Giáp Tết, cảnh báo lạm dụng rượu bia
Số người nhập viện do hậu quả của việc uống rượu bia đều có xu hướng tăng cao mỗi dịp giáp Tết. Thời điểm này cũng là lúc nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng mạnh, kèm theo đó là nỗi lo về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nguy cơ từ những cuộc nhậu cuối năm
Những ngày cuối năm, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện do hệ quả từ bia rượu. Phần nhiều trong số này là bệnh nhân nặng, thậm chí có những ca tử vong. Một trường hợp cụ thể là bệnh nhân N.T. (32 tuổi, ở Hòa Bình) đang trong tình trạng rất nguy kịch dủ đã điều trị tại Trung tâm được nhiều ngày.
Người nhà bệnh nhân T. cho biết, trong bữa tiệc liên hoan cuối năm, anh cùng với một nhóm bạn trong công ty đã uống hết hơn 10 lít rượu khác nhau. Sau bữa nhậu đó, vừa về tới nhà, anh T. thấy mệt, nôn nhiều và lịm đi không biết gì.
Anh T. được người thân đưa tới bệnh viện tỉnh cấp cứu, sau đó được chuyển lên Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê, rối loạn nhịp tim.
BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những ca bệnh nhập viện do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp đa phần đều rất nặng và tiên lượng tử vong cao. Ngoài ra, không chỉ nguy cơ từ rượu giả, lạm dụng quá nhiều rượu, bia cũng khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là hệ tim mạch, dạ dày, gan, tụy, khớp, xương, cơ, sức khỏe sinh sản, hệ thống miễn dịch, tâm thần…
Trong đó, gan bị ảnh hưởng rất nhiều nếu uống quá nhiều rượu, bia. Một lá gan khỏe mạnh nhất cũng chỉ có thể xử lý được khoảng 1-2 đơn vị rượu mỗi ngày. Khi lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường sẽ khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này, các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan lâu ngày dẫn đến xơ gan, tổn thương khoảng cửa của gan, hóa xơ sẹo, giảm lượng máu đến gan, suy chức năng gan.
Một trường hợp khác cũng liên quan tới bia rượu là bệnh nhân N.V.T. (29 tuổi) nhập Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai. Theo bệnh án, bệnh nhân say sau một “trận bia” cùng bạn bè, đến 2h sáng, anh T. muốn đi tiểu nhưng đau buốt và không thể đi nổi.
Anh T. cố chịu đến sáng để đi bệnh viện. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán xác định là vỡ bàng quang - viêm phúc mạc và được chỉ định phẫu thuật.
ThS.BS Vương Xuân Thủy - Người trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân T. nhập viện được phẫu thuật cấp cứu ngay, nhưng do đến viện muộn nên đã bị viêm phúc mạc. Các bác sĩ của kíp phẫu thuật đã hút được khoảng 2 lít dịch, nước tiểu trong khoang bụng và phẫu thuật tạo hình bàng quang…
Nỗi lo an toàn thực phẩm ngày giáp Tết
Tết Nguyên đán đang đến gần, thời gian nghỉ Tết kéo dài, sau Tết là mùa lễ hội. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm dịp giáp Tết.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp này, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng: Các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra chống sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng. Cần kịp thời công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm; thông tin danh sách, địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn. Không quảng cáo sai về bản chất, tác dụng của sản phẩm thực phẩm.
Cũng theo ông Phong, người tiêu dùng không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn, chỉ chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng. Không nên mua, tích trữ, chế biến quá nhiều thực phẩm, thức ăn trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng.
Ngoài ra, người dân không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong; Không lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; Trẻ em dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia…