Siết chặt việc nhập khẩu phế liệu
Việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ nhập khẩu tràn lan chất thải vào Việt Nam, tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Vì vậy, từ năm 2022, việc nhập khẩu phế thải đang được siết chặt hơn…
Gia tăng nhập phế liệu
Ngày 13/5/2019, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung nhiều quy định theo hướng chặt chẽ hơn đối với nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Theo đó, phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phải đáp ứng yêu cầu quy định trong Luật Bảo vệ môi trường; phế liệu nhập khẩu chỉ được phép dỡ xuống cảng khi đáp ứng các yêu cầu theo luật.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất chủ yếu là thép, giấy, nhựa… đang có xu hướng tăng mạnh. Do nhu cầu nguyên liệu sản xuất trong nước tăng cao, dẫn đến doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu phế liệu để phục vụ sản xuất. Mặt khác, hiện nay, một số quốc gia (là thị trường nhập khẩu phế liệu lớn của thế giới) đã hạn chế, thậm chí cấm nhập khẩu một số phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất, dẫn đến thời gian gần đây, một lượng lớn phế liệu, chất thải rắn tìm cách nhập về các nước Ðông – Nam Á (vẫn đang cho phép nhập khẩu phế liệu) như: Việt Nam, Indonexia, Malaixia, Thái Lan.
Đáng chú ý, tại thời điểm này, lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng ở TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng lên tới hơn 5.000 container. Việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu không chỉ ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng, mà còn làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường tại khu vực này.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/8/2021, cả nước chi hơn 1,84 tỷ USD nhập khẩu hơn 4,3 triệu tấn phế liệu sắt thép, tăng 23,2% về lượng nhưng tăng tới 108% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. Còn năm 2020, cả nước nhập khẩu gần 6,3 triệu tấn phế liệu sắt thép, kim ngạch 1,67 tỷ USD, tăng 11,4% về lượng và 0,7% về kim ngạch so với năm 2019.
Siết chặt việc nhập phế liệu
Đánh giá việc quản lý phế liệu nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, có nhiều thời điểm tại các cảng biển của Việt Nam tồn đọng tới hàng ngàn container là phế liệu nhưng rất khó tìm chủ sở hữu, dẫn tới việc kiểm tra, phân loại, yêu cầu vận chuyển lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tiêu hủy gặp nhiều khó khăn.
Thời gian vừa qua, ngành Hải quan đã khởi tố hơn 10 vụ việc liên quan đến nhập lậu phế liệu, chuyển một số vụ đến cơ quan công an mở rộng điều tra làm rõ. Trong đó, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan khởi tố 4 doanh nghiệp, Cục Hải quan Hải Phòng khởi tố 2 doanh nghiệp, Cục Hải quan An Giang khởi tố 7 cá nhân nhập lậu phế liệu.
Để siết chặt việc nhập khẩu phế liệu, Việt Nam cũng đã sửa đổi, ban hành nhiều văn bản luật. Đặc biệt, từ trung tuần tháng 1/2022, doanh nghiệp phải ký quỹ bảo vệ môi trường nếu muốn nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu sẽ được thực hiện theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ trung tuần tháng 1/2022.
Theo đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau: Khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau: Khối lượng nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ nhập khẩu tràn lan chất thải vào Việt Nam, tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường.