Tìm cách kéo giảm chi phí logistics

H.Hương 15/01/2022 08:15

Do tác động của dịch bệnh Covid-19, hoạt động vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chi phí logistics bị đẩy lên. Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Tổng giám đốc Công ty TNHH T&M Forwarding chia sẻ về những giải pháp để tiết giảm gia tăng chi phí lĩnh vực logistics.

Ùn ứ tại cảng làm tăng giá hàng hóa.

PV:Nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng lớn nhưng cước vận tải biển vẫn neo cao. Theo ông, chúng ta cần những giải pháp gì để kiềm chế những tác động tăng giá này?

Ông Đào Trọng Khoa: Thời gian qua, tình hình giá cước vận tải biển tăng cao, có những tuyến tăng gấp 10 lần so với trước đây, kéo theo doanh thu của nhiều doanh nghiệp (DN) logistics đặc biệt là DN vận tải quốc tế tăng theo, nhiều DN đến thời điểm hiện tại doanh thu đã vượt 200 tỷ đồng. Nhưng điều này không đồng nghĩa với lợi nhuận của DN tăng, ngược lại, áp lực về dòng tiền của DN lớn hơn rất nhiều.

Do đó, các cơ quan quản lý nên có biện pháp để kiểm soát việc các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước vận chuyển cao liên tục làm ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập khẩu. Cụ thể, các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương và Bộ Tài chính có sự chỉ đạo hiệu quả trong việc thực thi các văn bản pháp luật như Nghị định 146/2016/NĐ-CP của Chính phủ về niêm yết giá và phụ phí vận biển bằng container, hạn chế việc tăng cước vận chuyển thiếu kiểm soát như hiện nay. Đồng thời, không tăng và có biện pháp giảm hoặc loại bỏ một số phụ phí trong 12 loại phụ phí đường biển cao hiện hành.

Về dài hạn, Chính phủ nên có quyết sách phát triển vận chuyển vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam, phát triển những đội tàu container cỡ lớn kinh doanh tuyến vận tải đường dài, đáp ứng phần nào yêu cầu chuyên chở hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam, giúp cắt giảm chi phí vận tải rất lớn cho DN xuất nhập khẩu trong nước.

Ông Đào Trọng Khoa.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm chi phí logistics nhanh nhất các cơ quan quản lý không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí nói chung, như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, giá BOT, phí và các lệ phí có liên quan khác, giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển?

- Sự nỗ lực, đồng hành, thấu hiểu của cơ quan quản lý cũng có thể giúp các DN tiết giảm thủ tục, chi phí. Chẳng hạn, với lĩnh vực hải quan, trước tình trạng ùn tắc ở một số cảng khu vực phía Nam vừa qua, cơ quan Hải quan đã có những điều chỉnh quy trình thủ tục giám sát hải quan theo hướng thuận lợi hoá thương mại, cho phép các DN khai báo hải quan chung theo tỉnh, thành phố hoặc khu vực lớn hơn và đưa hàng về các địa điểm thông quan trong khu vực dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan. Quy trình này đã ngay lập tức giảm ùn tắc và quá tải cảng cửa ngõ, giúp cắt giảm chi phí cho DN.

Cùng với đó, vấn đề chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp bách, nhưng năng lực của DN Việt Nam, trong đó có các DN logistics vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nói chung của ngành và phù hợp xu thế thế giới. Vì thế, cơ quan quản lý nên có chương trình hỗ trợ các DN cung cấp dịch vụ logistics và các DN sản xuất, xuất nhập khẩu trong việc chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động kinh doanh, nhất là phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.

Được biết Việt Nam hiện có khoảng 4.000 - 4.500 DN cung cấp logistics trực tiếp và có đến hơn 30.000 công ty liên quan. Các đợt bùng phát dịch liên tiếp đã bào mòn sức chống chịu của bộ phận DN logistics. Việc gia tăng chi phí đã tác động thế nào, thưa ông?

- Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang dẫn đến những khó khăn rất lớn, làm gia tăng chi phí cho hoạt động của các DN, đặc biệt là DN kinh doanh vận tải và logistics. Sản lượng dịch vụ của các DN logistics giảm đáng kể do tình hình kinh doanh của khách hàng gần như bị tê liệt, khách hàng giảm diện tích thuê kho bãi, thậm chí là đề nghị giảm giá dịch vụ do không bán được hàng… Trong khi đó, chi phí cho công tác phòng, chống dịch tăng, giá cước tàu tăng cùng hàng loạt phụ phí từ hãng tàu trở thành gánh nặng tài chính, tạo thành áp lực lên DN dịch vụ logistics.

Đặc biệt, khi giá xăng tăng cao trở lại chắc chắn sẽ phản ánh vào chi phí vận tải nội địa, chi phí vận tải quốc tế thông qua phụ phí về cước xăng dầu…, từ đó gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN logistics, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của các DN nói chung.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Hương