Chạy đua ôn thi chứng chỉ IELTS, học sinh ‘xem nhẹ’ các môn học khác?
Để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, nhiều học sinh lớp 12 đang cấp tốc chuyển hướng học và thi lấy chứng chỉ IELTS.
Năm nay, bên cạnh việc giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, chủ yếu tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực, các trường đại học lớn sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS. Sự thay đổi này khiến nhiều thí sinh chạy đua học và thi IELTS để xét tuyển.
Dành nhiều thời gian ôn thi chứng chỉ ngoại ngữ
Những năm gần đây, phương thức xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được nhiều đại học chú trọng và có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, nhiều trường đại học top đầu dự kiến đưa chứng chỉ ngoại ngữ như một điều kiện ưu tiên xét tuyển.
Tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, những thí sinh có chứng chỉ IELTS (academic) quốc tế 6.0 trở lên (hoặc tương đương) được đăng ký xét tuyển tài năng vào các ngành Ngôn ngữ Anh, Kinh tế - Quản lý theo hình thức xét tuyển kết quả, thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn.
Ngoài ra, thí sinh có chứng chỉ IELTS (academic) 5.0 trở lên có thể sử dụng để quy đổi điểm tiếng Anh để xét tuyển các tổ hợp A01, D01, D07 và các tổ hợp xét tuyển theo kỳ thi Đánh giá tư duy (thông qua hệ thống quy đổi của trường).
Năm nay, Trường Đại học Ngoại thương đưa ra phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và học bạ dành cho thí sinh hệ chuyên và không chuyên hoặc kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với SAT, ACT, A-Level. Trường cũng xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hai phương thức này chỉ áp dụng cho các chương trình dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.
Trường Đại học Thủy lợi cũng dự kiến xét tuyển thẳng thí sinh có học lực năm lớp 12 đạt loại khá và có chứng chỉ tiếng Anh từ 5.0 trở lên.
Việc các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS khiến nhiều thí sinh đang chuyển hướng học và thi lấy chứng chỉ IELTS. Trên các nhóm diễn đàn mạng xã hội, không ít học sinh lớp 12 tìm kiếm lớp dạy thi chứng chỉ ngoại ngữ cấp tốc.
Vì muốn đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nên cả năm nay, em Nguyễn Khôi Nguyên, học sinh lớp 12, Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) không tính đến việc thi chứng chỉ ngoại ngữ.
Thế nhưng, trước phương án tuyển sinh của các trường năm nay, Nguyên cho biết: “Em đang theo học lớp luyện thi IELTS cấp tốc trên mạng để tăng cơ hội trúng tuyển đại học. Hiện nay, em mới chỉ đạt 5.0. Em hi vọng kịp nâng tầm lên 6.5 đến 7.0. Em đang rất lo lắng”.
Để có kết quả IELTS cao không phải việc dễ dàng nên Nguyên phải dành nhiều thời gian ôn luyện mỗi ngày. Nguyên cũng thừa nhận, em không còn nhiều thời gian để ôn luyện các môn học khác. Tình trạng của Nguyên cũng giống với nhiều học sinh lớp 12 đang có nhu cầu học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ này.
Chị Nguyễn Thị Tươi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), phụ huynh có con đang học lớp 12 Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho hay, con chị không học giỏi các môn tự nhiên, nên ngay từ khi con bước chân vào bậc THPT, chị đã định hướng cho con ôn luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ.
“Xu hướng của các trường hiện nay là ưu tiên học sinh giỏi ngoại ngữ, có chứng chỉ IELTS nên mình không thể đứng ngoài cuộc. Hiện nay, con tôi ưu tiên thời gian để ôn thi IELTS. Việc có trong tay tấm chứng chỉ chắc chắn con sẽ tăng cơ hội vào nhiều trường đại học", chị Tươi chia sẻ.
Lo ngại việc học lệch
Trong thời đại hội nhập, học sinh giỏi ngoại ngữ sẽ mang tới nhiều lợi thế khi các em tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên việc học sinh quá tập trung ôn luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ khiến nhiều giáo viên lo ngại tới tình trạng học lệch.
Cô Nguyễn Thúy Quỳnh (giáo viên THPT, Hà Nội) chia sẻ rằng, trong lớp của cô hiện nay nhiều em học rất tốt môn Tiếng Anh, nhưng các môn học khác như Toán, Ngữ Văn, Vật Lý, Hóa Học lại không tốt. Nguyên nhân theo cô Quỳnh là các em dành quá nhiều thời gian cho việc học ngoại ngữ và ôn thi chứng chỉ nên chủ quan, lơ là việc học các môn học khác.
“Tâm lý chạy theo xu hướng tuyển sinh của các trường đại học là khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu các em chỉ chú trọng học ngoại ngữ mà chểnh mảng các môn học khác sẽ dẫn tới tình trạng học lệch”, cô Quỳnh bày tỏ.
Bên cạnh đó, việc “ưu ái” thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đang khiến nhiều thí sinh không có điều kiện học ngoại ngữ bày tỏ lo lắng về cơ hội vào đại học.
Về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDDT), đa phần các trường sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển. Một số cơ sở giáo dục đại học thuộc top đầu có những chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học hoàn toàn bằng Tiếng Anh thì việc sử dụng thêm các tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tuyển cũng là điều bình thường, hợp lý, bởi có tính hội nhập quốc tế.
Tiêu chí về IELTS, TOEFL cũng không phải là tiêu chí duy nhất, mà thông thường các trường còn căn cứ kết hợp cả kết quả học tập hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Chưa kể, cũng chỉ một phần chỉ tiêu là được xác định tuyển sinh bằng phương thức này.
Bà Thủy cũng cho rằng, hiện nay, hầu hết các trường sử dụng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, nếu có năng lực và đủ quyết tâm, ôn tập tốt, tinh thần vững vàng, các em vẫn hoàn toàn có thể trúng tuyển, không hề mất cơ hội.
Bà Thủy cho hay, các thí sinh và phụ huynh không nên quá lo lắng, bởi xu hướng mùa tuyển sinh năm 2022 cũng sẽ không thay đổi quá nhiều, phương án tuyển sinh về cơ bản sẽ giữ ổn định tương đối so với năm 2020, 2021. Thay vào đó, cần tập trung vào việc học tập, ôn luyện, tránh hoang mang bởi những thông tin không chính thống.