Chúng tôi đột nhập Sài Gòn (tiếp theo và hết)
Rồi tới đêm mồng một Tết Mậu Thân (1968) - đêm diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên khắp các đô thị miền Nam. Cả Sài Gòn rung chuyển. Nước Mỹ chấn động. Trong một đêm, từ tòa Đại sứ quán Mỹ đến dinh Độc Lập của Tổng thống ngụy quyền cùng một loạt cơ quan chỉ huy quân đội, cảnh sát và căn cứ quân sự lớn bị đánh tới tấp.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân miền Nam làm nức lòng quân, dân cả nước ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Hòa mình cùng đồng bào và chiến sĩ trong khí thế cách mạng sục sôi giữa Sài Gòn quật khởi, tôi càng thấy tự hào khi cùng anh Thép Mới có mặt tại đây đúng vào thời điểm đặc biệt, được cầm súng, cầm bút, góp phần phản ánh kịp thời những thông tin nóng bỏng về chiến thắng to lớn của quân và dân ta, ca ngợi các chiến công, những tấm gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm, tinh thần yêu nước nồng nàn, tình quân - dân sâu đậm của đồng bào và chiến sĩ ta ở ngay sào huyệt của địch.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tình hình tại Sài Gòn - Gia Định diễn biến nhanh và rất phức tạp. Để giành lại quyền kiểm soát những vùng bị quân ta chiếm giữ và cứu vãn tình thế thất bại, Mỹ - ngụy dốc sức lực phản kích nhằm “đẩy Việt Cộng ra xa thành phố”. Như con thú dữ vừa bị giáng đòn hiểm mới tỉnh lại, chúng điên cuồng càn quét, bắt bớ bừa bãi và bắn giết dã man. Suốt ngày đêm, các trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt trên từng khu nhà, góc phố, nhất là các cửa ngõ thành phố và đầu mối giao thông huyết mạch. Tại vùng ven đô, Mỹ - ngụy tập hợp mọi lực lượng, có nhiều loại máy bay, pháo binh, xe tăng, xe lội nước yểm trợ, tàn phá và san phẳng nhiều xóm, ấp, vườn tược, gây tội ác đẫm máu với nhân dân ta.
Hành động hung hăng của kẻ thù gây cho ta những khó khăn, tổn thất không nhỏ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh hoặc bị sa vào tay giặc. Không ít cơ sở của ta bị lộ và bị xáo trộn. Do chiến sự ác liệt, tôi và anh Thép Mới không thể liên lạc với nhau. Ngày nào cơ sở cũng yêu cầu chúng tôi phải di chuyển, hết phố này qua phố khác, hết nội thành lại ra vùng ven. Việc chuẩn bị xuất bản báo cách mạng mỗi lúc thêm khó khăn. Để tập trung chống địch phản kích và tránh gặp nguy hiểm, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định đưa anh Thép Mới ra khỏi nội thành; còn tôi được phân công ở lại, tham gia Đội vũ trang tuyên truyền của T4, vừa góp phần chiến đấu, vừa tiếp tục hoạt động báo chí.
Đó là những ngày tháng cực kỳ gian khổ, đầy máu lửa. Tôi cùng đồng đội lao vào các trận đánh phản kích, triền miên quần nhau với địch cả ngày lẫn đêm ở khắp nội đô, vùng ven Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và vùng phụ cận. Chính thời gian ấy, vào đầu tháng 3/1968, tại mặt trận cửa ngõ phía Tây Nam thành phố, Ban Quân y Phân khu 3 gửi “giấy báo tử” về Báo Giải Phóng ở trên rừng, báo tin tôi hy sinh trong trận chiến đấu chống càn và được chôn cất tại ấp Nhứt, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Cơ quan Báo tổ chức lễ truy điệu và cử nữ phóng viên Kim Oanh về T4 làm tiếp nhiệm vụ của tôi. Rất may, việc báo tử nói trên chỉ là sự nhầm lẫn, nhưng câu chuyện hy hữu đầy máu và nước mắt này lại trở thành một kỷ niệm sâu sắc đối với tôi và các bạn đồng nghiệp thời lửa đạn chiến tranh.
Cuối Xuân Mậu Thân, tôi trở về chiến khu và rất vui được gặp lại anh Thép Mới. Hai anh em trò chuyện trong nghẹn ngào, xúc động sau một chuyến đi nhớ đời. Nghe anh nói, tôi mới biết, hôm có lệnh rời nội thành, anh được bố trí đi cùng Luật sư Trịnh Đình Thảo (Chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ, Hòa bình Việt Nam) và một số trí thức Sài Gòn yêu nước. Phải gian nan, khổ cực vượt qua những xóm ấp bị địch bao vây, càn quét và những trận ném bom, bắn phá ác liệt của máy bay, pháo binh Mỹ, anh và mọi người mới tới nơi an toàn.
