Trăn trở hài Tết
Cứ vào mỗi dịp Tết, các sản phẩm hài lại “nô nức” trình làng với khán giả. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hài Tết đang có dấu hiệu chững lại và rơi vào nghịch cảnh là thừa kịch bản nhảm, thiếu kịch bản hay.
Nhà sản xuất “buông tay”
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 2 năm qua, thị trường phim hài Tết có dấu hiệu giảm về số lượng ở cả hai miền Nam - Bắc. Trên Youtube, đến thời điểm này, các sản phẩm hài Tết 2022 không còn “rộn ràng” như những năm trước. Các sản phẩm hài phía Bắc có thể kể đến “Đại gia chân đất 12”, “Làng ế vợ 8”, “Tết ơi là Tết”, “Chạm vào hạnh phúc”, “Keo kiệt thiệt thân”… với sự tham gia của các gương mặt quen thuộc như NSND Trung Hiếu, NSND Quốc Anh, Chiến Thắng, Quang Tèo, Vượng râu… Còn với làng hài phía Nam là các web drama (phim phát sóng trên mạng) hài như “Tết đến rồi về nhà thôi 5”, “Về nhà là Tết”, “Tết nữa u là trời”… với sự góp mặt của các nghệ sĩ như NSND Hồng Vân, Thu Trang, Tiến Luật, Xuân Nghị…
Có thể thấy, với ảnh hưởng của Covid-19, các nhà sản xuất hài Tết đang có dấu hiệu “buông tay”, không còn “mặn mà” sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là nguồn tài trợ bị co hẹp. Nhiều bối cảnh phim bị phong tỏa, cấm tụ tập đông người khiến các ê kíp phải dời lịch. Chưa kể nhiều đoàn làm phim phải cắt giảm tối đa nhân lực và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Bên cạnh đó, nếu như 2 - 3 năm trở về trước, thị trường băng đĩa còn nhộn nhịp, số lượng đĩa tiêu thụ tốt. Nhưng những năm trở lại đây, khán giả chỉ cần lên Youtube là có thể xem được nhiều bộ phim hài với nội dung đa dạng, hấp dẫn. Vì thế, đĩa hài Tết không còn được ưa chuộng, lượng tiêu thụ giảm sút.
Đạo diễn bộ phim “Chạm vào hạnh phúc” Mai Long cho rằng, năm nay là năm ảm đạm nhất của thị trường hài Tết. Nhiều nhà sản xuất vì giữ khán giả và muốn có món ăn tinh thần cho bà con nên vẫn duy trì sản xuất nhưng quy mô nhỏ hơn, nội dung đơn giản hơn, bối cảnh sơ sài hơn...
Đạo diễn Mai Long phân tích, thị trường hài Tết ảm đạm bởi nhiều yếu tố. Các cụ nói “có bột mới gột nên hồ”. “Bột” ở đây được hiểu là chất lượng kịch bản, ê kíp làm việc và “bột” cũng có thể hiểu là kinh phí, mà kinh phí đến từ các nhà tài trợ chiếm số lượng lớn. Đặc biệt, do những sản phẩm hài nhảm nhí trên mạng xã hội đang làm mất vị thế của hài chất lượng, nhân văn, khiến khán giả không mấy mặn mà. Chưa kể, nhiều năm nay, thị trường hài Tết vẫn trong tình trạng “thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay” nên các nhà sản xuất khá dè dặt đầu tư.
“Đỏ mắt” tìm hài hay
Dù vậy, thị trường hài Tết năm nay vẫn có đầy đủ hài dân gian, hài hiện đại, hài tình huống, hài tiểu phẩm... Nội dung từ mâu thuẫn gia đình, xung đột quyền lợi ở làng quê, đa cấp cho đến giãn cách xã hội, đồng lòng chống dịch... Tuy nhiên, nhìn chung các phim hài Tết vẫn chưa có nhiều nét đặc sắc, chưa có tính đột phá. Nhiều bộ phim dù gắn mác hài nhưng các tình tiết mang lại cho khán giả vẫn chỉ dừng ở tiếng cười cơ học, cười xong quên ngay, không đọng lại được thông điệp để người xem suy ngẫm. Chưa kể, hầu hết các bộ phim hài Tết vẫn chỉ quẩn quanh bối cảnh ở các nông thôn với những tạo hình quen thuộc là xấu thì xấu thậm tệ, chân phải thọt, mắt phải chột…
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, đạo diễn Bình Trọng cho biết, sau gần 10 năm sản xuất series hài “Làng ế vợ” và “Đại gia chân đất” bản thân ê kíp sản xuất muốn dừng lại. Ngoài lý do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đến kế hoạch sản xuất, thì đoàn làm phim cũng đã dần cạn ý tưởng và đang muốn chuyển sang một “format” khác. Tuy nhiên, rất may là các sản phẩm hài về đề tài nông thôn vẫn đang nhận được sự quan tâm của khán giả, đặc biệt là bà con ở các vùng quê. Đây là động lực để đoàn làm phim nỗ lực ra mắt tiếp series hài trong dịp Tết năm nay.
Nhìn chung lại, nỗ lực của các đoàn làm phim hài Tết là không thể phủ nhận, cũng như khó thể đánh đồng với các sản phẩm “hài nhảm”. Tuy nhiên, để hài Tết trở lại thời “vàng son” như đã từng có đang cần những “bệ phóng” vững chắc từ kinh tế cho đến những kịch bản chất lượng. Ở đó, theo đạo diễn Mai Long, cơ quan quản lý cần vào cuộc kiểm duyệt nội dung trước khi đưa ra công chúng. Hai là phân loại tác phẩm, kiểu như: C13, C16 18, hài giải trí, hài Tết… Chỉ được phép đặt tên là hài Tết khi đủ tiêu chí về nội dung, hình ảnh, thời lượng, thông điệp... Các đơn vị đại diện phát hành tại Việt Nam như: Youtube, Web phim, Truyền hình, Facebook, Tiktok... cần tạo mục riêng để người xem dễ chọn lựa và tiếp cận. Không thể đánh đồng những thứ tử tế và nhảm nhí vào chung với nhau.
Đạo diễn Mai Long cho rằng: Những nhà làm phim cần tôn trọng khán giả, nếu hài nhảm chỉ gây cười mà không ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, không bậy bạ thì cũng mới chỉ đạt được tiêu chí giải trí thôi. Nhưng đã nhảm mà tục tĩu thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến khán giả, đặc biệt là trẻ nhỏ. Những sản phẩm này sẽ định hướng tiêu cực, tác động đến hành vi trẻ nhỏ.