Phủ rộng lưới an sinh
Nhận định dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó trong năm 2022 ngành BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh lượng người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT). Đồng thời triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng
Năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn, nhưng cũng là năm để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với ngành bảo hiểm.
Theo thống kê, tính đến ngày 31/12/2021, số người tham gia BHXH hơn 16,5 triệu người, tăng 2,2% so với năm 2020, đạt 33,77% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với năm 2020, đạt 27,34% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHYT hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao.
Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, được các đại biểu Quốc hội khóa XV ghi nhận, đánh giá cao. Cụ thể, trong năm 2021, có hơn 1,45 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao.
BHXH Việt Nam những năm qua đã kịp thời đưa ra các giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt kịp thời ban hành, triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT phù hợp với các địa bàn, khu vực tương ứng từng cấp độ dịch.
Bên cạnh đó, đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu hơn 98 triệu dân, là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đặc biệt, trong năm 2021, BHXH Việt Nam đẩy mạnh triển khai ứng dụng VssID - BHXH số và có gần 30 triệu người cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID.
Cùng với việc triển khai chính sách, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động, DN tại Nghị quyết 68 với 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do Covid-19, trong đó chính sách thứ 12 là hỗ trợ cho lao động phi chính thức. Và Nghị quyết 116 hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền chi trả lớn 38.000 tỷ.
Mở rộng lưới an sinh
Đánh giá việc triển khai chính sách theo Nghị quyết 68 và 116 của ngành BHXH Việt Nam, tại hội nghị tổng kết ngành diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, trong lúc khó khăn và đòi hỏi cấp bách nhưng ngành BHXH đã đáp ứng rất nhanh. Từ tham mưu đề xuất, xây dựng chính sách và khi chính sách được ban hành thì chi trả rất kịp thời.
Trong 5 ngày đầu tiên triển khai Nghị quyết 116, ngành BHXH đã hoàn thành việc gửi thông báo giảm mức đóng (1% xuống 0%) vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động, với số tiền điều chỉnh giảm trên 7.595 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/12/2021, đã giải quyết, chi hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp cho 12,94 triệu lao động với tổng số tiền hỗ trợ là 30,73 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, gói hỗ trợ này cơ bản đã giải ngân xong.
Nếu không có gói hỗ trợ trực tiếp đến với người lao động, không có giải pháp giải ngân nhanh như vậy, thì sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến mục tiêu kích cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế quý IV tăng lên đã giúp cho tăng trưởng chung của cả năm 2021 dương…
“Làm chính sách khó là rất khó, bởi vì xây dựng thì dễ, nhưng làm thế nào để chính sách đến với người dân và sự tiếp nhận của người dân tích cực? Nhưng, qua hai chính sách này cho thấy sự đồng thuận rất cao” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Năm 2022 toàn ngành BHXH Việt Nam đặt mục tiêu nâng số người tham gia BHXH đạt khoảng 37-38% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia BHTN đạt khoảng 31% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 92% dân số.
Nhận định dịch Covid-19 có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm BHTN. Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của BHXH. Bên cạnh đó, ngành cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; đổi mới phương thức phục vụ người dân, khuyến khích giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và chi trả không dùng tiền mặt. Triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ.
“Ngoài ra quản lý quỹ BHXH, BHYT, BHTN an toàn, bền vững và hiệu quả, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện chúng ta đã quản lý tốt các quỹ an sinh cần tiếp tục nghiên cứu để dành phần lớn nguồn quỹ tham gia vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…”- Phó Thủ tướng yêu cầu.
Đảm bảo quyền lợi người dân trong đại dịch
Trước diễn biến của dịch để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi tham gia BHXH, ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều giải pháp đa dạng, linh hoạt các phương thức giải quyết và chi trả các chế độ. Nhờ đó, quyền lợi của hàng chục triệu người dân vẫn đảm bảo thông suốt.
Cụ thể như: Chi trả gộp 2 tháng lương hưu, chi trả tại nhà; đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt (hết năm 2021 có khoảng 57% số người nhận các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt 7% chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết 02/NQ-CP)… Thủ tục hành chính cũng được đơn giản hóa, dễ triển khai nhất, đã đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với gần 15 nghìn điểm chi trả đến cấp xã; trên 738 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản…