'Cần yêu cầu ông Trịnh Văn Quyết bồi thường cho nhà đầu tư'
Trao đổi với Đại Đoàn Kết trong sáng ngày 12/1, ông Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hội các nhà đầu tư tài chính (Vafi) cho rằng, sau khi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước phong toả tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, cần yêu cầu ông Trịnh Văn Quyết bồi thường tiền thật cho nhà đầu tư.
Ông đánh giá như thế nào về biện pháp phong toả tài khoản chứng khoán đứng tên Trịnh Văn Quyết của Uỷ Ban chứng khoán Nhà nước?
Tôi đồng ý và cho rằng, sau đó Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần yêu cầu ông Trịnh Văn Quyết bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư.
Bởi theo cách mà Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đang triển khai là tiến hành rà soát dòng chứng khoán. Nếu nhà đầu tư nào mua đúng lô hàng FLC bán chui của ông Trịnh Văn Quyết thì được hoàn tiền. Vậy còn những người giao dịch cổ phiếu FLC theo thoả thuận và các cổ phiếu dòng họ FLC thì sao? Họ cũng là những nhà đầu tư bị thiệt, vì nếu ngay từ đầu ông Trịnh Văn Quyết thông bố thông tin mua bán cổ phiếu minh bạch sòng phẳng thì thị trường không bị nhiễu loạn, không bị biến động.
Do vậy ông Trịnh Văn Quyết phải bồi thường cho nhà đầu tư trong phiên giao dịch đó bằng cách lấy biên độ giá giao dịch hôm trước và hôm sau để quy ra tiền trả cho nhà đầu tư. Vì nhiều nhà đầu tư bị lừa mua đắt ngay trong những phút đầu giao dịch. Bồi thường tiền là cách tương đối công bằng mà thôi, bởi hậu quả mà ông chủ FLC gây ra là vô cùng, trong đó niềm tin nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán bị tác động kinh khủng.
Từ năm 2027 ông Trịnh Văn Quyết đã có một lần bán chui cổ phiếu, và đến năm 2022 lại lặp lại hành động này. Thời gian qua, Uỷ ban chứng khoán nhà nước cũng đã xử phạt nhiều tài khoản vì bán cổ phiếu mà không đăng ký thông tin?
Đúng vậy vào năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã từng "đánh úp" nhà đầu tư khi thông báo mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC nhưng sau đó lại bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC khiến các nhà đầu tư nắm cổ phiếu FLC thiệt hại rất nặng. Thế nhưng sau đó, ông Quyết chỉ bị Ủy ban Chứng khoán xử phạt hành chính... chỉ 65 triệu đồng.
Hành động lần này lại tiếp tục gây thiệt hại vô cùng cho nhà đầu tư, cho cả thị trường chứng khoán. Hành vi này đe doạ sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.
Nhiều kiến nghị rằng, tài khoản chứng khoán của cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu của công ty đại chúng... nên phong toả trước khi thực hiện giao dịch lớn?
Về luật pháp, các chế tài xử phạt các hành vi phạm quy định về giao dịch (của cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu của công ty đại chúng...” đã được quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Nhưng theo như bạn nói thì đầu năm 2021 đến đầu năm 2022 tính ra có hơn 6 nhà đầu tư lớn bị phạt do bán cổ phiếu mà không đăng ký thông tin. Trong khi thị trường Việt Nam đang có bước tiến mới trong lộ trình nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi. Vừa qua, Việt Nam chính thức đưa vào hoạt động Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) - cơ quan đầu mối quản lý chung thị trường chứng khoán Việt Nam. Các hành động bán chui, hay thao túng giá tạo ra những tiền lệ xấu trên thị trường, ảnh hưởng tới hàng trăm doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, ảnh hưởng đến uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam mà Chính phủ đang nỗ lực xây dựng.
Muốn lành mạnh hoá thị trường, đối với những đối tượng cần mua bán khối lượng lớn cổ phiếu thì thông tin tài khoản tạm khoá lại. Có thông báo chính thức thì mới mở ra để cho giao dịch, làm như vậy không có chuyện bán chui nữa
Trân trọng cảm ơn ông!