Gỡ điểm nghẽn vốn chuyển đổi công nghệ

QUỐC ĐỊNH - ĐẠI DƯƠNG 15/01/2022 09:00

Trong thời đại 4.0, doanh nghiệp (DN) không đầu tư vào công nghệ, không chuyển đổi số sẽ bị lạc hậu và sớm bị đào thải. Điều đó ai cũng biết nhưng không phải DN nào cũng làm được. Bởi, nhiều DN không có vốn để triển khai, trong khi đi vay ngân hàng không đơn giản…

Doanh nghiệp vẫn mong cơ chế thoáng trong vốn vay để đầu tư công nghệ mới.

Nói về việc đầu tư công nghệ mới nhằm tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn đầy thách thức trong năm 2022, ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM (AGTEK) nhấn mạnh điều mong mỏi của các DN là một cơ chế thoáng. Chẳng hạn như việc thay đổi cách tiếp cận vốn vay giữa DN với ngân hàng theo cơ chế thoáng. Còn nếu giữ nguyên cơ chế cũ về tiêu chí cho vay thì rất khó cho khả năng tiếp cận của DN.

Ông Việt cho rằng, vấn đề trước mắt của các DN là chuyển đổi số, và đặc biệt là thay đổi công nghệ đang đòi hỏi một chi phí nhất định. Riêng DN mà ông đang quản lý đã đầu tư công nghệ mới vào năm 2012, trải qua thời gian chuyển đổi, đến năm 2016 thì hoàn tất được khâu khai thác thị trường liên quan đến sản phẩm từ công nghệ mới này và đã hoàn vốn chỉ trong 3 năm. “Với 435.000 Euro mà chúng tôi đầu tư công nghệ thiết bị mới vào thời điểm đó thì 2 năm rưỡi đến 3 năm đã lấy lại vốn. Nếu công nghệ này tồn tại khoảng 10 năm thì hàng năm cứ nâng cấp lên”, ông Việt nói.

Còn với các DN khác không chuyển đổi công nghệ, theo vị Phó Chủ tịch AGTEK, sẽ khó tránh chuyện bị đào thải. Nhất là khó cạnh tranh về giá trong khi chi phí nhân công ngày càng cao, sản phẩm cũng khó tồn tại trên thị trường.

Cho nên, bài toán mà các DN cần phải giải chính là vốn để đầu tư công nghệ mới. Nhiều DN nói rằng họ không trông mong nhiều về chính sách giảm thuế mà chỉ cần cơ chế thông thoáng hơn trong vấn đề vay vốn thì xem như sẽ giải được bài toán chi phí trước mắt cho đầu tư công nghệ mới.

Đồng tình với ý kiến nêu trên, ông Nguyễn Quyết Thắng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty 28, nhấn mạnh đây là điều mong mỏi của các DN. Nhất là các chính sách hỗ trợ, cơ chế thoáng để DN đầu tư vào chuyển đổi số, vào công nghệ.

Ở góc độ chuyên gia, TS. Phạm Thị Hồng Phượng (Đại học Công nghiệp TPHCM), cho rằng thực tế là đang có nhiều chính sách, cơ chế tốt để hỗ trợ DN trong vấn đề về đầu tư công nghệ chuyển đổi số và vấn đề vốn vay. Tuy nhiên, nút thắt đang nằm ở chỗ, làm sao để những chính sách tốt như vậy được các DN đón nhận. Theo bà Phượng, các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ về thuế cho DN vẫn đang thực thi nhưng không được nhiều DN biết đến. Có nghĩa là vẫn đang ách tắc, có điểm nghẽn trong quá trình triển khai chính sách đến với DN. “Tôi được biết các đề án đầu tư chuyển đổi số cho ngành dệt may luôn được quan tâm đầu tiên. Vấn đề là ai thực hiện các đề án này và triển khai có thiết thực không, DN có thực sự thụ hưởng không? Đây là điều mà các DN quan tâm với mong muốn chính sách của Chính phủ đến với DN”, bà Phượng đặt vấn đề.

Trong vấn đề DN tiếp cận vốn vay cho đầu tư công nghệ mới, dưới góc nhìn của những người làm ngân hàng thì chuyện muôn thuở vẫn là điều kiện cần và điều kiện đủ. Điều kiện mà phía ngân hàng cần là khả năng sản xuất kinh doanh, là đầu ra sản phẩm của DN trong thời gian tới. Đối với các DN vừa và nhỏ, bề dày thành lập của họ cộng với kinh nghiệm của người chủ DN sẽ tạo ra động lực đầu tư vào công nghệ mới để phát triển. Có như vậy ngân hàng có thể đặt niềm tin để hỗ trợ vốn vay cho DN đó.

Còn với điều kiện đủ, để có thể rõ hơn nữa cho việc đầu tư công nghệ mới thì phía ngân hàng sẽ có những chương trình đánh giá thẩm định ban đầu với DN trong chuyện này. Bản thân DN cũng phải có những rà soát, phương án phù hợp để dòng vốn vay đầu tư máy móc công nghệ mới có thể mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Như vậy thì phía ngân hàng sẽ mạnh dạn đáp ứng nhu cầu vay vốn.

Dù vậy không phải DN nào cũng đáp ứng được các điều kiện cần và đủ. Do đó, việc các DN loay hoay mong có cơ chế thoáng hơn nhằm hỗ trợ họ đầu tư công nghệ mới vẫn luôn là chuyện không hề dễ dàng.

Để các DN Việt chuyển đổi số, nâng cao năng lực sản xuất theo công nghệ mới như hiện nay để vừa giảm chi phí vừa có sản phẩm chất lượng và cạnh tranh tốt, PGS.TS Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng ISB (Đại học Kinh Tế TPHCM) đề nghị, chính sách cho vay ưu đãi dù đã và đang tiến hành nhưng cần phải mạnh mẽ hơn thì mới đáp ứng được nhu cầu của DN. Mặt khác, chi phí đầu tư cho công nghệ mới được khấu hao như thế nào thì cũng cần được làm rõ để có những chính sách thuế ưu đãi. Bởi vì đó là sự sống còn của các DN Việt nếu như chuyển đổi chậm hơn so với DN ở các quốc gia khác đang cạnh tranh trực diện ở một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực.

QUỐC ĐỊNH - ĐẠI DƯƠNG