Gập ghềnh đường về quê
Tết càng đến gần thì lại càng có nhiều người lo có được về quê ăn Tết hay không. Nói vậy là bởi gần đây nhiều địa phương, bằng cách này hay cách khác, đã loan báo quy định theo dõi, cách ly người trở về quê dịp này. Lý do đưa ra là để phòng, chống Covid-19, không để lây lan ra cộng đồng.
Nghe qua thì thấy cũng có lý, nhưng nghĩ lại mới thấy đó là những “lệ làng” rất không ổn. Chắc hẳn chúng ta đều không quên một thời gian dài “ngăn sông cấm chợ”, người làng này không được sang làng kia dù trong cùng một xã. Vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách bị gián đoạn vì những đòi hỏi quá khắt khe đối với lái xe, chủ xe và cả với hành khách. Đó là những ngày tháng rất buồn, mà hậu quả của nó kéo dài do đứt gãy chuỗi cung ứng, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện.
Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã phải chỉ đạo các địa phương gỡ bỏ rào cản, không được “ngăn sông cấm chợ”. Kể từ tháng 10/2021, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cuộc sống đã có rất nhiều thay đổi. Không còn quá nhiều trạm gác trên đường, giao thương được nối lại trên phạm vi cả nước. Nhờ đó tăng trưởng kinh tế quý 4/2021 có những kết quả rõ rệt, nhất là so với quý 2 và quý 3.
Trở lại với một số địa phương nhân danh phòng, chống dịch Covid-19 đã đưa ra những quy định “trời ơi đất hỡi” chẳng khác nào ngăn người dân của địa phương mình đi làm ăn nơi xa không được về quê ăn Tết. Ngày nào truyền thông cũng “cập nhật” tên địa phương với những “điều luật” rất chi tiết, và đáng tiếc danh sách ấy dường như vẫn dài ra. Các địa phương lại có quy định khác nhau. Không hiểu căn cứ vào đâu có nơi “ra hạn” cho người về quê phải về trước 30 Tết 22 ngày. Lại có nơi dù người đó đã tiêm 2 mũi vaccine thì cũng phải “tự nhốt” trong nhà 14 ngày, ngoài cửa phải treo bảng “Nhà cách ly y tế người từ vùng dịch về”. Lại có nơi, cán bộ thôn tự ý thay khóa cổng của gia chủ bằng khóa của mình, khóa trái lại, không ai có thể ra vào được. Có nơi quy định những người đến/về đều phải làm xét nghiệm và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được trở về gia đình. Có nơi bắt buộc người đến/về từ khu vực nguy cơ cao, các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là Hà Nội phải xét nghiệm PCR có kết quả âm tính mới được “hạ cánh”.
Nhìn chung, việc bắt buộc người đến/về phải xét nghiệm tại địa phương là lại gây thêm tốn kém, cho dù người đó đã có “thẻ xanh” Covid-19 đi chăng nữa. Việc bắt buộc người đến/về quê phải cách ly tại nhà từ 7 đến 14 ngày là rất phiền phức và cũng không theo một quy định nào cả, chỉ là “lệ làng” mà thôi.
Quê hương là nơi để ta nhớ thương. Con người có quê hương như cây có gốc. Quê hương là nơi chốn đi về, là nơi để tâm hồn nương náu. Ngày Tết về quê lại càng có ý nghĩa, đó là dịp đoàn viên. Vì thế, năm 2021 đầy khó khăn, nhưng nhiều người lao động xa quê vẫn chắt chiu từng ly từng tí để có chút tiền về quê. Nhiều người chấp nhận không được trả lương thời gian nghỉ để được về quê gặp ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng, làng xóm. Tình cảm ấy cần phải được trân trọng. Vì vậy không chỉ vì quá sợ dịch (hay bất cứ lý do nào) mà ngăn cản, “làm khó” người về quê ăn Tết.
Cũng vì những quy định “không giống ai” của địa phương mà người lao động băn khoăn, lo ngại khi tính chuyện về quê ăn Tết. Người ta buộc phải dò hỏi, tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để xem mình có nên về quê ăn Tết hay không. Mọi năm, đến thời điểm này thì không còn vé máy bay, vé tàu, vé xe. Năm nay khác hẳn. Các nhà xe, nhà tàu và cả các hãng bay đều vẫn còn dư thừa vé. Khó khăn về kinh tế đã đành, nhưng chính là do người dân sợ về quê lại phải xét nghiệm, cách ly, phiền hà cho mình lại thêm phiền cho ông bà, cha mẹ, cho gia đình. Vì tự dưng người thân cũng phải bị “nhốt” chung nếu như không có điều kiện “sơ tán” sang nhà khác.
Đã đến lúc cần có quy định rõ ràng điều kiện đối với người về quê ăn Tết. Quy định đó phải được cấp tỉnh ban hành, chứ không thể tự do làng xã, huyện tùy tiện đặt ra.