Nước mắt 'blouse trắng'
Là một trong những cán bộ, nhân viên đi đầu trong công cuộc chiến đấu, giành giật sự sống cho bệnh nhân. Thế nhưng, đã hơn 8 tháng nay, nhiều “chiến sĩ blouse trắng” đã phải đối mặt với một khó khăn khác chẳng kém, đó là bị nợ lương. Cực chẳng đã, họ đã phải đi bán rau, “ship” hàng, chạy xe ôm hay bất cứ một công việc gì khác để hòng vượt qua “cơn bĩ cực” của nghề…
Mong “cơn bĩ cực” qua mau
Lẽ ra như thường lệ, hàng chục cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam) sau một ngày căng mình làm việc, sẽ trở về với tổ ấm của mình. Tuy nhiên, các ngày 11 và 12/1, họ phải nán lại để mong nhận được một phần lương ít ỏi của mình. Nhưng rồi chẳng có, những “chiến sĩ” thầm lặng ấy đã phải cầm băng rôn, giấy in những dòng chữ “Hãy cứu lấy blouse trắng”; “Đề nghị trả lương cho chúng tôi”… trong khuôn viên và trước cổng của chính cơ quan mình đang cống hiến.
Qua tìm hiểu của phóng viên, được biết hơn 160 cán bộ, nhân viên đang khoác trên mình tấm áo blouse ấy đã phải chịu cảnh hơn 8 tháng bị nợ lương. “Quá sức chịu đựng của chúng tôi rồi, bĩ cực quá chúng tôi mới phải làm vậy” - nhiều nhân viên cầm băng rôn cho biết.
Chị Lê Thanh Bình - Kế toán viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh bức xúc nói: “Đã hơn 8 tháng qua, Bệnh viện nợ lương. Chúng tôi, chỉ nhận được 50% lương cơ bản hàng tháng. Số lương còm cõi ấy tằn tiện lắm chỉ đủ chi tiêu cho bản thân nói gì đến việc lo cho gia đình, con cái”. Chị Bình chia sẻ thêm, 50% của lương tháng 12/2021 chị chưa nhận được và dự báo tháng 1/2022 cũng sẽ không có lương. “Lãnh đạo lý giải với chúng tôi rằng không có nguồn thu đầu vào để chi trả lương” - chị Bình tiếp nối sự bức xúc.
Theo các nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh, trước đây tình trạng nợ lương của cán bộ, nhân viên ở đây chưa bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, kể từ năm 2019 khi có quyết định Bệnh viện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng nguồn tài chính thì họ bị cắt hết thưởng, chỉ còn nhận được lương cơ bản.
“Kể từ khi tự chủ về mặt tài chính, cơ quan chúng tôi chia thành hai chế độ, trong đó 160 cán bộ, nhân viên làm việc trong khối Bệnh viện không được đảm bảo trả lương. Các khối thuộc Học viện thì không chỉ được nhận lương đều đặn mà còn nhận được lương thưởng và các khoản phúc lợi” - chị Bình cho biết thêm.
Với thâm nên 13 năm làm việc ở đây, cả lương và phụ cấp của chị Bình tính đủ là 4,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều tháng qua chị chỉ nhận được 50% lương/tháng. “Với mức lương ấy, chi tiêu cho bản thân chúng tôi còn không đủ, nói gì nuôi con. Ngoài ra, hàng trăm nhân viên y tế, điều dưỡng, y tá nhiều tháng qua chỉ nhận được từ 1 đến 3 triệu đồng” - chị Bình chia sẻ.
Theo tìm hiểu được biết, chị Bình có 3 con nhỏ, chồng chị là lái xe. Cũng chính vì nguồn thu nhập bị cắt giảm này mà chồng chị nhiều tháng nay đã phải chạy thêm grap và nhờ sự hỗ trợ từ hai bên gia đình nội, ngoại.
Rời áo blouse là đi bán rau, “ship” hàng
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Lê Thị Vân - điều dưỡng viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh dắt chiếc xe máy của mình chạy vội về nhà để chất lên xe nào rau, nào trứng… Vừa chất những thứ lỉnh kỉnh lên xe, chị Vân tranh thủ chia sẻ: Công việc bán hàng online với tôi đã diễn ra nhiều tháng nay. Mà nhiều người phải làm thế, có người còn chạy xe ôm, grap và thậm chí có người không trụ được, đã phải bỏ việc.
Hiện, gia đình chị Vân có 3 con nhỏ, chồng làm bộ đội chuyên nghiệp và đặc biệt, hơn một năm qua, mẹ chồng chị mắc phải căn bệnh ung thư dạ dày. “Mẹ mới phải phẫu thuật cắt bỏ 1 phần dạ dày và hóa trị nên kinh tế gia đình khó khăn, giờ càng khó khăn hơn. Thời điểm mẹ hóa trị, lương chồng tôi đã thấp, lương tôi lại chỉ nhận được 2,5 triệu đồng một tháng” - chị Vân trải lòng.
Để có thêm thu nhập lo cho gia đình, chữa bệnh cho mẹ, ngoài công việc chính ở Bệnh viện, chị Vân tranh thủ những lúc rảnh rỗi là đăng bài bán hàng online trên các hội, nhóm. Lúc thì mớ rau, quả trứng, cân cam, quả bưởi… và vừa bán, chị vừa trực tiếp đi “ship” hàng luôn. “Tranh thủ hơn một giờ đồng hồ nghỉ trưa hoặc sau giờ làm việc là đi “ship” hàng. Có tháng cũng kiếm được vài chục đơn, có tháng chỉ dăm ba đơn. Số tiền ít ỏi ấy cố gắng rau cháo cho gia đình” - chị Vân nói.
Cũng giống như chị Vân, chị Lê Thanh Huyền - điều dưỡng Khoa Phụ sản Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã phải bán rau để kiếm thêm thu nhập. Chị thổ lộ, phải bất đắc dĩ lắm mới phải làm thêm thế này. Chồng chị không có việc làm, hai con đang tuổi ăn tuổi học. Tiền điện, tiền nước, tiền nhà, tiền sinh hoạt… của gia đình đều phụ thuộc phần lớn vào thu nhập của chị. “Rau, trứng, bưởi… chồng tôi về quê ở Chương Mỹ để lấy ra. Đến 17 giờ chiều, khi tan ca là tôi ra ngồi bán. Hiện tại, việc bán rau là thu nhập chính của gia đình bởi tình trạng kéo dài nợ lương như thế này, chúng tôi cũng chẳng biết phải sống như thế nào” - chị Huyền buồn bã nói.
Sau vụ việc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, bà Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam (Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam) đã gửi công văn đến Công đoàn Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đề nghị chăm lo cho người lao động. Trong nội dung công văn, mỗi cán bộ, nhân viên sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cũng đã có đề nghị Bộ Y tế xem xét, bố trí gấp nguồn kinh phí là 10,2 tỷ đồng cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh để kịp thời chi trả phần tiền lương, phụ cấp còn nợ từ tháng 5/2021 đến nay cho cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện.
Để xử lý, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp với các bộ phận của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, nhân viên, người lao động theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022.