Lương, thưởng cho thầy thuốc
Việc nhiều y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam) buộc phải “xuống đường” do bị nợ lương kéo dài suốt 8 tháng khiến dư luận lo lắng. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ kéo dài rất cần đội ngũ y bác sĩ, vậy mà họ lại không có lương nhiều tháng thì đó phải được coi là nghiêm trọng.
Nói như bà Lê Thanh Bình - Tổ trưởng tổ Công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh thì họ không còn cách nào khác phải "xuống đường" để nhờ đến sự lên tiếng của cộng đồng, vì trước đó bệnh viện đã nhiều lần hứa hẹn nhưng không giải quyết được. Rõ hơn là từ tháng 5 đến tháng 11/2021, nhiều cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ được nhận 50% lương. Đến tháng 12 không đồng lương nào và tháng 1 dự báo không có lương vì không có nguồn thu vào để chi được lương.
Được biết, từ năm 2019 khi có quyết định tự chủ, cán bộ Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị cắt hết thưởng chỉ còn lương. Đến năm 2021 vừa rồi, lương cũng không được đảm bảo. Đáng chú ý, những người thua thiệt này là những cán bộ công nhân viên không giữ chức vụ, đang làm việc tại khối bệnh viện; còn lãnh đạo và các khối khác thuộc Học viện vẫn được đảm bảo lương thưởng, các khoản phúc lợi đầy đủ.
Như vậy là "1 cơ quan, 2 chế độ", do khác vị trí công tác mà nhiều người đành phải chịu thua thiệt.
Được biết, chiều 12/1, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật; Báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022.
Tiếp đó, thông tin của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết đã báo cáo Bộ Y tế để được phép cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh tạm ứng từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư của Học viện để bệnh viện chi trả 50% tiền lương, phụ cấp tháng 12/2021 và tháng 1/2022 cho cán bộ nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Đồng thời, Học viện đề nghị Bộ Y tế xem xét bố trí gấp nguồn kinh phí của Bộ Y tế để tạm ứng trước cho bệnh viện với số tiền 10,2 tỉ đồng để có kinh phí kịp thời chi trả phần tiền lương, phụ cấp còn nợ từ tháng 5/2021 đến nay cho nhân viên y tế.
Như vậy, bước đầu có thể thấy, tình trạng nợ lương tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh có thể sớm được giải quyết.
Nhưng, câu chuyện không dừng ở đó, nói đúng hơn là không nên tới đó là dừng. Khó khăn do Covid-19 là khó khăn chung, nhưng khó khăn ấy lại rơi vào lực lượng tuyến đầu chống dịch là không thể chấp nhận. Đáng tiếc là thời gian qua, không ít nơi cán bộ, nhân viên do thu nhập thấp, công việc lại vất vả, nguy hiểm nên đã xin thôi việc. Cuối tháng 11/2021, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc và chỉ 10 tháng đầu năm 2021 đã có thêm 968 trường hợp. Đó quả thật là những con số đầy lo lắng và ám ảnh, khi mà TPHCM là địa phương chịu sự khốc liệt nhất của đợt dịch Covid-19 thứ 4, kéo dài nhiều tháng liền số ca nhiễm SARS-CoV-2, số bệnh nhân phải nhập viên, số người tử vong nhiều nhất cả nước. Nói như ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM thì nhân viên y tế đã kiệt sức sau nhiều tháng chống dịch.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến việc cả nghìn nhân viên y tế xin thôi việc là do thu nhập bèo bọt trong khi đó áp lực công việc quá lớn.
Cũng cần nhắc lại, ngày 12/12/2021, trước việc nhiều cán bộ y tế nghỉ việc, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Y tế có giải pháp khắc phục. Thông báo số 9058 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long có giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng không ít cán bộ y tế đang nghỉ việc, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.
Trở lại với vụ việc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, trước hết là phải sớm nhất giải quyết lương thưởng, chế độ cho những người bị nợ lương kéo dài; sau nữa cần phải cân nhắc kỹ việc tự chủ bệnh viện, nhất là với hệ thống bệnh viện y học cổ truyền.