Hiệu quả từ công tác tuyên truyền của báo chí với vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Minh Hải 11/01/2022 17:28

Ngày 11/1, Ủy ban Dân tộc đã tổng kết thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019 - 2021 và triển khai nhiệm vụ những năm tiếp theo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các cơ quan báo chí tham gia Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 49/51 tỉnh, thành phố đã tham gia dự hội nghị trực tuyến.

Bà Hoàng Thị Lề, Vụ trưởng Vụ tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc (UBDT) cho biết: Là cơ quan thường trực thực hiện chính sách, UBDT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan và địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quyết định số 45/QĐ-TTg; chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch, quản lý, định hướng và hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện chính sách kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả các ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho các đối tượng thụ hưởng được thực hiện hàng năm.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính xây dựng và ban hành 59 văn bản chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg. Chỉ đạo các cơ quan báo chí, đơn vị phát hành xây dựng quy chế hoạt động, quy trình, kế hoạch xuất bản, phát hành các ấn phẩm báo, tạp chí; kế hoạch tự kiểm tra chất lượng nội dung, hình thức và hiệu quả của ấn phẩm theo tiêu chí xác định; rà soát kết quả thực hiện hàng quý, 6 tháng, cả năm và đối chiếu số lượng, địa chỉ các đối tượng thụ hưởng theo hợp đồng.

Chỉ đạo, hướng dẫn các báo, tạp chí tuyên truyền thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; Tổ chức điểm tin hàng ngày, điểm báo tuần, điểm báo tháng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBDT; kịp thời định hướng nội dung tuyên truyền cho các báo, tạp chí hàng tháng. Tổ chức họp báo, thông cáo báo chí để thông tin kịp thời về tổ chức các sự kiện chính trị - xã hội và các sự kiện lớn có liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg đối với một số báo, tạp chí và đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách cấp báo tại các địa phương; kết hợp lồng ghép với các chương trình công tác của Ủy ban Dân tộc tại cơ sở. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg; định hướng tuyên truyền hàng quý, hàng năm và định hướng tuyên truyền theo chuyên đề gắn với các sự kiện chính trị, nhiệm vụ trọng tâm công tác dân tộc, chính sách dân tộc đối với các báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg và các quy định có liên quan.

UBDT đã tổ chức rà soát số lượng tin, bài tuyên truyền theo các lĩnh vực, vùng miền trên từng số báo; định kỳ hàng tuần, hàng tháng tổng hợp số lượng, đánh giá chất lượng nội dung, hình thức, hiệu quả tuyên truyền trên 19 ấn phẩm báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg. Từ kết quả rà soát cho thấy, nhiều báo, tạp chí có số lượng tin bài trên các lĩnh vực, vùng miền cân đối, chất lượng nội dung, hình thức được đánh giá cao như: Báo Tin tức, Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Tài nguyên và Môi trường, Báo Đại đoàn kết, Báo Biên phòng, Báo Sức khỏe và Đời sống, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, Báo Văn hóa, Báo Tuổi trẻ Thủ đô…

Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Tuấn Hùng cho biết: Việc tiếp tục duy trì báo in là cần thiết, tuy nhiên theo xu hướng báo chí hiện đại, báo mạng điện tử phát triển mở rộng đối tượng bạn đọc cũng rất cần, nhưng việc này đòi hỏi phải có hạ tầng kỹ thuật internet tốt thì mọi việc mới thuận lợi. Các ấn phẩm báo giấy là một kênh thông tin cho đồng bào DTTS và cũng là kênh thông tin đối ngoại của đồng bào.

“Hiện nay, chúng ta đang thiếu thông tin phản hồi và việc bảo tồn văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa dân tộc cần được tuyên truyền mạnh mẽ hơn”, ông Hùng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, cho rằng: Các báo, tạp chí nên đổi mới thông tin. Tin bài cần đi vào những vấn đề đời sống dân sinh, đổi mới cách tiếp cận để đồng bào DTTS thụ hưởng báo chí dễ tiếp thu. Đặc biệt cần đưa công nghệ vào làm báo để truyền tải thông tin nhanh và thích ứng với thời đại.

Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định: Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là ủng hộ chương trình này, vẫn duy trì báo in và tăng thêm kênh thông tin khác là báo điện tử. Về hình thức vẫn là báo giấy, ngoài ra thêm báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình.

Kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định: Sau 3 năm thực hiện Quyết định 45/QĐ-TTg là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đồng bào DTTS. Quyết định 45/QĐ-TTg là chính sách đặc thù, góp phần truyền tải chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn để bà con học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tiếp thu phản hồi ý kiến của bà con để sửa đổi, bổ sung, xây dựng chính sách cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

“Trong 2 năm qua, do đại dịch Covid-19, bà con vùng đồng bào DTTS thực hiện rất nghiêm các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhân dân đã thay đổi hành vi của mình trong việc phòng dịch, đó là hiệu quả của báo chí trong việc tuyên truyền góp phần giúp nhận thức của đồng bào ý thức hơn trong phòng dịch. Cũng từ thông tin tuyên truyền của báo chí, đã giúp bà con vươn lên, tin Đảng, tin Chính phủ, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Đó là hiệu quả quan trọng mà báo chí đã làm được”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cũng nêu thực tế có lúc, có nơi thực hiện còn chưa được như mong muốn, như việc tổ chức thông tin, phát hành, cấp phát báo đến với đồng bào còn chậm, chưa đầy đủ, cần rút kinh nghiệm.

“Trong thời gian tới, theo tinh thần Quyết định 45/QĐ-TTg, sau 3 năm thực hiện phải có báo cáo đầy đủ về hiệu quả của Quyết định này, đánh giá khách quan, chỉ ra những mặt được, tồn tại hạn chế mà các ý kiến của địa phương đã đề cập. Lấy hiệu quả đặt lên trên hết để báo cáo với Chính phủ, từ đó đưa ra những mục tiêu, giải pháp, phương hướng trong thời gian tới. Chính sách này phải lấy người dân làm chủ thể, làm động lực, phục vụ nhân dân, nhất là đồng bào DTTS và miền núi”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh lưu ý.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh mong muốn, trong bối cảnh hiện nay, với đặc thù vùng đồng bào DTTS khó khăn, cách trở. Trong xu thế chung các loại hình báo chí phát triển rộng rãi, trên nhiều nền tảng, nhưng báo viết vẫn là thế mạnh đối với vùng đồng bào DTTS. Vậy chúng ta sử dụng báo viết như thế nào để phát huy tác dụng đến với người dân. Phải nâng cao chất lượng, thay đổi hình thức, đưa đến những vấn đề mà người dân cần nhưng phù hợp với chủ trường chính sách của Đảng và Nhà nước. Bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để phục vụ nhân dân, xem xét nhu cầu của bà con cần gì. Đây cũng là điều mong muốn có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để bám sát chủ trương này.

Minh Hải