Trà Vinh: Thần tốc chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp
Trong thời gian 3 tháng thực hiện gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116, trung bình mỗi viên chức, cán bộ BHXH tỉnh Trà Vinh phải giải quyết khoảng 1.200 hồ sơ.
50 người và 60 nghìn hồ sơ
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch lần thứ 4 nhất là khi toàn tỉnh đã tiếp nhận khoảng hơn 30 nghìn lao động từ các tỉnh như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... về quê do mất việc làm, lo ngại dịch bệnh. Trước thực tế này, ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 38 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 116/NQ-CP hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã khẩn trương nhập cuộc nhanh chóng rà soát các đối tượng được hưởng hỗ trợ đồng thời tăng cường truyền thông để người lao động và doanh nghiệp nắm được chủ trương chính sách.
Theo ước tính, toàn tỉnh có khoảng 60 nghìn người trong diện được hỗ trợ, trong khi đó số viên chức thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ tại các bộ phận có liên quan trực tiếp gói hỗ trợ như: Thu; Cấp sổ, thẻ; Chế độ BHXH và Kế hoạch tài chính của toàn tỉnh chỉ có khoảng 50 người. Như vậy, trong thời gian 3 tháng thực hiện gói hỗ trợ theo quy định (từ ngày 1/10 đến 31/12/2021), trung bình mỗi viên chức phải giải quyết khoảng 1.200 hồ sơ.
Nhận thấy những khó khăn, thách thức rất lớn nhưng với quyết tâm “thần tốc” thực hiện chính sách, toàn đơn vị bố trí làm việc ngoài giờ, làm việc cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật, tập trung dồn sức tiếp nhận, rà soát đối chiếu hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; đảm bảo chi đúng người, đúng số, đầy đủ và đúng thời gian quy định.
Nhờ đó, đến nay Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có 58.313 lao động được nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP (trong đó có 44.832 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 13.481 lao động ngừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp có thời gian bảo lưu) với tổng số tiền hơn 129,967 tỷ đồng, đạt hơn 98% so với tổng số lao động dự kiến chi hỗ trợ.
Thực hiện giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 812 đơn vị với 29.302 lao động, tương ứng số tiền giảm mỗi tháng khoảng hơn 1,5 tỷ đồng.
Theo ước tính Trà Vinh có khoảng 60 nghìn người lao động trong diện được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thế nhưng số viên chức thực hiện nghiệp vụ liên quan chỉ có vỏn vẹn 50 người. Song bằng quyết tâm, sự nỗ lực không biết mệt mỏi tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã có 58.313 lao động được nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh còn kịp thời triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cụ thể, thực hiện tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho 06 đơn vị với 1.132 lao động đủ điều kiện, tổng số tiền hơn 6,394 tỷ đồng; thực hiện thông báo cho 894 đơn vị với 42.389 lao động được giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 0,5% xuống 0% với số tiền tạm tính được giảm mức đóng 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022) hơn 13 tỷ đồng để các đơn vị kịp thời hỗ trợ cho người lao động trong phòng, chống dịch Covid-19…
Niềm vui của người dân, là động lực của cán bộ BHXH
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh Bùi Quang Huy trải lòng, quá trình triển khai thực hiện, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng gặp một số khó khăn như: người lao động có nhiều sổ BHXH cần thực hiện gộp các quá trình tham gia về một sổ gốc; người lao động trùng quá trình đóng, trùng thông tin cá nhân do mượn hồ sơ tư pháp để đi làm và tham gia BHXH; một số lao động không có hoặc ngại sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận hỗ trợ do thói quen và có nhu cầu nhận tiền mặt…
Chính những điều này đã gây khó khăn cho công tác chi hỗ trợ, mất khá nhiều thời gian để xử lý hồ sơ. Trong khi đó, nguồn lực của ngành BHXH thì rất mỏng nhưng nhận thấy chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP là chính sách mang tính nhân văn, kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, vì vậy toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã quyết tâm vượt khó hoàn thành bằng được nhiệm vụ đã đề ra.
“Với ý nghĩa của gói hỗ trợ nhằm giúp người sử dụng lao động giảm bớt khó khăn từng bước khôi phục lại sản xuất kinh doanh, giúp người lao động có thêm một khoản tiền nhỏ để chi tiêu, trang trải cuộc sống trong giai đoạn dịch bệnh nên mỗi công chức viên chức BHXH tỉnh Trà Vinh đã quyết tâm, nỗ lực để số tiền hỗ trợ đến người sử dụng lao động một cách thuận tiện, nhanh chóng và đến tay người lao động một cách nhanh nhất.
Việc chi hỗ trợ kịp thời cho người lao động, người sử dụng lao động tuy có nhiều có khăn, vất vả nhưng là niềm vui của những người thực hiện chính sách an sinh xã hội” - ông Bùi Quang Huy chia sẻ
Để doanh nghiệp, người lao động biết về chính sách, BHXH tỉnh đã gửi thông báo đến các đơn vị sử dụng lao động đủ điều kiện để rà soát, đối chiếu danh sách người lao động; đẩy mạnh đồng loạt các hình thức thông tin, truyền thông về đối tượng, thời gian, địa điểm nhận hồ sơ... qua các cơ quan thông tấn báo chí địa phương; hệ thống loa phát thanh xã, phường, thị trấn; Trang Thông tin điện tử của BHXH tỉnh. Đồng thời tích cực chia sẻ trên Fanpage, Trang Zalo của BHXH tỉnh...
Mỗi ngày có hàng trăm lượt thông tin, thông báo về gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP được chia sẻ qua các kênh tuyên truyền. Đặc biệt là sự chia sẻ tích cực của công chức viên chức BHXH tỉnh trên trang Facebook, Zalo cá nhân đã tạo được hiệu ứng lan tỏa thông tin giúp người lao động biết đến chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Nhờ triển khai đồng loạt các giải pháp trên việc triển khai chính sách đã nhận được sự đồng thuận cũng như sự hỗ trợ, hợp tác rất lớn từ doanh nghiệp, người lao động.