Thanh Hóa: 67 giáo viên hoang mang vì bị dừng hợp đồng
Những ngày qua, 67 giáo viên mầm non đã được UBND huyện miền núi Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ năm 2014 bỗng nhiên nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng. Điều này đã đẩy cuộc sống của họ vào muôn vàn khó khăn.
Trong tâm trạng khá hoang mang, cô Hà Thị Thoa - giáo viên đang công tác tại Trường Mầm non xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn lo lắng cho biết: Ngày 5/1, cô cùng gần 10 trường hợp khác là giáo viên đang làm việc tại Trường Mầm non Trung Hạ được UBND huyện Quan Sơn mời lên làm việc và thông báo dừng hợp đồng lao động, với lý do: Chờ hướng dẫn của UBND tỉnh Thanh Hóa.
UBND huyện vẫn yêu cầu cô Thoa và các giáo viên khác tiếp tục đến trường làm việc nhưng không được hưởng lương và mọi chế độ phụ cấp như lâu nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, đời sống của số giáo viên này đang rơi “tự do” vào những khó khăn về kinh tế.
Vừa lau vội những giọt nước mắt, cô Thoa vừa kể: Cô là người đã gắn bó với Trường Mầm non Trung Hạ gần 20 năm nay. Ban đầu là ký hợp đồng với trường, với mức lương vài trăm nghìn đồng. Đến năm 2014 (hơn 10 năm sau), cô mới được UBND huyện Quan Sơn ký Quyết định hợp đồng không xác định thời hạn.
“Do gặp nhiều khó khăn về kinh tế, 2 năm trước vợ chồng tôi đã bàn nhau, vay mượn tiền bạc cho anh ấy đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, do dịch bệnh, 2 năm qua, chồng tôi không có việc làm nên không gửi được tiền về phụ giúp gia đình. Hiện nay, chồng tôi cũng rất muốn về nước nhưng không có kinh phí. Suốt thời gian qua, cuộc sống của cả gia đình đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của tôi. Giờ bỗng nhiên mất việc, chúng tôi rất lo lắng. Không biết rồi đây sẽ phải xoay sở bằng cách nào”- cô Thoa buồn rầu nói.
Cùng chung cảnh ngộ với cô Thoa, cô Vi Thị Phận - giáo viên đang công tác tại Trường Mầm non xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn cũng lo lắng cho biết: Cô cùng nhiều trường hợp khác được UBND huyện Quan Sơn ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ năm 2015. Cứ ngỡ như vậy là đã “chắc chân”, yên tâm làm việc với mức lương tuy thấp nhưng tằn tiện cũng đủ chi tiêu cho gia đình.
“Cả thanh xuân của chúng tôi đã theo đuổi nghề, tưởng chừng đã được ổn định. Nhưng sau khi có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, chúng tôi không biết tương lai, cuộc sống rồi sẽ đi về đâu? Trong khi đó, chồng tôi làm lao động tự do, thu nhập không ổn định, tôi và mọi người đều không có nghề phụ”- cô Phận nói.
Được biết, để được UBND huyện Quan Sơn ký hợp đồng không xác định thời hạn, các cô đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, đi lại vất vả, từng bước ký những hợp đồng đơn lẻ, rồi tuân thủ quy định về chuẩn hóa giáo viên bằng cách tự bỏ kinh phí để đi học các chương trình theo quy định của ngành…
Đến năm 2021, sau khi huyện Quan Sơn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, mức lương bình quân của giáo viên nằm trong diện hợp đồng ngoài biên chế nói trên nhận được rơi vào khoảng từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập đó cũng đủ để họ duy trì cuộc sống ổn định ở mức tối thiểu, trong bối cảnh khó khăn dịch bệnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại địa bàn huyện miền núi Quan Sơn hiện có 67 giáo viên mầm non đã được UBND huyện mời lên họp để nhận thông báo “dạy không lương”, chờ UBND tỉnh có hướng dẫn cụ thể tiếp theo.
Được biết, hầu hết trong số 67 giáo viên nhận thông báo này đều đã thuộc diện hợp đồng không xác định thời hạn đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế của Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn từ những năm 2014 - 2015.
Sau khi nhận được thông báo, điều mà các giáo viên lo lắng nhất là sau khi sắp xếp lại, trường hợp của các cô có thể phải chuyển về dạng hợp đồng theo Nghị quyết 102/NQ-CP (Nghị quyết về Giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế). Với hợp đồng này, cô Thoa, cô Phận và các trường hợp nêu trên sẽ trở thành lao động thời vụ, do hiệu trưởng các trường ký mỗi năm một lần, hưởng lương 9 tháng/năm,…
Theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực từ ngày 1/11/2020, nêu rõ: Giáo viên mầm non dạy tại điểm lẻ của cơ sở giáo dục mầm non công lập ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm một trong những điều kiện sau: Trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên. Trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số.
Giáo viên mầm non thuộc đối tượng quy định hàng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Tiền hỗ trợ được trả cùng với việc chi trả tiền lương của tháng và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, đã hơn 1 năm trôi qua, tuy nhiên, Quan Sơn cũng như một số huyện khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang lúng túng trong công tác triển khai. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc bỗng nhiên hàng trăm giáo viên mầm non bị chấm dứt hợp đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lương Tiến Thành - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: “Hiện huyện đã gửi tờ trình lên tỉnh và chờ tỉnh có quyết định cuối cùng”.