Hà Tĩnh: Làng nghề bánh đa nem thôn Bình tăng tốc phục vụ Tết

Hạnh Nguyên 14/01/2022 19:10

Nhu cầu tăng cao đột biến, làng nghề truyền thống làm bánh đa nem ở xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh sản xuất tấp nập để cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Càng gần Tết, người dân làng nghề bánh đa nem Thạch Hưng càng tất bật sản xuất để cung ứng ra thị trường.

Những ngày này, mọi ngả đường về làng nghề làm bánh đa nem thôn Bình, xã Thạch Hưng đều chất đầy phên nứa phơi bánh.

Người dân tranh thủ thời tiết nắng ráo, tìm chỗ trống bên đường, giữa cánh đồng để hong phơi bánh để kịp cung cấp cho thị trường.

Người dân tranh thủ vỉa hè, nơi thông thoáng để phơi bánh đa nem.

Nghề làm bánh đa nem là nghề truyền thống của người dân Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh.

Trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, người dân sản xuất bằng tay nên lượng hàng ít, chỉ đủ cung cấp tại chỗ. Những năm gần đây, khi được trang bị máy móc, làng nghề ngày càng phát triển.

Bánh được phơi trên những tấm phên làm bằng tre hoặc nứa.

Chị Trần Thị Cảnh (thôn Bình, xã Thạch Hưng) cho biết, nguyên liệu chính để làm bánh đa nem là gạo, đường và muối. Lựa chọn nguyên liệu chuẩn, nguồn gốc rõ ràng và an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu.

Khâu chọn gạo được bà con tuyển rất công phu, gạo ngâm 2- 3 tiếng, để ráo nước rồi đem xay thành bột, bột có độ mịn vừa phải, còn 1 ít xơ tạo nên sự liên kết nơi bánh. Đường được đun lên đến độ cháy nhất định, đổ nước vào và hòa tan với bột rồi tráng bánh.

Càng gần Tết, nhu cầu đặt mua bánh đa nem càng cao.

Tráng bánh bằng thủ công là chính. Bánh sau khi tráng được trải trên từng tấm phên làm bằng tre hoặc nứa.

Quá trình phơi bánh cũng quyết định đến chất lượng, nếu gặp trời mưa, bánh sẽ bị mốc, nếu trời nắng to hoặc quá hanh bánh sẽ bị giòn, nứt vỏ. Mùa mưa, vào cuối buổi chiều, để bánh có độ kho, dẻo, người dân hong bánh qua lửa vài lượt.

Đây là cách làm truyền thống, cũng là bí quyết làm nghề giúp lá bánh dẻo, mềm, dễ cuốn, khi rán lên có màu vàng, không ngấm mỡ, không bị vỡ, bánh giòn rụm, rất vừa miệng.

Bánh đa nem được phơi cẩn thận, đúng kỹ thuật.

Khi bánh đã đủ khô, người dân tiến hành bóc bánh ra khỏi phên để thực hiện công đoạn cắt. Bánh được buộc thành từng chục hay từng trăm tùy vào đơn đặt hàng.

Lúc này đã hoàn thành xong quy trình sản xuất. Vòng tròn sản xuất mẻ bánh mới lại bắt đầu.

Nghề làm bánh đa nem Thạch Hưng có từ lâu đời.

Bánh đa nem Thạch Hưng hiện có mặt từ Bắc vào Nam và rất được khách hàng ưa chuộng vì không sử dụng hóa chất. Bánh tráng ở đây mỏng, dai ngon và cực kì dễ cuốn.

Hiện tại mỗi tệp 100 lá bánh có giá bán 17.000 đồng, vào dịp Tết giá tăng lên từ 20.000 đến 25.000 đồng.

Gần Tết, nhu cầu tăng cao, giá bánh đa nem cũng tăng theo.

Bình thường, bình quân mỗi gia đình làm từ 3.000 đến 6.000 bánh/ngày. Tuy nhiên, tháng Tết các cơ sở có thể tăng công suất lên gấp 2 đến 3 lần mới đủ nguồn hàng.

Bánh đa nem Thạch Hưng nổi tiếng khắp mọi nơi.

Theo ông Nguyễn Chính Đàn, Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng, toàn xã hiện có khoảng 24 máy, có 77 hộ dân tham gia sản xuất, chiếm 30,4% tổng số hộ dân; giải quyết việc làm cho 201 lao động địa phương.

Doanh thu của nghề bánh đa nem xã Thạch Hưng đạt khoảng 31,2 tỷ đồng/năm, đưa lại thu nhập bình quân từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Bánh đa nem Thạch Hưng có độ dẻo, thơm, dễ cuốn.

Làng nghề truyền thống bánh đa nem thôn Bình, xã Thạch Hưng được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 3579/QĐ-UBND ngày 29/10/2021.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều cơ sở trên địa bàn xã đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP và được chấm đạt chuẩn 2 và 3 sao.

Vụ Tết, các hộ sản xuất phải thuê thêm lao động thời vụ.

Nghề bánh đa nem xã Thạch Hưng không chỉ đem lại giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm cho bà con mà còn là nơi lưu giữ và phát huy những giá trị của làng nghề truyền thống.

Hạnh Nguyên