Thấy gì ở đời sống Nhật Bản hiện đại?

BẢO THƯ 16/01/2022 11:00

Từ tháng 4/2022, Nhật Bản chính thức giảm độ tuổi trưởng thành từ 20 tuổi xuống 18 tuổi. Điều đó sẽ mang đến thay đổi lớn trong xã hội Nhật Bản với những quyền lợi và trách nhiệm lớn hơn của những người trẻ ở nước này.

Một cô gái Tokyo trong trang phục truyền thống cách điệu.

Theo tờ Nikkei, với luật mới, người đủ 18 tuổi đã có thể tự ký kết các hợp đồng cá nhân, như đăng ký thẻ tín dụng hoặc ủy thác đầu tư, nhưng cũng phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi của mình.

Các doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh trước sự thay đổi này, như các công ty thành viên Hiệp hội Dịch vụ tài chính Nhật Bản sẽ cho những người từ 18 đến 19 tuổi vay vốn nhưng có hạn mức thấp hơn so với những người 20 tuổi trở lên; hay công ty chứng khoán Nomura, SMBC Nikko sẽ cho phép những người đủ 18 tuổi mua các khoản ủy thác đầu tư sau khi luật mới về tuổi trưởng thành có hiệu lực.

Trong khi đó, theo tờ Sankei, sẽ có nhiều sự thay đổi quyền lợi và trách nhiệm đối với những người 18 tuổi để đảm bảo những vấn đề an ninh xã hội và hỗ trợ các thanh thiếu niên nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của khi bước sang tuổi trưởng thành sớm hơn so với trước đây.

Các trường học Nhật Bản cũng theo đó mà chuyển động để phù hợp với luật mới, trong đó có việc cần tham vấn ý kiến cha mẹ người học hay không khi họ đã đủ 18 tuổi. Đồng thời nhà trường cũng thông báo cho giới trẻ về độ tuổi trưởng thành cũng như đưa ra những lời khuyên đối với người học khi họ phải tự chịu trách nhiệm về bản thân khi luật mới được áp dụng.

Trong một diễn biến khác, người ta ngày một lo ngại khi số người trưởng thành ở Nhật Bản ngại kết hôn. Thống kê cho thấy ở Nhật, cứ 4 người đàn ông thì có 1 người không lập gia đình cho đến độ tuổi 50. Bên cạnh đàn ông, tỉ lệ phụ nữ Nhật ở vậy một mình đến tuổi 50 là 1/7 người.

Dữ liệu này được Chính phủ Nhật Bản công bố 5 năm một lần và không tính đến những người đã ly hôn hoặc có hôn phu/hôn thê qua đời trước tuổi 50. So với hồi thập niên 1970, chỉ có 1,7% đàn ông và 3,33% phụ nữ Nhật chưa từng kết hôn đến tuổi 50.

Một số ý kiến cho rằng xu hướng độc thân tăng lên là do áp lực đối với chuyện cưới xin trong xã hội Nhật Bản ngày càng giảm, cùng với nó là nỗi lo tài chính trong nhóm những người không có nghề nghiệp ổn định. Điều này cũng đồng nghĩa tỉ lệ sinh ở Nhật khó lòng sớm hồi phục, trong khi sẽ có thêm nhiều người cao tuổi độc thân chọn viện dưỡng lão để sống những năm tháng cuối đời.

“Sống độc thân cả đời không còn là một lựa chọn hiếm. Áp lực từ xã hội đã giảm so với trước đây, và ngày càng nhiều người chọn sống một mình theo ý muốn của họ” - bà Akiko Kitamura, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu đời sống Dai-ichi, đánh giá.

Cùng đó bà Akiko cho rằng nhiều người trẻ không thể lập gia đình dù họ muốn vì họ không thể hình dung ra chuyện này, đặc biệt là có con. Nguyên nhân là do thiếu cơ hội gặp gỡ đối tác tiềm năng hoặc thiếu khả năng tài chính.

Còn bản thân “người trong cuộc” cho biết họ chưa thể lập gia đình do điều kiện tài chính. 86% nam giới và 89% phụ nữ trong độ tuổi 18-34 cho biết họ hi vọng một lúc nào đó sẽ kết hôn, hơn 40% nói tiền là rào cản cần phải vượt qua.

Trong một diễn biến khác liên quan, xã hội Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề tỷ lệ sinh thấp vì các cặp vợ chồng trẻ không đủ khả năng nuôi con. Điều này khiến dân số đất nước mặt trời mọc già đi khá nhanh. Sinh con ở Nhật Bản là một việc tốn kém, mặc dù chính phủ đã cải thiện chế độ nghỉ sinh và hệ thống nhà trẻ trong những thập kỷ qua nhưng mọi thứ vẫn không khả quan.

Về phía nam giới thường được coi là trụ cột gia đình nhưng nếu không có công việc ổn định thì họ cũng sẽ ngại sinh con. Còn với phụ nữ, càng ngày càng có nhiều người coi trọng công việc, sự nghiệp hơn hôn nhân và con cái.

Một nguyên nhân khác cũng rất đáng chú ý đó là đàn ông Nhật thích sống trong thế giới ảo. Họ thường dùng các ứng dụng hẹn hò, tạo bạn gái ảo. Đó là những cô gái hoàn hảo nhưng lại “bất khả thi” ngoài đời.

BẢO THƯ