Coi chừng 'bà hỏa'
Chiều tối ngày 12/1, sau tiếng nổ lớn, một trạm điện trên đường Phạm Hùng thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh bất ngờ bốc cháy dữ dội rồi lan sang một showroom ôtô kế bên. Dù ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt, nhưng nó cũng đã thiêu rụi phần phía trước của showroom và một chiếc ô tô bị đốt cháy hoàn toàn. Vụ cháy kể trên thêm một lần nữa báo động nạn hỏa hoạn, đặc biệt là vào dịp cuối năm – thời điểm mọi người vội vã lo Tết nên có phần chủ quan hơn.
Càng gần Tết, một phần do yếu tố thời tiết, phần thì do chủ quan nên dễ xảy ra các vụ cháy. Cuối năm 2021, tại thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), vào lúc sáng sớm tại Tổ 3, Nam Phong (xã Hưng Đạo), một vụ cháy bùng lên thiêu rụi 3 ngôi nhà.
Thế là có đến 3 gia đình coi như mất Tết.
Thực tế cho thấy, thời điểm cận Tết Nguyên đán lại có nhiều vụ cháy với nhiều nguyên nhân khác nhau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ nhưng theo cơ quan chức năng yếu tố chính vẫn là do sự chủ quan, không tuân thủ quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy. Càng khi bận rộn, thời tiết hanh khô lại càng cần cẩn trọng với “bà hỏa”, nhưng không phải ai cũng ý thức được điều đó.
Tất nhiên cũng không phải chỉ khi gần Tết mới xảy ra nhiều vụ cháy, mà tại nhiều thời điểm trong năm hỏa hoạn vẫn là mối đe dọa. Thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2021 vừa qua, Hà Nội đã xảy ra 355 vụ cháy, trong đó có 8 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 130 vụ cháy trung bình, 192 vụ cháy nhỏ, 18 vụ cháy rừng; làm 12 người chết, 23 người bị thương.
Ngoài ra còn có 456 vụ chập điện trên cột, gây ra 827 sự cố. Các vụ cháy xảy ra chủ yếu tại khu vực nội thành 197 vụ (chiếm 55, 5% tổng số vụ cháy). Loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh xảy ra 204/355 vụ cháy, chiếm 57,46%. Các vụ cháy này có quy mô không lớn, gây thiệt hại không nhiều về tài sản nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng về người.
Điển hình, tại quận Đống Đa có 3 vụ cháy, làm chết 9 người. Các vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản chủ yếu vẫn xảy ra ở loại hình kho, xưởng sản xuất là 47/355 vụ, chiếm 13,23%. Nguyên nhân trực tiếp xảy ra cháy chủ yếu là do sự cố hệ thống, thiết bị điện là 252/355 vụ, chiếm 71%.
Như vậy, khi nhìn lại các vụ cháy xảy ra tại Hà Nội năm 2021 có thể thấy khu vực kho xưởng xảy ra khá nhiều, do hệ thống điện không đủ độ an toàn. Điều đó cho thấy cần quan tâm nhiều hơn nữa tới hệ thống truyền tải điện, cả điện ở các trạm, đường dây và nhất là trong các kho xưởng. Nhiều chủ cơ sở sản xuất không chịu đầu tư cho đường dây, hệ thống tự ngắt khi có sự cố nên chỉ cần một vụ chập điện nhỏ cũng có thể gây ra hỏa hoạn.
Cùng đó, các phương tiện phòng cháy chữa cháy cũng không được trang bị đầy đủ, nên ngay khi ngọn lửa bùng lên đã không dập được, khiến lửa nhanh chóng lan rộng. Cho dù lực lượng cứu hỏa có huy động nhiều phương tiện, nhân lực đến chữa cháy thì hầu hết các vụ cháy cũng đều gây thiệt hại nghiêm trọng.
Những vụ cháy thời điểm cận Tết thêm một lần nữa phải gióng lên hồi chuông báo động về hỏa hoạn. Không chỉ đối với các hộ dân mà còn cả với cơ quan điện lực, với các chủ nhà xưởng. Nếu không nêu cao cảnh giác, trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy thì “bà hỏa” có thể “ghé thăm” bất cứ lúc nào.