Chuyên gia nói gì khi F0 chuyển nặng tại Hà Nội tăng nhanh?

Hoàng Chiến 12/01/2022 16:58

Số ca nhiễm Covid-19 tại Thủ đô không chỉ liên tục dẫn đầu cả nước mà số ca F0 chuyển nặng cũng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Ngành y tế Hà Nội cần làm gì theo khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ?

F0 chuyển nặng tăng

Tính đến hết ngày 11/1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.884 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 391 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số đơn vị ghi nhận số ca mắc nhiều trong ngày như: Đống Đa (156); Thanh Xuân (141); Hoài Đức (123); Đông Anh (101)…

Điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh minh hoạ.

Toàn thành phố có 50.946 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Cụ thể, số ca theo dõi cách ly tại nhà là 40.653. Số còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (133), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (218), tại các bệnh viện của Hà Nội (3.079) và cơ sở thu dung điều trị thành phố (1.330), cơ sở thu dung quận, huyện (5.533)…

Trong đó, số bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung là 1 người. Số ca tử vong trong ngày là 11 trường hợp, tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay là 281 người.

Đáng nói, trong số hơn 4.000 F0 đang được điều trị tại bệnh viện, có đến gần 500 trường hợp nặng và nguy kịch.

Về vấn đề này, theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, với tình hình dịch bệnh diễn biến như hiện nay, 3 giải pháp chính để phòng, chống dịch Covid-19 cần được tập trung là tăng cường tiêm vaccine; cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh; quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng.

Thực tế hiện nay, việc điều trị cho các trường hợp F0 tại nhà vẫn còn những bất cập. Nhiều trường hợp F0 phàn nàn gần như không được y tế quan tâm, tự điều trị bằng vài loại thuốc thông thường được phát. Có trường hợp mua thuốc bên ngoài tự điều trị hoặc trữ sẵn thuốc điều trị Covid-19.

Theo đại diện Sở Y tế thành phố, hiện đơn vị này đã đề nghị các địa phương chú trọng, quan tâm tới việc phát hiện sớm F0 và quản lý bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Ngoài việc cung ứng đủ thuốc và các điều kiện thiết yếu để theo dõi, đảm bảo sức khỏe cho F0, hạn chế tối đa tử vong, các địa phương cũng cần chủ động cơ số test nhanh để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Tập trung phân tích nguyên nhân tử vong

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, tình hình dịch Covid-19 hiện nay tại Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng do số lượng bệnh nhân F0 ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, số liệu ca nhiễm hàng ngày không còn là căn cứ quan trọng để xác định các nhiệm vụ chống dịch trong giai đoạn này. Do đa số bệnh nhân đã được tiêm vaccine nên tỷ lệ bệnh nhân nặng ít hơn. Dù vậy, với số lượng F0 liên tục đạt đỉnh như hiện nay thì bệnh nhân nặng tăng theo cũng là điều dễ lý giải.

Để duy trì tỷ lệ tử vong dưới ngưỡng thấp nhất, Thủ đô cần xác định rõ mục tiêu chống dịch hiện tại, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ điều trị và tăng cường giáo dục truyền thông, giám sát ca bệnh.

Ngoài ra, Hà Nội cần căn cứ vào số liệu ca thở máy, tử vong thay vì số liệu ca nhiễm hàng ngày để xác định các nhiệm vụ phòng chống dịch.

Hà Nội cũng cần phân tích các ca tử vong do nguyên nhân nào, thuộc đối tượng nào, đã tiêm vaccine hay chưa? Trong đó cần phân tích rõ nguyên nhân tử vong do đâu để có những biện pháp điều chỉnh phù hợp. Một trong những vấn đề mấu chốt để giảm tỉ lệ tử vong là phải phân tầng đúng người bệnh, chuyển tuyến điều trị kịp thời, chuyên gia nhấn mạnh.

Ngoài ra, đối với những trường hợp F0 điều trị tại nhà, cũng cần có sự quan tâm đúng mực. Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, thời điểm hiện tại vẫn chưa phải đỉnh dịch vì sắp tới là Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, tập trung đông người tăng cao, số ca nhiễm sẽ còn có khả năng tăng mạnh và đạt đỉnh sau Tết.

PGS.TS Hùng khẳng định, chúng ta không thể khống chế được ca mắc nhưng khống chế được các ca tử vong. Do vậy, chuyên gia dịch tễ đề xuất, thành phố nên mở rộng cách ly, điều trị tại nhà đối với F1 và F0, mở rộng thêm các đối tượng trên 50 tuổi, không có bệnh nền và đủ các điều kiện cách ly.

Ngoài ra, không cần quá quan tâm đến số ca nhiễm hàng ngày tăng cao ra sao, thay vào đó cần tập trung vào số ca chuyển nặng và nguy kịch, chuyên gia nhấn mạnh.

Hoàng Chiến