Giữ lấy ca trù Lỗ Khê
Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) từng được coi là quê hương của ca trù. Nhưng hiện nay, số nghệ nhân còn lại của làng chỉ vỏn vẹn có 3 người. Dù vậy, nói như Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền: “Sống thì phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì sự nghiệp ca trù”…
Cơm áo chẳng đùa với… ca trù
Người làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) xưa nay vẫn luôn tự hào là một trong những trung tâm ca trù của cả nước. Hiện nay, làng Lỗ Khê vẫn còn nhà thờ Tổ nghề, còn thần phả, còn sắc phong... Người dân nơi đây đã bao đời ngấm từng câu ca, từng nhịp phách, từng tiếng trống trầu và họ vẫn giữ trong mình ngọn lửa với nghệ thuật ca trù.
Nhưng “Cơm áo chẳng đùa với ca trù”, dẫu cho ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật ca trù đã có hơn 600 trăm năm tồn tại ở làng. Thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên tại đây lại đang chọn cho mình những công việc khác, ít cô gái nào dám gán mác thêm cái chữ “Ca nương”.
“Hàng năm, huyện cũng cho kinh phí để đào tạo, nhưng cũng rất khó khăn. Tôi truyền nghề cho các cháu múa và vũ đạo đều miễn phí. Hiện ở làng có 9 cháu đang theo học, có điều là các cháu khi học văn hóa đến lớp 7 là đều bỏ học nghề vì gia đình không muốn cho theo” - Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền cho biết.
Hiện nay, làng Lỗ Khê có 3 nghệ nhân ca trù là Phạm Thị Mận, Phạm Thị Điền và kép đàn Nguyễn Văn Tuyến. Ca trù chỉ là nghề tay trái, không nuôi sống được bản thân, cho nên cũng là lý do chính mà lớp trẻ không mặn mà theo đuổi. Bên cạnh đó, học ca trù rất khó, cần sự say mê nhiệt huyết.
Chỉ cần 1 cây đàn đáy, 1 bộ phách trúc, 1 trống chầu là buổi biểu diễn ca trù có thể bắt đầu. Tuy nhiên, cái khó của ca trù là phải học rất bài bản, công phu. Khi ngồi vào là phải có đàn khuôn, phách khuôn, tiếng đàn, tiếng phách phải y xì nhau. Ca nương khi đã cất lên tiếng hát là người đàn phải theo. Miệng hát là tay phải cầm nhịp, tay gõ phách.
Chế độ đãi ngộ với người giữ lửa
Làng Lỗ Khê được hình thành từ lâu đời, đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều nét của một làng cổ, với quần thể đình, miếu, cổng, lễ hội những làn điệu dân ca...
Truyền thống hát cửa đình vừa là để dâng cúng thành hoàng tỏ lòng nhớ ơn, cũng vừa là món ăn tinh thần của quần chúng, từ lâu đã trở thành nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng: “Gốc còn ngọn mãi phải còn/ Cầm ca giữ trọn lòng son chẳng mờ/ Làm giàu thêm vốn ca trù/ Cửa đình còn mãi hát thờ múa ca”.
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nhiều hệ giá trị văn hóa truyền thống dần mai một. Ca trù cũng không ngoại lệ. Vì thế trong nhiều năm qua, chủ trương của chính quyền địa phương là luôn chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật cho các thế hệ trẻ.
Cố gắng là vậy, tuy nhiên,điều khiến người dân địa phương cũng như những người làm công tác gìn giữ ca trù tại Lỗ Khê trăn trở đó là, hiện địa phương vẫn chưa có kế hoạch phát triển bồi dưỡng cho lớp trẻ và chưa có chế độ đãi ngộ hợp lý với những nghệ nhân, nên họ không thể chuyên tâm, cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Năm 2009, ca trù của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vì có nguy cơ thất truyền. Để giữ cho ca trù đứng vững trước thách thức của thời đại, không còn cách nào khác là phải không ngừng bồi đắp và truyền tỏa các giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ. Chỉ có như vậy, ca trù sẽ không những không bị mai một mà ngày sống mãi trong đời sống của nhân dân.
Những làn điệu ca trù đang ngày mai một dần tại chính quê hương cổ truyền về ca trù. Nghệ nhân Phạm Thị Điền trăn trở: Năm 2009, ca trù của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vì có nguy cơ thất truyền. Thanh niên, phụ nữ là phải giữ gìn nghề tổ của quê hương. Như trước kia người theo học ca trù phải mất cả 10 năm, 20 năm mới thành thạo nghề, thì bây giờ mọi người có điện thoại thông minh để thu, nghe nên học chăm chỉ thì cũng nhanh thành nghề”...