Phát huy vai trò tăng, ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc

Vũ Mạnh 11/01/2022 15:10

Sáng 11/1, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò tăng, ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Tham dự Hội thảo có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo.

Phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của Phật giáo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh, trong những năm qua với phương châm hành đạo “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, tăng, ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động; tích cực tham gia các hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo; tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội thảo.

Đặc biệt, trong hai năm qua, các cấp Giáo hội đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.

Giáo hội đã vận động chức sắc, tăng, ni, Phật tử thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; hàng trăm các chức sắc, tu sĩ đã cởi áo nâu mặc áo blue tình nguyện vào tâm dịch; vận động ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng tiền mặt và hàng chục nghìn tấn nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế và triệu phần quà, túi an sinh để chung tay cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phòng, chống dịch Covid-19.

Các đại biểu dự Hội thảo.

“Những việc làm ích nước, lợi dân, tốt đời đẹp đạo luôn được nhân dân đồng tình, gắn kết khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Qua hội thảo, với việc làm rõ những cơ hội, nhận diện những khó khăn đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước xu hướng biến đổi của xã hội, từ đó đề xuất, khuyến nghị những giải pháp nhằm pháp huy tốt vai trò của tăng, ni trong việc trang nghiêm Giáo hội và xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của Phật giáo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Xây dựng một xã hội an lạc và hạnh phúc

Tại Hội thảo, các tham luận đã tập trung làm rõ thực trạng tăng, ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay; khẳng định vị trí, vai trò của tăng, ni và Giáo hội Việt Nam các cấp trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các ý kiến cũng làm rõ những cơ hội, khó khăn của Giáo hội trước xu hướng thế tục hóa tôn giáo đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay từ đó đề xuất những giải pháp nhằm phát huy vai trò của tăng, ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong mọi giai đoạn lịch sử, mọi hoàn cảnh thăng trầm của đất nước, tinh thần đoàn kết dân tộc - tôn giáo luôn được phát huy một cách triệt để và cao độ, trở thành nguồn sức mạnh để Phật giáo cùng dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, trên chặng đường 40 năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, hơn bao giờ hết, sức mạnh ấy được minh chứng sinh động, rõ nét trong công tác từ thiện, an sinh xã hội qua các đợt lũ lụt, thiên tai, đặc biệt là những tháng ngày cả nước chung tay ứng phó, chống lại đại dịch Covid -19.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Nhấn mạnh các ý kiến tại Hội thảo sẽ giúp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam một lần nữa khẳng định sứ mệnh “Đoàn kết - Hòa hợp - Phụng sự Tổ quốc - Bảo vệ hòa bình”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh, đây chính là động lực phát huy vai trò của tăng, ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đưa Giáo hội trở thành một tổ chức tin cậy và thực sự là ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam ở trong nước và nước ngoài; nâng cao uy tín của Phật giáo Việt Nam ngày một thăng tiến ở trong nước, khu vực và trên toàn thế giới.

Tham luận tại Hội thảo, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, các giá trị tôn giáo và xã hội của Phật giáo trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trước hết thể hiện trên lĩnh vực tư tưởng.

Đó là quá trình dấn thân của Phật giáo trong giải quyết các vấn đề xã hội, tạo sự gần gũi, gắn bó chặt chẽ với con người, xã hội theo đúng tinh thần “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng giàng chư Phật”.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

Dưới sự lãnh đạo của Giáo hội, tăng, ni đã tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, dấn thân phục vụ con người, tích cực ủng hộ, triển khai các phong trào, cuộc vận động do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động tới đông đảo các tự viện, tăng, ni, Phật tử.

Những phong trào từ thiện, an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa được chú trọng triển khai thực hiện chính là sự vận dụng của triết lý nhân sinh cứu khổ cứu nạn, từ bi của nhà Phật.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định, với tinh thần đồng hành cùng dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng, ni, Phật tử sẽ phát huy vai trò nòng cốt của mình trong việc triển khai sâu rộng, phát huy sức mạnh của mình để thực thi mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, đẩy mạnh hiệu quả hơn nữa các cuộc vận động vì sự phát triển, tiến bộ xã hội, vì mục tiêu xây dựng và củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

Nêu quan điểm, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, trong thời đại ngày nay, hòa cùng sự phát triển của đất nước, tăng, ni cần kế thừa và phát huy truyền thống của Phật giáo Việt Nam, đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết.

Cùng với đó, tăng, ni cần quan tâm hướng dẫn tín đồ, phật tử sinh hoạt theo đúng chính pháp, xây dựng cuộc sống lành mạnh và có những hoạt động đáp ứng nhu cầu của đông đảo phật tử, góp phần làm cho Giáo hội trang nghiêm, ngày càng phát triển trong lòng dân tộc.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng khẳng định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là một thành viên tích cực của MTTQ Việt Nam, đồng hành gắn bó với khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có, phấn đấu nỗ lực cống hiến xây dựng một xã hội an lạc và hạnh phúc.

Vũ Mạnh