Dư luận xung quanh việc 'Công ty vàng Phước Sơn xin tận thu khoáng sản bùn thải'
Mới đây, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (Công ty vàng Phước Sơn) văn bản gửi Bộ TN-MT, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị xem xét, cho phép lập hồ sơ thu hồi khoáng sản đi kèm tại mỏ vàng Đăk Sa - dự án của Công ty vàng Phước Sơn.
Trước đây Đại Đoàn Kết đã từng có nhiều bài viết phản ảnh về bãi thải này như bài “Quảng Nam: Nỗi lo sống dưới ‘quả bom’ quặng thải khổng lồ”, phản ánh việc, người dân ở xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam lo sợ, nếu không may xảy ra sạt lở hay sự cố môi trường từ hồ quặng thải hàng trăm nghìn mét khối của Công ty vàng Phước Sơn sẽ ảnh hướng đến tính mạng, tài sản của họ.
Còn khu quặng thải nói trên ở địa phận thôn 4 xã Phước Đức, là bãi thải của mỏ vàng Đăk Sa mà Công ty vàng Phước Sơn được Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác số 565/GP-BTNMT ngày 23/4/2012 về việc cho phép khai thác vàng gốc tại mỏ vàng Đăk Sa và phê duyệt Báo cáo đánh giá tại Quyết định số 1698/QĐ-BTNMT ngày 29/11/2004.
Trong Công văn số 551/PSGC, Công ty vàng Phước Sơn xin thu hồi số quặng chì, vàng, bạc trong hồ chứa 50.000 tấn bùn mà công ty này thải ra trong thời gian qua.
Cụ thể, sau thời gian dài hoạt động, hồ 2B hiện tại của mỏ vàng đã chứa một lượng bùn thải có dung tích khoảng 20.000 đến 25.000 m3, tương ứng khoảng 40.000 đến 50.000 tấn bùn thải.
Nguyên nhân xin và xin để làm gì trong nội dung tờ trình của Công ty vàng Phước Sơn nêu cụ thể: “Bùn thải ở đây không còn giá trị thu hồi vàng do khối lượng vàng nằm trong cấp hạt cực mịn. Tuy nhiên, trong bùn thải này có hàm lượng chì tương đối cao.
Công ty đã tiến hành một số mẫu thí nghiệm về bùn thải này tại các vị trí khác nhau thì hàm lượng chì trong bùn thải này giao động từ 4-7%. Mẫu tổng hợp chung cho toàn hồ thải có kết quả hàm lượng chì chiếm khoảng 5,5%. Trong khi đó, đối với các mỏ khai thác lộ thiên hiện nay hàm lượng chì chỉ chiếm từ 3-5%. Với tiềm năng trên, công ty chúng tôi có kế hoạch thu hồi chì trong bùn thải ngâm chiết chứa tại hồ 2B hiện tại và đang xây mới tại mỏ vàng Đăk Sa”.
Công ty vàng Phước Sơn cũng cho biết sẽ áp dụng quá trình tuyển nổi, vì đây là bùn thải của quá trình hòa tách Cyanide nên toàn bộ quặng cỡ hạt khá mịn, cỡ hạt này rất thích hợp cho quá trình tuyển nổi. Do đó, sẽ lựa chọn có giai đoạn tuyển nổi để nâng cao hàm lượng chì. Dự kiến vàng và bạc sẽ thu hồi cùng với tinh quặng chì.
Công ty đã tiến hành thí nghiệm tuyển nổi mẫu bùn thải của hồ 2B theo sơ đồ tuyển nổi chọn riêng trực tiếp tinh quặng chì. Kết quả cho thấy hiệu quả tuyển nổi chì khá tốt, tuyển thô đã có thể nâng hàm lượng tinh quặng chì lên 16,2% với thực thu trên 72%. Trong tinh quặng chì bao gồm cả bạc với hàm lượng trên 150 ppm.
