Tổng Thư ký Quốc hội thông tin việc 'Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong vụ công ty Việt Á'
Chiều 11/1, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Trả lời về báo chí về việc Quốc hội yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm trong vụ công ty Việt Á, ông Cường cho biết: Qua thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ý kiến các cơ quan có liên quan nên trong dự thảo Nghị quyết chung của kỳ họp được Quốc hội thông qua và phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội cũng đã khẳng định rõ quan điểm của Quốc hội trong việc giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành triển khai một số nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo ông Bùi Văn Cường, trong Nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, đặc biệt trách nhiệm quản lý của ngành y tế trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế để tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công, thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Tập trung khẩn trương quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 và các vi phạm nếu có liên quan đến công ty Việt Á vì vụ việc này đang trong quá trình điều tra.
“Một nguyên tắc rõ là xử lý nghiêm minh các tổ chức cá nhân, vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào. Đó là quan điểm chung trong công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta. Đây là vấn đề đã được nêu rất cụ thể trong nghị quyết của Quốc hội. Vụ việc đang trong quá trình điều tra thì không được phép cung cấp các thông tin khác, ngoài các nội dung đã được công bố.
Do đó phải đợi cơ quan điều tra, và sau khi cơ quan điều tra tiến hành các thủ tục tố tụng và khi Tòa án tổ chức xét xử thì chúng ta mới có kết quả cuối cùng. Hiến pháp hiến định một người không bị coi là có tội khi không có bản án có hiệu lực pháp luật. Do đó chúng ta phải đợi kết quả điều tra và quá trình thực hiện tố tụng. Cuối cùng là kết luận của Tòa án”, ông Cường cho hay.
Liên quan đến vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm, ông Cường cho rằng, việc tổ chức đấu giá công khai là sự minh bạch. Nếu quá trình thực hiện các thủ tục trong đấu giá đúng quy định pháp luật, các cơ quan tổ chức thực hiện đúng theo quy định của pháp luật cũng là giao dịch dân sự bình thường.
Nếu như tập đoàn Tân Hoàng Minh rút lui sẽ mất tiền cọc, hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là hoạt động bình thường vì quá trình thực hiện đấu giá cũng giống chuyện thực hiện các giao dịch mua bán bất động sản.
"Nếu chúng ta thích mảnh đất này có thể mua cao, còn không thích thì không mua, đó là chuyện bình thường", ông Cường bình luận và cho rằng, sau này các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý có thể xem xét đánh giá.