Tuyển sinh trực tuyến: Không còn là giải pháp tình thế
Mùa tuyển sinh 2022 đang bắt đầu, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, thì việc tuyển sinh trực tuyến có lẽ vẫn là phương thức các cơ sở buộc phải chọn lựa. Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức tuyển sinh trực tuyến gặp phải không ít khó khăn do một bộ phận người học chưa quen với các phương tiện, công cụ làm việc trực tuyến hoặc thiếu các điều kiện hỗ trợ kỹ thuật, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa...
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tuyển sinh của hệ thống trường nghề hai năm qua gặp nhiều khó khăn. Mùa tuyển sinh 2022 đang bắt đầu, tuyển sinh trực tuyến thích ứng linh hoạt trong phòng, chống dịch có lẽ vẫn là phương thức các cơ sở buộc phải chọn lựa.
Thích ứng linh hoạt
Theo ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng (CĐ) nghề Cơ điện Hà Nội cho biết, do không thể kết nối với thí sinh qua hình thức trực tiếp, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn Hà Nội đã chủ động chuyển hướng tư vấn tuyển sinh. Theo đó, nhiều trường nhận hồ sơ đăng ký học nghề qua hình thức trực tuyến. Đây là kênh tuyển sinh phổ biến, phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng hiệu quả chưa cao. Tại Trường CĐ nghề cơ điện Hà Nội, việc tư vấn, gửi hồ sơ nhập học, đóng tiền, và nhập học hiện hoàn toàn trực tuyến.
Đại diện Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cũng cho biết, trường đã hoàn thành khóa công tác tuyển sinh năm 2021 - 2022 vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh dịch bệnh, kênh tuyển sinh trực tiếp đang gặp khó khăn nên trường thành lập bộ phận chuyên kết nối tuyển sinh từ xa ở các điểm trường THPT. Mùa tuyển sinh 2022, trường đặt mục tiêu tuyển sinh 1.500 học viên (năm 2021, trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu 10% so với năm 2020). Hiện nhà trường đang có một số mã tuyển sinh của các nghề mới đào tạo ngắn hạn 3 - 6 tháng, vẫn liên tục tuyển sinh.
Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM thông tin, ngoài những đợt tuyển sinh quan trọng hàng năm là vào tháng 7 và tháng 10, năm nay trường chú trọng hơn đợt tuyển ngay sau Tết. Mục đích nhằm đón được các bạn trẻ còn ở quê chưa nhập học trường nào từ năm 2021 đến nay.
Ghi nhận từ các trường nghề cho thấy, việc tư vấn, tuyển sinh trực tuyến thu hút đông người tham gia do học sinh đang nghỉ học, nhiều lao động đang nghỉ làm, nên có thời gian tìm hiểu. Tuy nhiên, số người để lại thông tin để được tư vấn sâu hơn hoặc đăng ký tuyển sinh không nhiều, nhất là các học sinh chuẩn bị tốt nghiệp THCS, THPT. Theo ông Đồng Văn Ngọc, người học còn “nghe ngóng” thời gian, kế hoạch tuyển sinh ĐH - CĐ Sau khi có mốc thời gian chính thức, họ mới xác định con đường lập nghiệp cho bản thân.
Cần chuyên nghiệp hơn
Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cũng đã chỉ ra những cái khó trong công tác tuyển sinh nghề hiện nay. Cụ thể, công tác tư vấn trực tiếp tại trường và tại các địa phương không được triển khai theo kế hoạch do việc thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi hình thức tuyển sinh trực tuyến cũng gặp khó khăn do một bộ phận người học chưa quen với các phương tiện, công cụ làm việc trực tuyến hoặc thiếu các điều kiện hỗ trợ kỹ thuật, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu vực có điều kiện kinh tế còn khó khăn, các khu vực có hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế.
Mặt khác, việc các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp FDI) tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với số lượng lớn, cả đối tượng tốt nghiệp THCS với mức lương hấp dẫn và nhiều chính sách đãi ngộ phù hợp đã thu hút những người trẻ tham gia ngay vào thị trường lao động mà chưa qua đào tạo; công tác phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề chưa được thực hiện tốt, mới đạt khoảng 15% so với mục tiêu 30% người tốt nghiệp THCS vào học nghề… cũng là những “rào cản” không nhỏ đối với tuyển sinh đào tạo nghề.
Điều đáng nói là hầu hết trường nghề tự tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tuyến với nguồn nhân lực cơ hữu chứ không mời đơn vị chuyên trách. Có trường còn dùng điện thoại di động để ghi hình chuyên gia tư vấn. Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh năm 2021 vừa qua, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội GDNN TPHCM chia sẻ rằng hầu hết các trường nghề còn khó khăn, phải truyền thông trực tuyến theo kiểu “con nhà nghèo”, tận dụng nhân sự là giảng viên của trường, sử dụng thiết bị sẵn có như laptop cá nhân, điện thoại di động để ghi hình, phát trực tiếp… Trong khi các trường ĐH đầu tư phòng ghi hình tư vấn trực tuyến rất chuyên nghiệp, hiện đại.
Chia sẻ những khó khăn này, ông Đặng Minh Sự - Trưởng phòng GDNN (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM) khuyến nghị, hệ thống GDNN cần dành kinh phí làm công tác truyền thông tuyển sinh trực tuyến một cách bài bản, có kế hoạch đầu tư trang thiết bị, năng lực nhân sự ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh mới.
Theo Tổng cục GDNN, để khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ còn kéo dài, việc tuyển sinh là vấn đề quan trọng số một cần phải được các địa phương, các trường CĐ, trung cấp tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và các kênh thông tin trực tuyến; khai thác triệt để ứng dụng “Chọn nghề” trên thiết bị di động, trang thông tin tuyển sinh GDNN(http://tuyensinh.gdnn.gov.v); trên webiste của nhà trường; thực hiện việc xét tuyển và thông báo kết quả trúng tuyển trên các website của trường hoặc thông qua các thiết bị di động.
Bên cạnh đó, các trường CĐ, trung cấp thực hiện số hóa tài liệu tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh; xây dựng các cẩm nang nghề nghiệp điện tử ở những ngành nghề mà trường đào tạo để phát hành trên các nền tảng số để dễ dàng tiếp cận đến các đối tượng, gây được sự quan tâm, chú ý của học sinh, người dân.