Mua bán thú rừng dịp Tết: Bảo tồn hay chơi trội?

Nguyễn Hoài 12/01/2022 14:48

Sự phát triển của công nghệ số, mạng xã hội khiến các khu chợ ảo trở thành mảnh đất màu mỡ cho những tay buôn lậu động vật hoang dã hành nghề. Thú rừng liên tục bị dính bẫy do con người tạo ra, bị xẻ thịt để phục vụ nhu cầu khác thường của các “thượng đế”.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cứ đến dịp lễ Tết, không ít thịt thú rừng đã trở thành món nhậu, bất chấp pháp luật.

Nhu cầu của người dân cũng như thói quen biếu quà Tết, tìm kiếm các sản phẩm độc lạ để gây ấn tượng khiến nạn buôn bán động vật hoang dã, thịt thú rừng càng gia tăng vào dịp này.

Nhiều vụ nổi cộm

Thời điểm cuối năm, liên tiếp các vụ buôn bán động vật hoang dã đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Cách đây ít ngày, ngày 9/1, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Huỳnh Thị Gái (sinh năm 1995, Đà Nẵng) vì hành vi mua bán khoảng 100 cá thể rùa quý hiếm, nằm trong danh mục sách đỏ.

Tại cơ quan Công an, đối tượng Gái khai nhận, khách mua đã chuyển cho Gái số tiền 5 triệu đồng và Gái cũng phát giá 100 con rùa là 120 triệu đồng. Như vậy, nếu bán trót lọt, đối tượng sẽ thu được 120 triệu đồng. Số rùa Trung bộ này, Gái cho biết mua tại TP Đà Nẵng.

Thú rừng được bán trên mạng xã hội.

Cũng trong đầu tháng 1/2022, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh đã đấu tranh, triệt phá chuyên án về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã và pháo nổ tại địa bàn.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2 đối tượng Nguyễn Hữu Sự (sinh năm 1977, Hòa Bình) và Lê Văn Phú (sinh năm 1982, Quảng Bình) điều khiển xe ô tô, vận chuyển 2 thùng xốp chứa tổng cộng 64 hộp pháo; một thùng xốp chứa 3 cá thể mang đã chết, không đầu, không nội tạng, không chân; 4 cá thể chồn hương và 7 cá thể nhím.

Trước đó, giữa tháng 12/2021, Công an phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã phát hiện và thu giữ kho động vật hoang dã cung cấp cho các nhà hàng dịp Tết. Theo đó, ngày 8/12, Công an phường Hòa Hiệp Nam kiểm tra hành chính ngôi nhà do đối tượng Cao Hồng Phong (21 tuổi, Quảng Bình) thuê ở tổ 7 phường Hoà Hiệp Nam.

Tại thời điểm trên, lực lượng phát hiện đối tượng Phong đang tàng trữ số lượng lớn động vật hoang dã thuộc nhóm quý hiếm và thịt động vật chưa xác định được chủng loại nên lập biên bản tạm giữ. Các cá thể này gồm động vật sống: 2 cá thể kỳ tôm; 2 cá thể chồn hôi; 1 cá thể rùa đá; 1 cá thể khỉ mốc; 1 cá thể tê tê; 3 cá thể chưa định danh.

Để qua mặt lực lượng chức năng, các tài khoản không sử dụng từ mua hay bán, thay vào đó là "bảo tồn".

Theo đối tượng Phong, số động vật, thịt động vật trên được đặt mua từ một người không rõ lai lịch với giá 12 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 16 kg thịt động vật đông lạnh gồm nhiều cá thể chưa định danh, 2 lồng sắt với 4 ngăn, 1 tủ đông, 11 bẫy dây và dụng cụ bẫy khác. Số động vật này sẽ được đối tượng bán lại cho các nhà hàng, quán nhậu vào dịp Tết.

Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc liên quan tới buôn bán động vật hoang dã thời gian qua. Trong năm 2021, lực lượng chức năng các địa phương cũng phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã.

Trong số này, một phần để phục vụ thú vui nuôi động vật độc lạ làm cảnh của một bộ phận người dân, còn lại đa phần là để phục vụ nhu cầu thưởng thức khác thường của các “thượng đế”. Vì thế mà hằng năm, rất nhiều động vật hoang dã bị các nhà hàng xẻ thịt và đối tượng thưởng thức thường là những người có điều kiện, thích của lạ.

