lận đận, chưa ra đời! Mấy câu thơ của tôi, một tâm tư mang tính cá nhân, là nỗi đau thầm lặng, nỗi buồn da diết riêng mang không có tính cộng đồng. Ngày ấy, có một nhà thơ lớn khi đọc bài thơ này đã thật lòng khuyên tôi không nên phổ biến vì có thể chuốc vạ vào thân. Tôi cũng mệt mỏi vì nhiều sự phiền hà văn chương của giai đoạn ấy nên cũng nghe lời bỏ xó.

Tôi hi vọng lần đọc đầu tiên bài thơ ở Hà Nội cũng là đọc bản chính thức cuối cùng của “Em ơi, Hà Nội phố”. Bởi với tuổi 85, hành trình đi qua trần gian, hay nói theo Trịnh Công Sơn là quãng đời “ở trọ trần gian” của tôi cũng đã quá dài so với bao nhiêu bè bạn. Giữa Hà Nội hôm nay bỗng nhiên tôi nghĩ đến những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ cùng đứng với tôi trong ban chấp hành đầu tiên của Chi hội Văn nghệ Nam bộ thành lập từ năm 1952 giữa rừng U Minh, như các anh Diệp Minh Châu, Hà Mậu Nhai, Đoàn Giỏi, Quách Vũ, Dương Tử Giang, Huỳnh Văn Gấm, Chi Lăng, Ngọc Cung, Trương Bỉnh Tòng...

Trong số đó, có người tập kết ra Hà Nội đã nằm lại trong lòng đất thủ đô, những người ở lại miền Nam bị bắt bớ, tù đày cũng đã qua đời. Các anh ấy chỉ biết Hà Nội trong tưởng tượng, càng không thể hình dung có một Hà Nội của thơ như hôm nay với người cuối cùng còn sót lại của ban chấp hành xa xưa trở về Hà Nội đọc thơ! Tôi cũng nghĩ tới những người bạn đã kết thân khi tôi từ miền Nam trở về Hà Nội năm 1956, đó là các anh Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Hữu Loan... tất cả các anh ấy đã lần lượt kéo nhau ra đi về “Bến lạ” (tên một tập thơ của Đặng Đình Hưng). Và tôi lại trở thành một trong những kẻ sống sót để thụ hưởng những gì mà đáng lẽ các anh ấy đều được hưởng!

Ta còn em mùi hoàng lan.

Ta còn em mùi hoa sữa.

Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?

Cọt kẹt bước chân quen.

Thang gác thời gian

Mòn thân gỗ.

Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...

Ta còn em chấm lửa

Điếu thuốc cuối cùng,

Xập xoè.

Kỷ niệm...

Một con đường

Một ngôi nhà

Khuôn mặt ai

Dừng trong khung cửa...

Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ

Không tên người,

Không tên phố.

Người gửi không tên.

Ta còn em chút vang động lặng im,

Âm âm tiếng gọi

Trong lòng phố...

(Trích bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” của thi sĩ Phan Vũ)

NHẬT ĐĂNG