Tuy nhiên Công ty vàng Phước Sơn cho rằng, trong quặng thải này chứa rất nhiều bùn mịn gây khó khăn cho quá trình tuyển nổi. Nên trước khi đưa bùn thải vào tuyển nổi sẽ được tuyển sơ bộ bằng phương pháp tuyển trọng lực.
“Cụ thể là tuyển xoắn vít để nâng cao hàm lượng chì đồng thời làm giảm lượng quặng mịn có hại. Phương án đề xuất là tuyển trọng lực bằng vít xoắn để tách bớt tạp chất. Tinh quặng của vít xoắn sẽ được cấp thuốc và đưa đi tuyển nổi thu hồi chì với sản phẩm phụ là vàng và bạc đi kèm trong tinh quặng chì” - đại diện Công ty vàng Phước Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Bá Cảnh, Tổng Giám đốc Công ty vàng Phước Sơn, dựa trên các số liệu kỹ thuật, kết quả thí nghiệm, hiệu quả kinh tế - xã hội cơ bản, nhu cầu thị trường, công ty nhận thấy việc tận thu khoáng sản đi kèm qua thu hồi chì trong bùn thải tại mỏ vàng Đăk Sa là một phương án rất thiết thực, mang lại nhiều lợi ích, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và tận thu năng lượng từ chất thải, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường và tiết kiệm chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Sau khi nhận được văn bản trên của Công ty vàng Phước Sơn, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Tổng cục Môi trường và Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia nghiên cứu, tham gia ý kiến về các vấn đề liên quan gửi về Tổng cục trước ngày 14/1/2022 để tổng hợp, báo cáo Bộ TN-MT xem xét, giải quyết theo quy định.
Tuy nhiên, ông Hồ Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Phước Đức, huyện Phước Sơn nơi có mỏ vàng Đăk Sa và bãi thải trên cho rằng, ông chưa nghe nói và chưa biết gì về việc Công ty vàng Phước Sơn xin tận thu lại khối lượng chất thải khủng này.
“Tôi chưa nghe thấy gì cả. Nếu có việc Công ty vàng Phước Sơn xin tận thu như trên thì địa phương cảm thấy lo lắng. Sắp tới họp Ban chấp hành Đảng ủy xã tôi sẽ thông tin nội dung này để Ban chấp hành có ý kiến cụ thể. Lo lắng là số lượng bùn thải khủng sau khi được tuyển lấy quặng thì sẽ thải đi đâu?”.
Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc Công ty vàng Phước Sơn xin thu hồi khoáng sản đi kèm tại mỏ vàng Đăk Sa thì hiện nay phía doanh nghiệp đang xin ý kiến của Bộ TN-MT
“Doanh nghiệp họ có quyền đề xuất với Bộ TN-MT và hiện nay đang chờ ý kiến của Bộ TN-MT. Nếu Bộ TN-MT không đồng ý thì hỏi địa phương làm gì. Vì việc này là của doanh nghiệp, chứ không có liên quan gì đến huyện Phước Sơn. Khi nào Bộ TN-MT đồng ý mà có liên quan đến huyện Phước Sơn thì có chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam”, ông Lê Quang Trung nói.
Tuy nhiên người dân thì không cho rằng việc này của doanh nghiệp, ông Nguyễn T. người dân địa phương cho rằng: Nếu rủi ro về môi trường hay sự cố sạt lở đập thải này xảy ra sẽ ảnh hưởng đến tính mạng tài sản của hàng trăm hộ dân sinh sống dưới thân đập ai sẽ là người chịu trách nhiệm.
“Chúng tôi làm sao yên tâm khi sống dưới ‘quả bom’ quặng thải khổng lồ này. Nếu họ tận thu thì không biết xái quặng sẽ đổ về đâu, xử lý kiểu gì. Tôi nghĩ rằng nếu công ty được phép tận thu thì người dân cần được thông báo đầy đủ thông tin”, ông T. nói, đó cũng là tâm sự của những người dân mà chúng tôi đã gặp trao đổi ngay dưới bãi thải này.