Hoạt động tinh vi, khó kiểm soát

Không còn buôn bán động vật hoang dã tràn lan trên đường như trước đây, các tay buôn lậu động vật hoang dã hiện nay tận dụng mạng xã hội là mảnh đất mẫu mỡ để hàng nghề. Dễ dàng tiếp cận người mua và che dấu danh tính nên thời gian qua, các hành vi về mua bán động vật hoang dã trên mạng ngày một gia tăng đáng báo động.

Dù cũng đã có không ít vụ việc buôn bán động vật hoang dã trên không gian mạng bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, song sự phát triển của mạng xã hội, khiến thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn, làm khó lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xử lý vi phạm.

Không chỉ dừng lại ở người bán, nhiều người mua liên tục đăng tìm kiếm những loại thú rừng.

Tìm hiểu trên mạng xã hội Facebook, những hội, nhóm như: “Hội nuôi hoẵng”, “Hội bẫy thú rừng…”, “Hội nuôi dúi…” thu hút hàng nghìn thành viên. Mỗi ngày, nhiều bài viết được đăng tải với đủ các nội dung từ người mua hàng muốn tìm mua thú rừng tới các video, hình ảnh chào bán các loại động vật hoang dã từ săn bắt đến buôn bán lậu. Trong số này có cả những loài quý hiếm, có trong sách đỏ.

Thông qua một bài đăng trong hội nuôi hoẵng, chúng tôi liên hệ với chủ một tài khoản tên Nguyễn M. Anh này quảng cáo, hiện tại anh đang có đủ loại thú rừng: cheo cheo, dúi, ngộ không baby (thực chất là khỉ con), chồn hương đực, heo, nai, rắn, nhím, kỳ đà. Thay bằng từ bán, người này cho số điện thoại và nói phục vụ “anh em bảo tồn”. Giá mỗi loại giao động chỉ vài trăm nghìn đồng/kg.

Ở một tài khoản khác tên Điện Cơ V. trên hội bẫy rừng, tài khoản này đăng nội dung: “Tìm đầu ra cho nhiều loại thú rừng”. Ngay dưới nội dung này, nhiều người đã nhanh tay để lại số điện thoại, trong đó có cả nhà hàng chuyên hàng rừng với mong muốn “hợp tác lâu dài, giá ok, đồ rừng lấy hết”.

Không chỉ dừng lại ở người bán, nhiều người mua liên tục đăng tìm kiếm những loại thú rừng. Các hoạt động mua - bán động vật hoang dã cứ thế được trao đổi, rao bán công khai trên các hội, nhóm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để qua mặt lực lượng chức năng, các tay buôn thay vì dùng từ mua hay bán, họ chỉ sử dụng từ “bảo tồn” hoặc một số loài động vật như tê tê được viết tắt là “tt” chứ không viết đầy đủ. Hơn nữa, các tài khoản tham gia đăng bài trên các hội, nhóm này cũng đều là tài khoản ảo, không rõ danh tính, địa chỉ cụ thể, và luôn đề cao cảnh giác.

Trong vai người tìm mua rái cá, phóng viên trao đổi với một chủ tài khoản tên Tử T. Người này cho biết hiện đang có “3 baby, 2 lớn”, sau khi thỏa thuận giá cả, hẹn ngày giờ ship hàng thì không thấy hồi âm.

Tham khảo ý kiến của một người am hiểu lĩnh vực này, chúng tội được biết, nhóm đối tượng này rất đề cao cảnh giác. Trước khi giao hàng, họ sẽ tìm hiểu kỹ thông tin về người mua. Kể cả ngôn ngữ trao đổi mua hàng ngây ngô, không đúng người trong giới là sẽ bị ngừng giao dịch ngay.

Ngoài mua bán thú rừng, các sản phẩm từ động vật hoang dã như sừng tê giác, nhà voi, cao hổ… cũng được chuộng không kém. Niềm tin chọn thịt rừng để ăn hoặc sử dụng các sản phẩm từ thú quý hiếm như một phương thuốc cổ truyền, thay cho thuốc tây, chữa được bách bệnh đã được nhiều người truyền tai nhau.

Ngoài ra, ăn thịt thứ rừng, sử dụng các sản phẩm từ các loài thú quý hiếm còn thể hiện cái oai, thích chơi trội hoặc quà biếu giá trị của một bộ phận người dân. Tác dụng thực vẫn còn là dấu hỏi trong khi đã có không ít “trái đắng” khi sử dụng thịt thú rừng và các sản phẩm từ thú rừng xảy ra.

Nguyễn Hoài