Trở lại chiến khu, anh Thép Mới được giao gánh vác nhiệm vụ nặng nề hơn trước: làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục kiêm Trưởng Tiểu ban Báo chí của Ban Tuyên huấn và trực tiếp làm Tổng Biên tập Báo Giải Phóng của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam. Hàng ngày, theo dõi diễn biến tình hình chiến sự ở Sài Gòn, nhất là khi gặp một số người từ nội đô mới ra, anh thường hỏi thăm tin tức về tôi. Từ hôm có giấy báo tôi hy sinh, anh tưởng không bao giờ gặp lại người phóng viên từng gắn bó với anh suốt những ngày Xuân Mậu Thân máu lửa, vậy mà bất ngờ tôi lại trở về…
Anh Thép Mới dành thời gian nghe tôi báo cáo lại việc chuẩn bị nội dung và ma-két số báo dự định xuất bản do anh giao. Theo kế hoạch, số báo ấy, anh trực tiếp viết xã luận và bài chốt, soạn những văn bản quan trọng cần công bố. Các việc còn lại, từ viết tin, bài, chụp ảnh; khai thác, biên tập các nguồn thông tin; sắp đặt, trình bày các chuyên mục của tờ báo khổ lớn, cho đến việc phối hợp với các cơ sở mật để in và phát hành, anh đều giao cho tôi lo liệu. Đối với tôi, đó là việc cực khó và quá sức. Làm ngần ấy việc của một tòa báo tại đô thị, ngay giữa sào huyệt địch đang có chiến sự ác liệt, mọi hoạt động đều bí mật, làm đến đâu biết tới đó, vừa làm vừa tính…, tôi thật sự rất lo. Bởi tôi chưa hình dung được diễn biến của chiến dịch và tác động của nhiệm vụ đầy nguy hiểm mà mình đang nhận lãnh. Nhưng do yêu cầu của cách mạng và cũng thích kiểu làm báo mới lạ, mạo hiểm, lại được anh Thép Mới tin cậy, động viên, giúp đỡ, tôi cố gắng làm hết sức với tinh thần “tùy cơ ứng biến” như anh dặn.
Anh Thép Mới tỏ ý hài lòng khi thấy tôi không những chuẩn bị được số bài, tin, ảnh đủ in khoảng 3 trang báo khổ lớn (trong số 4 trang) của số đầu mà còn dự phòng sẵn mấy bài cho các số tiếp theo. Riêng manchette - tên của tờ báo, tôi vẫn để trống, vì theo ý anh “phải theo dõi sát diễn biến tình hình, đợi ý kiến chỉ đạo của Trung ương Cục, Khu ủy và cần suy nghĩ thật kỹ trước khi chọn tên báo”. Sau Tết Mậu Thân, tình hình cách mạng tại Sài Gòn và toàn miền Nam chuyển biến rất nhanh, nếu bây giờ ra báo, chắc phải chọn măng-sét khác. Cả hai anh em đều tiếc các ý tưởng đầy tâm huyết của mình không có điều kiện để thể hiện.
Anh Thép Mới đọc lướt một số bài ngắn tôi viết tại trận hồi Tết Mậu Thân - những bài ca ngợi các chiến sĩ biệt động đầy mưu trí, dũng cảm trong trận tấn công bất ngờ vào tòa Đại sứ quán Mỹ, dinh Tổng thống ngụy quyền, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Đài phát thanh Sài Gòn; những tấm gương chiến đấu quyết tử của Quân Giải phóng tại sân bay quân sự Tân Sơn Nhất. Anh lấy bút đánh dấu vào mấy bài tôi phản ánh về tình cảm của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đối với Quân Giải phóng; khí thế vùng ven đô trong những ngày quân, dân ta Tổng tiến công và nổi dậy… Loạt bài đó, tôi đều nhờ tổ điện đài của Thông tấn xã Giải phóng chuyển từ Sài Gòn về cơ quan, được phát sóng kịp thời trên Đài phát thanh Giải Phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam, đăng Báo Giải Phóng và báo chí miền Bắc. Anh động viên tôi tiếp tục khai thác, chọn lọc tư liệu hiện có, viết bằng nhiều thể loại về những con người và thành phố anh hùng mà anh và tôi đã thấy.
Nhà báo Cao Kim, tức Nguyễn Kim Toàn, sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Ông làm báo từ năm 1960, tại Báo Kiến An và Báo Hải Phòng. Năm 1966, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Cao Kim cùng bộ đội hành quân vượt Trường Sơn vào Nam Bộ làm phóng viên Báo Giải Phóng - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Cao Kim trở về thành phố Cảng quê hương làm Thư ký tòa soạn, Phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập Báo Hải Phòng; Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng, Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu. Ông là một trong những nhà báo của Việt Nam được nhận Huy chương danh dự của Tổ chức Quốc tế các nhà báo OIJ (1996).