Sử dụng các sản phẩm từ thú quý hiếm: Tác dụng có như lời đồn?
Không chỉ mua bán thú rừng, các sản phẩm từ động vật hoang dã cũng được chuộng không kém. Trên chợ mạng, nhiều tay buôn chào bán đa dạng các sản phẩm từ nanh, sừng, da… đến các thiết bị bẫy thú rừng.
Niềm tin chọn thịt rừng để ăn hoặc sử dụng các sản phẩm từ thú quý hiếm như một phương thuốc cổ truyền, thay cho thuốc tây, chữa được bách bệnh đã được nhiều người truyền tai nhau. Tuy nhiên, tác dụng thực vẫn còn là dấu hỏi trong khi đã có không ít “trái đắng” khi sử dụng thịt thú rừng và các sản phẩm từ thú rừng xảy ra.
Giá trị ảo?
Dạo quanh các hội, nhóm chuyên về thú rừng, không khó để tìm mua các sản phẩm từ động vật hoang xã như: nanh hổ, da hổ, móng gấu, ngà voi, sừng tê giác, vẩy tê tê, cao hổ, cao khỉ…
Trên hội sừng hươu, một bài đăng bán móng gấu có sẵn của một chủ tài khoản tên Võ V. thu hút nhiều bình luận. Liên hệ qua facebook của anh V., chúng tôi được anh này quảng cáo, anh đang có các loại móng gấu, lông đuôi voi.
Hiện tại, anh còn sẵn ít móng gấu, bán đồng giá 400 nghìn đồng/chiếc, ai lấy cái nào được chọn, lấy cả được bớt còn 380 nghìn. “Hàng nhà em bao lỗi, móng dài từ 4,5 đến 6 cm. Còn một lô em bán xả đón Tết”, anh V. chia sẻ.
Cũng trong vai người mua hàng, chúng tôi liên hệ với một chủ tài khoản khác tên Hoàng A. Theo lời anh A. nói thì anh chuyên cung cấp các loại nanh hổ đủ loại kích cỡ và có gia công bọc vàng, bạc số lượng lớn. Ngoài nanh hổ, anh A. còn có vòng tay, nhẫn làm từ ngà voi, cao hổ.
Anh A. cho biết, nguồn hàng đều là hàng nhập, bao chuẩn. Nhưng khi được hỏi nhập từ đâu thì anh A. không trả lời rõ ràng. Tuy nhiên, để khách hàng tin tưởng, anh A. cho hay, cuối năm những mặt hàng này bán chạy vì khách mua để làm đồ trang sức hoặc biếu tặng.
Theo anh A., sở dĩ các sản phẩm kể trên được khách hàng ưa chộng phần vì khách muốn thể hiện độ chịu chơi, sự giàu có, sành điệu; phần vì tâm linh hay phục vụ mục đích chữa bệnh.
Trước những thông tin đồn thổi về giá trị sản phẩm từ những tay buôn lậu, không ít người bị dụ dỗ, sẵn sàng rút ví mua hàng, bất chấp giá bán được các tay buôn đẩy lên rất cao.
Chính vì tin tưởng vào tác dụng của các sản phẩm từ động vật quý hiếm mà nhiều người bị mất tiền oan vì mua phải hàng giả. Chị Nguyễn Mỹ Hương bị đau xương, khớp nhiều năm nay. Theo lời mách của nhiều người, chị Hương tìm mua cao hổ từ chỗ người quen. Cũng do chỗ người quen nên chị Hương mua hàng không đắn đo gì, với giá 15 triệu đồng/lạng.
Tuy nhiên, khi chị Hương mua sản phẩm về, chị mới tham khảo giá thì được biết, giá bán cao hổ rất “trên trời”, mỗi nơi một kiểu. Nhiều người nói, nếu cao hổ chuẩn thì không có giá 15 triệu/lạng mà giá phải cao hơn.
“Giá chênh lệnh nhau nên tôi cũng không biết hàng của tôi có phải là hàng thật hay không nhưng đúng là sau vài lần sử dụng tôi thấy sức khỏe chưa được cải thiện hơn”, chị Hương cho hay.
Có thể bị coi là đồng lõa
Tác dụng của các sản phẩm không biết có được như lời đồn đại dân gian hay không nhưng thực tế có người mua phải hàng giả nhưng lại được bán với giá thật. Và hơn thế, người mua các sản phẩm từ động vật quý hiếm cũng có thể đồng lõa với hành vi buôn bán hay tiêu thụ động vật hoang dã, đối diện với hình thức xử phạt của cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay, nếu như trước đây, người dân cần “ăn no, mặc ấm” thì ngày nay hầu hết mọi người cần “ăn ngon, mặc đẹp”.
Động vật hoang dã được người dân coi đó là món đặc sản, ăn ngon và giàu protein. Tuy nhiên, chúng ta đã có luật cấm săn bắt, buôn bán hay tiêu thụ động vật hoang dã. Thế nên người dân sử dụng thịt thú rừng là phạm luật.
Bên cạnh đó, các sản phẩm từ động vật hoang dã lâu nay được dân gian đồn thổi có tác dụng chữa bệnh hay về mặt tâm linh cho đến hiện nay vẫn chưa có lời giải.
PGS.TS Thịnh nêu ví dụ như sừng tê giác, cao hổ, cao khỉ. Thực ra, đông y cũng có nhắc tới ý nghĩa của sừng tê giác hay cao hổ, cao khỉ nhưng y học hiện đại chưa có chứng minh về tác dụng của những sản phẩm nay, vẫn chỉ dừng lại ở truyền miệng.
Theo PGS.TS Thịnh, nếu như ở các nước châu Âu người ta bảo vệ tê giác tránh tình trạng tuyệt chủng thì ở châu Á, sừng tê giác lại được coi là thuốc chữa bệnh nên được săn lùng dẫn tới nạn buôn lậu.
Thực chất, các sản phẩm từ thú quý hiếm có tác dụng chữa bệnh được hay không, đến nay vẫn chưa chứng minh được. Nhưng rõ ràng, sử dụng các sản phẩm này, người mua đã phạm luật và vô tình tiếp tay cho đối tượng buôn lậu động vật hoang dã.
“Trong dịp Tết, thưởng thức món gì để vừa có lợi cho sức khỏe lại không làm tổn hại môi trường tự nhiên là câu chuyện người dân cần lưu tâm. Ẩm thực Việt Nam rất phong phú. Chúng ta có nhiều sự lựa chọn món ăn ngon, bổ hơn thịt động vật hoang dã. Và quan trọng hơn là ăn gì, sử dụng gì cũng phải tuân thủ pháp luật. Đó là trách nhiệm của công dân”, PGS.TS Thịnh cho hay.