Luật Di sản văn hóa - 20 năm nhìn lại
Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là một bước tiến trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới di sản văn hóa. Tuy nhiên, sau 20 năm, các quy định của Luật đang dần “lạc hậu” so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực tiễn của đời sống.
Trăn trở sau những thành công
Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được hết sức quan tâm. Nhờ đó, di sản văn hóa Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hầu hết đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn... Tuy nhiên, theo thời gian, Luật Di sản văn hóa đang lộ ra những bất cập, thậm chí là những “lỗ hổng” để nhiều đơn vị “lách luật”.
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại nhiều địa phương, công tác quản lý, tuyên truyền về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được chú trọng. Hiện tượng xâm hại di tích còn diễn ra như tại Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), di tích Thành cổ Luy Lâu, di tích đền Miễu và đền Phấn Động trong quần thể phòng tuyến sông Cầu (sông Như Nguyệt Bắc Ninh); sự xâm hại nghiêm trọng tại khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng (Phú Thọ); Phố cổ Hội An (Quảng Nam) đang bị cảnh báo vì mất hồn phố cổ…
Bên cạnh đó, cho dù việc tôn tạo chùa “chui”, phá hủy di tích không phải là điều dễ dàng. Nhưng có một thực tế gây bức xúc đó là, hầu hết các vụ tôn tạo chùa “chui” đều được chính quyền sở tại “phát hiện” khi chùa cổ đã bị hạ giải, phá hỏng các kiến trúc cổ như đình cổ Quang Húc (xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội), đơn vị thi công tu bổ di tích đã khiến các mảng chạm cổ kính bỗng biến mất, thay vào đó là những mảng chạm lạ lẫm. Hoặc chùa Sổ (Thanh Oai, Hà Nội), những mái ngói cổ bị đơn vị thi công vứt bỏ ngổn ngang vỡ nát, tự bổ sung các hạng mục mới. Thành nhà Mạc (Tuyên Quang) sau khi trùng tu giống hệt “cái lò gạch”… Nhiều trường hợp khi chủ đầu tư bị “tuýt còi”, công trình bị đình chỉ là ngôi chùa cổ kính chỉ còn lại là công trình dở dang, ngổn ngang…
Cùng với đó, việc thiếu quản lý và ít nhận được sự quan tâm, tạo nên một thị trường cổ vật giả - thật lẫn lộn. Nhiều nhà sưu tập, sưu tầm đồ giả, gây hoang mang và mất lòng tin. Thậm chí việc “hồi hương” cổ vật, chủ yếu nằm trong đội ngũ các sưu tập tư nhân vô cùng tự phát.
Còn đối với vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là việc các tổ chức Hội tự ý vinh danh, phong tặng các danh hiệu trái với quy định của pháp luật. Việc thực hành sai lệch văn hóa phi vật thể hay lạm dụng, trục lợi từ việc thực hành di sản văn hóa phi vật thể cũng từng xảy ra…
Nâng cao vai trò phản biện xã hội
Có thể nói, dù có những quy định, chế tài rõ ràng nhưng công tác bảo tồn di sản vẫn đang “chồng chéo”, bất cập, nhất là khi được phân cấp về cho các địa phương.
Để khắc phục những tồn tại này, theo PGS.TS Nguyễn Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam cho rằng, cần phải nâng cao vai trò của phản biện xã hội. Bởi việc phản biện trong thực hiện Luật Di sản văn hóa và hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được xem là sự đánh giá về tính hợp lý, sự chính đáng, đúng đắn của một chính sách hay quy định pháp luật của Nhà nước dưới góc độ lợi ích của toàn xã hội vì mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bên cạnh đó, đây còn là sự thể hiện quan điểm dựa trên những cơ sở khoa học, cơ sở luật pháp và thực tiễn về một vấn đề được coi là nhạy cảm, là điểm nóng di sản văn hóa...
Dẫn chứng về thực tế, PGS Trụ cho biết, những năm qua, các tổ chức và cá nhân đã có những phản biện xã hội về di sản văn hóa mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là các tổ chức xã hội. Chẳng hạn như, trong lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, việc xử lý công trình Panorama tại đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang); hay việc một công trình du lịch đồ sộ bỗng mọc lên ngay ở vùng lõi Khu Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình)…
“Những phản biện này đã góp phần để cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở xử lý giải quyết các vi phạm, để đảm bảo Luật Di sản văn hóa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, đi vào thực tế” - PGS Trụ nói.
Đồng quan điểm, dưới góc độ bảo quản cổ vật, PGS.TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản Việt Nam cho rằng, cần một định hướng chiến lược “hồi hương” di sản, không để tự phát. Nói tới chiến lược phải có sự tham gia của Nhà nước và những tập đoàn kinh tế lớn, giống như Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm. Tập đoàn kinh tế lớn tham gia cần có một cơ chế chính sách khuyến khích. Cơ chế ấy phải bao hàm cả việc họ tham gia tài trợ vào những dự án của bảo tàng, vốn chưa từng có ở Việt Nam mà chỉ thấy ở di tích. Cơ chế ấy cũng phải lưu ý tới cổ vật tư nhân hiến tặng cho bảo tàng công lập ở Trung ương và địa phương.
“Muốn quản lý tốt lĩnh vực này cần phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ hiểu biết sâu và rộng ở Trung ương và địa phương, giúp cho họ có đủ trình độ, kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ được giao, theo tôi là vô cùng rộng lớn và phức tạp” - PGS Quân nhận định.
Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa, đến năm 2021, cả nước đã có 64.178 di sản văn hóa phi vật thể và gần 40.000 di tích được kiểm kê, 416 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 14 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào các Danh sách của UNESCO, 3582 di tích lịch sử - văn hóa, 119 di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt và 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, trong đó có 1 di sản hỗn hợp.