Nhức nhối lò gạch thủ công vẫn ngày đêm 'xả khói' tại Nam Định
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc xoá bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn, tuy nhiên, tại tỉnh Nam Định, tình trạng những lò gạch thủ công ngang nhiên hoạt động, ngày đêm xả khói ra môi trường vẫn đang diễn ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống người dân.
Ngày đêm ngang nhiên xả khói
Cụ thể, sau nhiều năm thực hiện quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 10/6/2014 của UBND tỉnh Nam Định, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại tình trạng lò gạch thủ công hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân.
Thời gian vừa qua, nhiều người dân thuộc xóm 7, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) đã gửi đơn thư phản ánh về tình trạng một lò gạch thủ công tại đây vẫn hoạt động ngày đêm bất chấp những nguy cơ về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những hộ dân sinh sống gần lò gạch.
PV Đại Đoàn Kết Online đã có mặt tại xã Trực Hùng để xác minh thông tin. Theo ghi nhận, tại khu vực đê tả sông Ninh Cơ, thuộc xóm 7 xã Trực Hùng vẫn tồn tại một lò gạch thủ công đang hoạt động.
Trong khi các lò gạch trên địa bàn đều đã thực hiện tháo dỡ, ngừng hoạt động từ nhiều năm nay thì chỉ riêng lò gạch này vẫn ngang nhiên tồn tại, hoạt động xuyên ngày đêm.
Tại thời điểm ghi nhận, bên dưới ống khói cao vài chục mét của lò gạch liên tục xả khói nghi ngút, hàng chục công nhân vẫn đang mải mê làm việc, bốc dỡ gạch lên xe để vận chuyển.
Phía bờ sông, đất làm gạch được chất cao thành từng đống. Một chiếc tàu vận chuyển đất đang được máy múc đưa lên bờ để thực hiện trộn đất ngay sát mép sông.
Theo người dân sinh sống tại đây, do là lò vòng nên việc hoạt động diễn ra liên tục không kể ngày đêm. Hiện trên địa bàn xã chỉ còn duy nhất lò gạch này là còn hoạt động. Được biết, lò gạch này là của hộ gia đình ông Đặng Văn Sinh (xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh) hoạt động trên địa bàn vài chục năm nay.
Sống nhiều năm gần lò gạch, bà N.T.M chia sẻ: “Những ngày im trời lặng gió thì không sao, chứ có gió tạt về phía khu này thì khiếp lắm. Không chỉ mùi khói nồng, khó thở mà hoa màu cũng chịu ảnh hưởng. Khi nào trồng rau mồng tơi là biết ngay, lá rau lốm đốm rồi rụng hết. Cũng có thời điểm lúa đang thời kì trổ đòng đòng bị khói làm cho chết cháy”.
Không những vậy, có những ngày xe chở đất, chở gạch nườm nượp làm bụi mù cả đường đê. Những nhà sống ngay gần đê cũng kêu suốt, bà M. cho biết thêm.
Cũng là một hộ dân sống gần đê, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động của lò gạch, ông N.V.C chia sẻ: “Mặc dù thông tin lò gạch chỉ còn được hoạt động 2 năm nữa đã được thông báo cách đây mấy năm nhưng đến giờ vẫn không thấy có dấu hiệu ngừng sản xuất gạch, dù các lò xung quanh đều đã ngừng đốt. Khói xả ra còn tuỳ vào gió nhưng những lúc bay về phía dân cư là cả nhà không ai chịu nổi”.
Chính quyền có làm ngơ?
Quyết định 13/2014/QĐ-UBND của tỉnh Nam Định nêu rõ:
Ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng (sau đây gọi chung là lò gạch thủ công) trên địa bàn tỉnh Nam Định.
- Lộ trình cụ thể:
- Không cho phép phát sinh đầu tư mới cơ sở sản xuất bằng lò gạch thủ công, lò dã chiến.
- Năm 2014 xóa bỏ 347 lò thuộc địa bàn thành phố Nam Định và 08 huyện: Vụ Bản, Mỹ Lộc, Hải Hậu; Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Ý Yên, Nam Trực.
- Năm 2015 xóa bỏ 154 lò thuộc địa bàn 07 huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Ý Yên, Giao Thủy, Hải Hậu.
(Quyết định 13/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nam Định về việc ban hành lộ trình và mức hỗ trợ xóa bỏ lò gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng trên địa bàn tỉnh Nam Định)
Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, bà Đỗ Thị Hường, Bí thư Đảng uỷ xã Trực Hùng cho biết: “Theo quyết định của tỉnh Nam Định, lò gạch này được hoạt động đến tháng 12/2020, tuy nhiên đến nay lò gạch này vẫn đang thực hiện mô hình chuyển đổi.
Địa phương cũng nắm được tình hình hoạt động của lò gạch này tuy nhiên các cơ quan chuyên môn về môi trường vẫn về kiểm tra và kết luận đủ điều kiện hoạt động”.
Đồng thời bà Hường cũng khẳng định lò gạch trên được cấp phép hoạt động và địa phương không đủ thẩm quyền để xử lí. Hoàn toàn không có chuyện bao che của chính quyền địa phương.
“Sau khi có quyết định tháo dỡ, giải thể lò gạch thủ công, về cơ bản trên địa bàn xã cũng đã giải thể hết rồi, chỉ còn duy nhất một lò gạch này. Người dân vẫn có ý kiến rằng tại sao lò gạch vẫn tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên địa phương không có đủ thẩm quyền xử lí mà phải ở cấp cao hơn.
Trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã có những văn bản đề xuất lên cấp trên để giải quyết dứt điểm nhưng vẫn chưa thấy phản hồi”, Bí thư Đảng uỷ xã Trực Hùng thông tin.
Tiếp tục trao đổi với ông Hoàng Văn Đan, Chủ tịch UBND xã Trực Hùng, PV lại nhận được câu trả lời có phần trái ngược.
“Trên địa bàn xã không còn lò gạch thủ công. Lò vòng cơ sở của hộ gia đình ông Sinh không phải lò gạch thủ công mà là công nghệ bán thủ công hay còn gọi là lò vòng”, ông Đan cho hay.
Chủ tịch UBND xã Trực Hùng cũng khẳng định: “Đây chỉ là cơ sở sản xuất gạch chứ không phải doanh nghiệp nên không có phép hoạt động. Trước đây vào đầu năm 2010 có liên quan đến quyết định của UBND tỉnh về việc phá dỡ các lò thủ công. Tuy nhiên lò này vẫn được hoạt động do chưa thuộc diện phải phá dỡ, vì có vốn đầu tư lớn (lên đến vài chục tỉ) nên tỉnh châm chước cho hoạt động thêm. Tuy nhiên từ đấy đến nay vẫn không thấy gì nữa”.
Dù lò gạch liên tục đốt khói ngày đêm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, tuy nhiên ông Đan trao đổi: “Khói thì đương nhiên đốt lò phải có khói nhưng mức độ ảnh hưởng trực tiếp đối với cuộc sống của người dân của lò này thì không. Có thể vì một lí do nào đấy người ta ý kiến chứ ở địa phương không hề nhận được văn bản hay phản ánh nào của người dân”.
Tình trạng lò gạch thủ công hoạt động ngang nhiên nhiều năm gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân mà không bị xử lí khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu có hay không sự tiếp tay, bao che của chính quyền?
Quyết định số 1469 nêu rõ: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò thủ công như sau: Các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào trước năm 2018 với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tùy theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục”.
(Quyết định số 1469/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030)